Khơi thông “điểm nghẽn”, thúc đẩy phát triển vận tải thủy vùng ĐBSCL

01/10/2022 - 11:08

Chiều 30/9, Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị thúc đẩy phát triển vận tải thủy, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực ÐBSCL. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đề nghị các địa phương quan tâm xúc tiến đầu tư, ưu đãi, cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp lĩnh vực vận tải thủy. Ðồng thời, nghiên cứu áp dụng các giải pháp hiệu quả để khai thác các kết cấu hạ tầng vận tải thủy hiện hữu. Ngoài nỗ lực cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của doanh nghiệp về vấn đề này rất quan trọng. Các doanh nghiệp lĩnh vực vận tải thủy cần chủ động phối hợp xây dựng, phát triển các tuyến vận tải. Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cam kết cùng doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trong thẩm quyền và kiến nghị Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền. Sau hội nghị này, đề nghị các doanh nghiệp triển khai ngay các giải pháp đã nêu ra tại hội nghị, chung tay vực dậy vận tải thủy khu vực ÐBSCL...

Vùng ÐBSCL có hệ thống sông ngòi dày đặc, liên kết tất cả các địa phương trong vùng, có lợi thế rất lớn cho vận tải công suất lớn bằng đường thủy. Phát triển vận tải thủy sẽ góp phần giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, vận tải được nhiều loại hàng có khối lượng lớn từ đó tăng sức cạnh tranh trên thương trường. Tuy nhiên, thời gian qua, vận tải thủy vẫn là “điểm nghẽn” của vùng, chưa khơi thông, phát huy lợi thế sẵn có.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích những điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội, thách thức phát triển vận tải thủy của vùng. Trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy vùng ÐBSCL. Ðơn cử, tập trung cải tạo, nâng cấp, bảo trì các luồng tàu biển chính trong khu vực; phát triển các cảng hàng hóa thương mại, ưu tiên các bến cảng gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa; tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng phù hợp với quy hoạch; sớm hình thành và đưa vào khai thác trung tâm logistics vùng; tăng cường kết nối giữa các cảng, các doanh nghiệp, các hãng tàu nội địa, các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa container bằng đường thủy; có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, thu hút nhân lực...

Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp lĩnh vực vận tải thủy kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương như duy trì độ sâu ổn định và hướng tới có luồng 2 chiều cho tàu trên 10.000 tấn ra vào an toàn; có chính sách hỗ trợ chi phí cho các hãng tàu phát triển các tuyến sử dụng tàu lớn ; phân tích, đánh giá tập trung, ưu tiên đầu tư vào các tuyến thủy nội địa liên vùng, tuyến luồng huyết mạch giúp mang lại giá trị kinh tế lớn...

Theo T. TRINH (Báo Cần Thơ)