Long An: Nhiều giải pháp phục hồi du lịch sau dịch COVID-19

20/10/2021 - 08:53

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An tăng cường thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long để sớm phục hồi du lịch.

A A

Một góc khu du lịch làng nổi Tân Lập nhìn từ trên cao. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Dịch COVID-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, trong đó có tỉnh Long An. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 của ngành Du lịch toàn tỉnh đạt 28% so với kế hoạch. Ngành du lịch Long An đã đặt ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn do dịch bệnh.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 5/2021, từ đó đến nay mọi hoạt động du lịch tại Long An hầu như ngưng trệ.

Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong 9 tháng của năm 2021, du lịch Long An đón khoảng 270.000 lượt khách (giảm 43% so với cùng kỳ), không có khách quốc tế; doanh thu 9 tháng ước đạt 140 tỷ đồng, giảm 50%.

Dự báo, cả năm 2021, tỉnh đón khoảng 350.000 lượt khách, không có khách quốc tế; doanh thu du lịch ước đạt 180 tỷ đồng, giảm 58%.

Theo Phó Giám đốc Khu Du lịch Làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) Phạm Ngọc Trí: các khu, điểm du lịch tại Long An đang gặp rất nhiều khó khăn sau thời gian “đóng băng” vì dịch COVID-19, doanh thu từ đầu năm đến nay của khu du lịch chỉ đạt 20% kế hoạch.

Dịch bệnh bùng phát, khu du lịch phải đóng cửa ngưng hoạt động gần 5 tháng nên trước mắt gặp nhiều khó khăn cho việc tái mở cửa trở lại. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 chưa hoàn toàn được khống chế nên còn hạn chế về giao thông đi lại giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước; tâm lý e ngại về dịch bệnh khiến người dân hạn chế đi du lịch.

Ngoài ra, khu du lịch đang cần một thời gian ngắn để cải tạo, phục hồi cảnh quan, đặc biệt là tìm nguồn nhân lực thay thế những lao động đã nghỉ việc. Trước đó, khu du lịch có 50 lao động, hiện tại 37 lao động tạm nghỉ, 3 lao động nghỉ hẳn.

Theo ông Phạm Ngọc Trí, Khu Du lịch Làng nổi Tân Lập đã đặt ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn như tích cực quảng bá các sản phẩm du lịch trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội; đưa ra các gói kích cầu du lịch; phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng hình ảnh và thương hiệu có chiều sâu...

Ngoài ra, kết hợp với một số công ty du lịch lữ hành lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh để làm các tour du lịch khép kín; cải tạo cảnh quan, chú trọng các sản phẩm du lịch đặc trưng mùa nước nổi vùng Đồng Tháp Mười.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An Nguyễn Tấn Quốc chia sẻ là thành viên chính thức của Tổ chức xúc tiến du lịch châu Á Thái Bình Dương (TPO), Long An cần tăng cường xúc tiến du lịch quốc tế, da dạng hóa thị trường khách quốc tế, đồng thời đảm bảo quy định chung về điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện tại.

Ngành du lịch Long An đã nghiên cứu và kiến nghị tỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như chính sách đối với các nhà đầu tư hạ tầng du lịch, các khoản vay, thuê...; giãn tiến độ trả tiền thuê; giảm, miễn tiền thuê cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Ngành hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số nhằm tối ưu chi phí trong phục hồi và phát triển; tổ chức hội nghị đối thoại với lãnh đạo tỉnh và sở, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An tăng cường thúc đẩy kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; tuyên truyền, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm du lịch mới.

Ngành khuyến khích nhân dân hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và đặc biệt là người Long An đi du lịch Long An, góp phần khôi phục thị trường du lịch.

Ông Nguyễn Tấn Quốc nhấn mạnh Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An miễn và giảm thuế giá trị giá tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch; giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2021.

Song song với đó, Sở xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tạo thuận lợi cho hoạt động của các khu, điểm du lịch; triển khai gói hỗ trợ dịch vụ du lịch; áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ.

Sở đề xuất tỉnh cho phép doanh nghiệp du lịch và hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội; chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phải nghỉ việc do dịch COVID-19; giảm tiền thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh.

Theo ĐỨC HẠNH (TTXVN)