Long An: Những thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân

27/02/2023 - 14:15

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Lương y phải như từ mẫu”, những “chiến sĩ áo trắng” công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh luôn tận tâm, nỗ lực chăm sóc sức khỏe bệnh nhân (BN). Họ được BN và đồng nghiệp tin yêu, quý trọng bởi tài năng và y đức, luôn hết lòng vì sự nghiệp chữa bệnh, cứu người.

A A

Làm việc tại khoa hồi sức cấp cứu dù áp lực, vất vả nhưng không vì thế mà bác sĩ Nguyễn Minh Cảnh chùn bước

Cấp cứu kịp thời nhiều ca bệnh nặng

“Đầu sóng ngọn gió” là biệt danh mà những người trong ngành Y tế đặt cho Khoa Hồi sức cấp cứu. Tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cần Đước, tỉnh Long An cũng vậy, BN “thập tử nhất sinh” đến đây đầu tiên phải qua Khoa Hồi sức cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Minh Cảnh (ngồi giữa) trao đổi công việc cùng đồng nghiệp

Áp lực, căng thẳng, vất vả vì BN đến cấp cứu bất cứ lúc nào nhưng không vì thế mà bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Cảnh chùn bước. Với vai trò là Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, TTYT huyện Cần Đước, BS Minh Cảnh không ngừng tu dưỡng, rèn luyện y đức, y thuật. Trong công việc, anh không ngại khó, sẵn sàng choàng gánh, chia sẻ công việc cùng đồng nghiệp. Bên cạnh đó, BS Minh Cảnh còn hỗ trợ công tác chuyên môn, phối hợp đồng nghiệp xử trí cấp cứu thành công nhiều trường hợp BN nguy kịch tại TTYT huyện Cần Đước và TTYT huyện Cần Đước cơ sở 2; áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị như máy thở oxy lưu lượng cao (HFNC), máy sốc điện...; thực hiện hiệu quả mô hình Báo động đỏ liên viện.

BN H.V.R. (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) là một trong những ca điển hình được cấp cứu kịp thời. BN được tiếp nhận trong tình trạng nguy kịch với vết thương thấu ngực nghi thủng tim. Khi đó, BS Minh Cảnh cùng ê-kíp trực cấp cứu khẩn cấp BN và kích hoạt quy trình báo động đỏ. Sau khi sơ cấp cứu, mở nội khí quản, giữ ổn định, BN được đưa đến Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP.HCM an toàn. Tại đây, do được báo trước, BV Chợ Rẫy đã chuẩn bị nhân sự cũng như các biện pháp cấp cứu nên BN H.V.R. được cứu sống. Là một trong những BS có tay nghề, cấp cứu thành công nhiều trường hợp bệnh diễn tiến nặng, tiên lượng tử vong, thế nhưng, khi được hỏi về những thành tích trong quá trình công tác, BS Minh Cảnh luôn khiêm tốn. “Những kết quả đã đạt là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp và nguồn động viên tinh thần lớn từ gia đình. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là BN của mình được khỏi bệnh” - BS Minh Cảnh bộc bạch.

Xem bệnh nhân như người thân

Nói về mối lương duyên với nghề y, điều dưỡng trưởng công tác tại Khoa Khám bệnh, BV Đa khoa (ĐK) Long An - Trương Thị Ngọc Hà kể, do yêu thích màu áo blouse nên chị quyết tâm thi vào Trường Trung cấp Y tế Long An. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp, chị về công tác tại BVĐK Long An. Đến năm 2014, chị được lãnh đạo BV tạo điều kiện học liên thông cử nhân điều dưỡng. Làm tại Khoa Khám bệnh, công việc khá áp lực do hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều BN nhưng chị Ngọc Hà luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chị luôn xem BN như người thân của mình để phục vụ tốt nhất có thể.

Điều dưỡng Trương Thị Ngọc Hà luôn có thái độ hòa nhã, niềm nở với bệnh nhân

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, chị Ngọc Hà tích cực tham gia công tác tại khu điều trị BN Covid-19 của BV. Nhiều khi vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, chị vừa đóng vai người thân để động viên, chăm sóc những BN đang hoang mang, sợ hãi trước đại dịch chưa từng có tiền lệ. Chị Ngọc Hà tâm niệm làm bất kỳ công việc nào cũng phải bằng cái tâm của mình.

