Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Long An (30-12-1961 - 30-12-2021): 'Sứ mệnh' thiêng liêng của Mặt trận

30/12/2021 - 14:25

Dù ở thời kỳ nào, Mặt trận (MT) luôn mang “sứ mệnh” tập hợp nhân dân, tạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong kháng chiến, MT góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, MT đồng hành cùng địa phương trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tự hào truyền thống vẻ vang

Những ngày cuối năm, theo chân Đoàn công tác của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An, chúng tôi về thăm Khu căn cứ Hội Đồng Sầm, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ. Đây là nơi thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng (MTDTGP) tỉnh Long An. Khu căn cứ Hội Đồng Sầm được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1994.

Được biết, ngày 30/12/1961, tại Khu Hội Đồng Sầm, ấp Hòa Tây (nay là ấp Tân Hòa, xã Bình Hòa Bắc), tỉnh tiến hành Đại hội thành lập Ủy ban MTDTGP tỉnh. Ủy ban MTDTGP tỉnh gồm 11 thành viên, là đại biểu của Đảng, lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, trí thức, tôn giáo, học sinh, sinh viên ở Long An. Đại hội bầu 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch, theo đó, ông Châu Văn Bảy, đại diện trí thức giữ chức chủ tịch.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Trương Văn Nọ dâng hương tại bia tưởng niệm Khu căn cứ Hội Đồng Sầm trong chương trình về nguồn, họp mặt ở huyện Đức Huệ vào tháng 11/2021

Ngay sau khi ra đời, MTDTGP tỉnh đã đưa ra chương trình hành động sát hợp với thực tế địa phương từng vùng, nhằm thực hiện Chính sách 10 điểm của MTDTGP miền Nam Việt Nam. Do chương trình hành động phù hợp với nguyện vọng thiết thực của quần chúng và sách lược của MT hết sức mềm dẻo nên thu hút được đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng các phong trào đấu tranh khi được phát động. Nổi bật phải kể đến phong trào diệt ác phá kiềm, phá ấp chiến lược, chống địch bắn phá bừa bãi.

MTDTGP tỉnh trở thành trung tâm đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước của tỉnh, hòa chung vào phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam, là một trong những nhân tố quan trọng để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Khu căn cứ Hội Đồng Sầm là chứng tích khẳng định sự lớn mạnh của phong trào yêu nước ở Long An, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, vì sứ mệnh lịch sử thiêng liêng đánh đổ đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai bán nước. Đây còn là minh chứng cho truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” và lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân tỉnh nhà.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong thời kỳ đổi mới

Dù ở thời kỳ nào, MT cũng mang “sứ mệnh” tập hợp nhân dân, tạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong kháng chiến, MT đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Phát biểu tại chương trình về nguồn, họp mặt tại huyện Đức Huệ vào tháng 11/2021, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Trương Văn Nọ từng nhấn mạnh, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, MT luôn là trung tâm đoàn kết, huy động sức mạnh của nhân dân làm nên thắng lợi lịch sử giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

MTTQ và các tổ chức thành viên tích cực chăm lo đời sống người dân trong đại dịch (Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên tặng sữa cho các gia đình có trẻ nhỏ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19)

Trong thời kỳ đổi mới, MT đã tập trung củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn cho sự phát triển đất nước, tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát động và vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động góp phần phát triển KT - XH địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thời gian qua, nội dung và hình thức tổ chức cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đô thị văn minh” được từng khu dân cư vận dụng sáng tạo, sát với tình hình thực tế tại địa phương; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện phong trào đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm, thực hiện các hoạt động tương trợ, hiến đất, góp tiền, ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng,... với phương châm “lấy sức dân để phục vụ nhân dân” đã huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội, qua đó làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Năm 2021, UBMTTQ Việt Nam huyện Tân Trụ phối hợp các tổ chức thành viên thực hiện tốt 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, mỗi nội dung có phần việc, công trình, sản phẩm cụ thể mang lại hiệu quả. Trong năm, tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 321 lượt người dân, giới thiệu việc làm cho 1.333 lao động, tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình, phát huy tổ kinh tế hợp tác, tổ liên kết.

Huyện Tân Trụ có 10 hợp tác xã, 46 tổ hợp tác, 41 tổ liên kết đa dạng và 184 tổ tiết kiệm vay vốn đang hoạt động có hiệu quả. Song song đó, các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người nghèo; xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp;... được tập trung thực hiện.

Sau nhiều nỗ lực, phấn đấu, đến nay, huyện Tân Trụ đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Người dân ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của XDNTM, từ đó góp sức, chung tay cùng chính quyền địa phương. Hiện nay, tỉnh có huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM và TP.Tân An hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Năm 2021, tỉnh đã trải qua quãng thời gian rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Trương Văn Nọ 2 lần ra Lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19”. Kết quả, hàng triệu đồng bào tự giác, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hàng chục ngàn tình nguyện tham gia vào các đội hình; cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đóng góp nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Trong đợt dịch thứ 4, tỉnh đã tiếp nhận hơn 993 tỉ đồng, gồm 240 tỉ đồng tiền mặt; nhu yếu phẩm trị giá 290 tỉ đồng; vật tư, trang thiết bị y tế với kinh phí 463 tỉ đồng. MTTQ và các tổ chức thành viên hỗ trợ gần 300.000 người dân khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó, nhiều trường hợp được hỗ trợ 2 - 3 lần; đồng thời, hỗ trợ TP.HCM và 17 tỉnh, thành khác trong cả nước với số tiền 7,7 tỉ đồng.

Thời gian qua, nội dung và phương thức hoạt động của MT luôn được đổi mới phù hợp, sát với thực tế; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng và củng cố vững chắc. MTTQ các cấp thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ngày càng lan tỏa sâu, rộng trong xã hội.

Có thể khẳng định, tất cả những thành tựu trên là biểu hiện sinh động của truyền thống yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc với vai trò nòng cốt của MTTQ và các tổ chức thành viên./.

Khu căn cứ Hội Đồng Sầm, nơi thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh là chứng tích khẳng định sự lớn mạnh của phong trào yêu nước ở Long An, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, vì sứ mệnh lịch sử thiêng liêng đánh đổ đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai bán nước. Ngày nay, nơi đây là minh chứng cho truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” và lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân tỉnh Long An.

Theo Báo Long An