Các tàu gỗ du lịch, du thuyền là những phương tiện được định hướng đầu tư cho các tuyến du lịch đường sông nội vùng ÐBSCL. Trong ảnh: Du khách quốc tế trên tàu gỗ khám phá tuyến sông Hậu, TP Cần Thơ. Ảnh: KIỀU MAI
Trong liên kết, hợp tác của 14 tỉnh, thành có xác định 5 nội dung: trao đổi thông tin về tình hình phát triển, xây dựng và phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực và kêu gọi đầu tư du lịch. 5 năm qua, nội dung ký kết này đã được triển khai tích cực, tạo nên những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể trong 5 năm qua, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành lớn tại TP Hồ Chí Minh đã đưa khoảng 7,5 triệu lượt khách đến ĐBSCL. Ở chiều ngược lại, tổng lượt khách từ ĐBSCL đến TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 2,5 triệu lượt. Đây là kết quả của quá trình kết nối thị trường, các chiến lược quảng bá du lịch, điểm đến hiệu quả giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL. Số liệu thống kê trên dựa vào cơ sở dữ liệu khảo sát của 100 doanh nghiệp du lịch, lữ hành ở TP Hồ Chí Minh, 50 doanh nghiệp, lữ hành ở ĐBSCL. Các đơn vị này thường xuyên tham gia các hoạt động liên kết hợp tác giữa 14 tỉnh, thành.
Trong chiến lược quảng bá điểm đến, hiện 14 tỉnh, thành đã có hệ thống 50 điểm du lịch hấp dẫn từ Chương trình bình chọn “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình”. Đây là một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2024. Chương trình bình chọn góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống và những nét bản sắc đặc trưng nhằm đẩy mạnh giới thiệu điểm đến của 14 tỉnh, thành. Từ đó, tạo liên kết xây dựng những sản phẩm tiêu biểu, phù hợp với nhu cầu thị trường. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp khai thác điểm đến quảng bá, truyền thông sản phẩm, dịch vụ du lịch, kết nối với doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình du lịch chất lượng thu hút du khách.
Triển vọng đột phá từ sản phẩm du lịch đường sông
Một phần việc quan trọng cũng là trọng điểm trong liên kết là xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, định vị thương hiệu vùng. Theo đó, du lịch đường sông được xác định là sản phẩm quan trọng cần được chú trọng đầu tư trong vùng.
Bên cạnh hơn 60 tuyến du lịch đường sông khai thác tại TP Hồ Chí Minh, hiện có thêm 55 tuyến mới được định hướng phát triển kết nối từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành ĐBSCL. Các tuyến này được phân chia đa dạng: 19 tuyến có lưu trú trên sông Mekong (TP Hồ Chí Minh - ĐBSCL và liên tuyến quốc tế kết nối Campuchia), 14 tour/tuyến đường sông liên vùng TP Hồ Chí Minh - ĐBSCL bằng tàu cano, tàu cao tốc và 22 tuyến, tour đường sông nội vùng ĐBSCL bằng tàu cano du lịch, tàu gỗ du lịch và du thuyền. Đây được xem là định hướng đột phá cho du lịch đường sông của 14 tỉnh, thành. Bởi ngoài các tuyến đường sông khai thác từ Bến Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh) thì liên tuyến đường sông đang được mở cho vùng ĐBSCL, khi định hướng các tuyến mới xuất phát từ 4 điểm trung chuyển mới: Cảng du thuyền Mỹ Tho - Cái Bè (Tiền Giang), Bến cảng hành khách Vĩnh Long, Bến tàu khách du lịch Cần Thơ, Bến tàu du lịch Châu Đốc (An Giang). Đây sẽ là 4 bến mới được định hướng đầu tư để phát triển du lịch đường sông.
Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cũng tạo điều kiện cho nhiều đơn vị doanh nghiệp, lữ hành của các địa phương kết nối, hợp tác xây dựng và phát triển sản phẩm. Cụ thể, 25 đơn vị lữ hành, điểm đến của 8 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã thực hiện ký kết về phát triển du lịch đường sông với 14 doanh nghiệp du lịch, lữ hành TP Hồ Chí Minh. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy việc xây dựng sản phẩm du lịch địa phương và đầu tư hạ tầng du lịch đi vào thực tế, phát huy được hiệu quả của liên kết từ nhiều phía, các cấp.
Nhiều năm qua, liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 14 tỉnh, thành đã huy động được sự tham gia của nhiều bên liên quan trong ngành, từ các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu đến các chuyên gia hàng đầu, hiệp hội nghề nghiệp cùng tham gia vào các hoạt động chung, từng bước góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho du khách.
Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL còn tạo động lực thu hút đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và dịch vụ du lịch. Thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, hình ảnh du lịch các tỉnh ĐBSCL được nâng cao đáng kể, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lớn từ TP Hồ Chí Minh. Kết quả là hàng loạt dự án quy mô đã được triển khai, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho toàn khu vực.
Có thể thấy, liên kết đã bước đầu hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong phát triển du lịch của khu vực. Nhiều điểm đến tại ĐBSCL dần định vị được các sản phẩm chủ lực, xây dựng các chiến lược quảng bá phù hợp, tăng cường đầu tư cho hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hoạt động xúc tiến, đầu tư ngày càng được chú ý. Diện mạo du lịch của vùng từng bước thay đổi tích cực, thu hút du khách.
Theo ÁI LAM (Báo Cần Thơ)