Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, tỉnh có bờ biển dài hơn 200km, từ Mũi Nai (Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh) tiếp giáp tỉnh Cà Mau; trong đó có 21 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 122km, tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất và Kiên Lương.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết bờ biển Kiên Giang là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi trong phát triển kinh tế ven biển nhưng cũng là nơi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, khó lường.
Nhiều năm qua, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư nhiều dự án quan trọng như hệ thống cống ven biển, cống phân vùng sản xuất và xây dựng kè phá sóng, gây bồi tạo bãi, trồng rừng phòng hộ bảo vệ tuyến đê ven biển, vừa ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng sạt lở, vừa góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế ven biển.
Trong số những đoạn bờ biển bị sạt lở, tỉnh đã đầu tư khép kín gần 69km kè kiên cố, gây bồi tạo bãi trồng rừng và hiện còn hơn 52km cầu đầu tư, gồm: tuyến An Biên-An Minh 2 điểm dài 10,37km, Hòn Đất 3 điểm dài 33,28km, Kiên Lương 5 điểm dài hơn 9km.
Mặt khác, trên bờ biển có 89 cửa sông đổ ra biển cần khép kín, tỉnh đã đầu tư 78 cống, còn lại 11 cống đang xây dựng và tiếp tục triển khai đầu tư.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống sạt lở bờ biển, tỉnh đã đầu tư 5 dự án quan trọng trên địa bàn. Cụ thể là dự án chống sạt lở bờ biển và phục hồi tuyến đê, kè biển từ Tiểu Dừa đến khu vực Kim Quy thuộc địa bàn huyện An Minh, tổng chiều dài hơn 3.400m, trong đó, thi công hoàn thành 3.152m, phần còn lại tiếp tục triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024.
Tiếp đến, dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển đoạn Thứ Hai-Xẻo Bần trên tuyến An Biên-An Minh, tổng chiều dài 11.086m và dự án đầu tư xử lý sạt lở bờ biển huyện Hòn Đất, tổng chiều dài 11.202m, cả 2 dự án này dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024.
Cùng với đó, dự án cống âu thuyền Vàm Bà Lịch (Châu Thành) đã hoàn thành đưa vào sử dụng vận hành phục vụ kiểm soát mặn đầu mùa khô năm 2024.
Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng cống âu thuyền T3-Hòa Điền (Kiên Lương) đang triển khai thực hiện dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2025; dự án đầu tư xây dựng 3 cống Đầm Chích và Phú Mỹ (Giang Thành), Xẻo Nhàu (An Minh) đang thực hiện các thủ tục đầu tư, dự kiến phê duyệt dự án trong tháng 8/2024 và thi công xây dựng hoàn thành trong năm 2026.
Ngoài 5 dự án này, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư các dự án thủy lợi khác trong thời gian tới để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm sinh kế của nhân dân.
Tỉnh đầu tư công trình phục vụ lĩnh vực nông nghiệp đa mục tiêu, trong đó ưu tiên bảo vệ sản xuất và điều tiết sản xuất vùng dự án; phát triển sản xuất gắn kết với liên kết vùng nguyên liệu và chế biến; kết nối giao thông thủy, bộ và logistics cho địa bàn đầu tư; kết hợp phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, chia sẻ một số công trình được đẩy mạnh và ưu tiên nguồn lực thực hiện đảm bảo khép kín, gồm: kè phá sóng ven biển 52km còn lại trên các đoạn, tuyến sạt lở; trong đó có 14km đã lồng ghép vào 2 dự án của Ngân hàng Thế giới và của Đức, còn lại 38km, tỉnh trình bộ, ngành chức năng và cân đối nguồn lực khác đầu tư xây dựng.
Tỉnh hoàn thiện cống Xẻo Nhàu (An Minh) đưa vào khai thác sử dụng, còn 10 cống tiếp tục trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và cân đối nguồn lực của tỉnh để sở đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, một số khu vực hạ lưu hệ thống cống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé thuộc địa bàn 2 huyện Châu Thành và An Biên trũng, thấp, bị ngập, nhất là khi vận hành đóng cửa cống và triều cường dâng cao, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Tỉnh Kiên Giang bố trí kinh phí khoảng 70 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đê ven sông phía hạ lưu cống Cái Lớn, Cái Bé để giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ trong khu vực này, ổn định sản xuất và đời sống người dân./.