Quang cảnh đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương ngày lễ hội
Nếu tên gọi Đồng Tháp Mười gắn liền với quá trình khai hoang mở cõi của lưu dân người Việt, thì Gò Tháp là địa danh nổi tiếng không thể tách rời với tên tuổi hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (Đốc Binh Kiều). Những tên đất, tên người ấy đã góp phần làm rạng rỡ thêm non sông đất nước Việt Nam. Từ những năm 1860 của thế kỷ XIX đến năm 1945 của thế kỷ XX, Gò Tháp được biết đến là đại bản doanh chống Pháp của Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều; là căn cứ địa của Xứ ủy Nam bộ.
Lễ hội rằm tháng 11 âm lịch tại Khu Di tích Gò Tháp đã trở thành hoạt động văn hóa có sức thu hút mạnh mẽ, là hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu của quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Như thường lệ, giỗ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều, ngày 13 âm lịch bắt đầu chuẩn bị lễ hội và lễ thỉnh sắc, diễn ra vào buổi sáng. Lễ thỉnh sắc, gồm một đoàn xe được trang hoàng đẹp với đầy đủ chiêng, trống, cờ, lọng, long đình, học trò lễ, cùng đội nhạc lễ, đội lân... Nghi lễ này thường bắt đầu bằng một hồi trống báo cho mọi người biết để đến cùng đi thỉnh sắc. Kế đến, chiêng, trống gióng lên báo hiệu cho cuộc rước bắt đầu. Khi đám rước đến nơi giữ sắc thần, các vị trong Ban Tế tự vào tế một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà, đọc một bài văn tế (hay khấn cũng được) ngắn gọn, rồi đem sắc đi đặt vào long đình, để đưa sắc về đình. Đến đình, cử hành nghi thức an vị: tế một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà rồi đưa tráp đựng sắc phong để trên bàn thờ hai cụ nơi chính điện.
Ngày 14 âm lịch khai mạc lễ hội với các nghi thức dâng hương và tự do bái lễ của nhân dân. Đêm 14 âm lịch, được xem là đêm chính của lễ hội với những hoạt động tưng bừng của người dân tham gia. Tiếp đến ngày 15 cùng với các hoạt động vui chơi sôi nổi, nhộn nhịp của người dân là lễ cúng cầu an (cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, mùa màn bội thu).
Đêm 15 rạng sáng ngày 16 âm lịch là cuối của lễ hội, diễn ra các nghi thức cúng quan trọng: cúng tỉnh sanh, còn gọi là thỉnh sanh (“tỉnh” là tịnh, gạn cho trong sạch, “sanh” có nghĩa hy sinh), diễn ra lúc 0 giờ; cúng thần nông, diễn ra từ 2-3 giờ; cúng chánh tế, từ 3-4 giờ. Trong ba ngày đêm lễ hội, sắc được giữ tại đình thờ hai vị, chiều ngày cuối cùng sắc được đưa về nơi cất giữ gọi là lễ hồi sắc.
Lễ giỗ Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều, nghi thức cúng lễ rất quan trọng. Bởi đó là những tục lệ thiêng liêng đã tồn tại lâu dài, thể hiện lòng tri ân thành kính với các bậc tiền nhân; là niềm tin sâu sắc với các thần linh; là thể hiện mối ứng xử của con người với cộng đồng, với bản thân mình.
Đến với lễ giỗ, ngoài việc thắp hương tỏ lòng tri ân thành kính với hai vị anh hùng dân tộc, khách thập phương còn có dịp ôn lại lịch sử oai hùng của quân dân Đồng Tháp Mười trong cuộc kháng chiến chống Pháp...
Lễ hội truyền thống Thiên Hộ Dương - Đốc Binh Kiều hàng năm là dạng tín ngưỡng thể hiện lòng tri ân các bậc tiền nhân, những người có công với đất nước trong cuộc khai hoang, mở cõi, chống ngoại xâm, cường hào ác bá... Tín ngưỡng này nằm trong đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam; là truyền thống đoàn kết, yêu nước, với những sắc thái, tục lệ mang đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười và các tỉnh lân cận. Lễ hội vừa mang sức mạnh cộng đồng to lớn, bởi quy tụ đông đảo nhân dân tham gia, vừa mang đậm truyền thống dân tộc, với những giá trị gắn liền quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ vùng đất nơi đây.
Theo Báo Đồng Tháp