Một trong những kỷ niệm đẹp của chị Ngọc Hà trong 14 năm gắn bó với nghề là kịp thời giúp đỡ một BN mắc bệnh tim. Chị Ngọc Hà kể: “Đây là BN lớn tuổi, thường xuyên đến khám tim mạch. Hôm đó, BN tái khám như mọi lần, chỉ đi một mình và lên cơn khó thở. Thấy vậy, tôi nhanh chóng đưa BN đến Khoa Cấp cứu hồi sức và hỗ trợ làm các thủ tục đăng ký, chăm sóc trong lúc chờ người thân của BN đến. Sau lần đó, BN nhớ luôn họ và tên của tôi. Mỗi khi đến BV tái khám, chỉ thấy tôi ở đằng xa thôi là BN đã vui mừng, hỏi thăm đủ thứ”.

Cùng với làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị Ngọc Hà còn tham gia các hoạt động, phong trào của Đoàn Thanh niên, tổ chức Công đoàn. Chị Ngọc Hà được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Sở Y tế và đơn vị. Đây là động lực giúp chị tiếp tục gắn bó với nghề đã chọn, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Nhận xét về đồng nghiệp của mình, điều dưỡng Nguyễn Thị Yến Nhi, công tác tại Khoa Khám bệnh, BVĐK Long An, cho biết: “Ngọc Hà làm việc rất có trách nhiệm và luôn hòa nhã với BN; đồng thời, luôn quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp trong khoa”.

Thầm lặng cống hiến

Chúng tôi đến gặp kỹ thuật viên Trưởng khoa Cận lâm sàng, BV Phổi Long An - Võ Thị Như vào ngày đầu tuần như đã hẹn. Khi ấy, chị Như vừa hoàn thành ca trực và bàn giao lại cho đồng nghiệp. “Ngành Y là ngành mà tôi yêu thích ngay từ lúc nhỏ. Mơ ước lớn nhất của tôi là được khoác lên mình chiếc áo blouse và có thể đóng góp sức mình trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đã xác định ngay từ đầu là theo đuổi nghề đến cùng nên chưa bao giờ tôi chùn bước trước khó khăn” - chị Như chia sẻ.

Bằng những nỗ lực không ngừng, mơ ước của chị Như đã thành hiện thực. Năm 2008, chị được gia nhập vào hàng ngũ nhân viên y tế của tỉnh nhưng không phải là một BS trực tiếp khám và điều trị, cũng không phải là một điều dưỡng hay nữ hộ sinh mà là kỹ thuật viên xét nghiệm. Đây là công việc thầm lặng mà trong nghề y thường ví là “những người đứng sau cánh gà của sân khấu”.

Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, các yếu tố gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng kỹ thuật viên Võ Thị Như luôn tận tâm với công việc

Công việc của kỹ thuật viên thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, các yếu tố gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có nguy cơ phơi nhiễm thường trực nhưng chị Như luôn tận tâm và tự hào với công việc mà mình đã chọn. Bởi, chị hiểu rõ kết quả công việc mà kỹ thuật viên làm ra rất quan trọng, hỗ trợ đắc lực trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Với chị Như, lời dạy của Bác Hồ: “Lương y phải như từ mẫu” lúc nào cũng khắc sâu trong tâm trí. Sau thời gian công tác tại BVĐK Long An, năm 2019, chị Như xin chuyển công tác về BV Phổi Long An mà không quản ngại môi trường lao động độc hại, nguy hiểm. “Làm quen môi trường làm việc mới không lâu thì dịch Covid-19 bùng phát, tôi cùng đồng nghiệp luôn trong tư thế sẵn sàng, làm việc bất kể ngày, đêm để có kết quả nhanh nhất. Ngoài làm công việc chuyên môn, thời điểm đó, tôi còn thực hiện xét nghiệm khẳng định virút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19” - chị Như cho biết. Những đóng góp tích cực của chị Như trong suốt quá trình công tác đã được ghi nhận. Chị Như vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều giấy khen của Sở Y tế.

Không chỉ vững về chuyên môn, nghiệp vụ, BS Nguyễn Minh Cảnh, điều dưỡng Trương Thị Ngọc Hà và kỹ thuật viên Võ Thị Như còn được nhiều đồng nghiệp và BN yêu mến bởi sự khiêm nhường, giản dị. Họ là những tấm gương tiêu biểu về y đức và tài năng, vẫn thầm lặng đóng góp sức mình vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.

Theo Báo Long An