
Xứ Sở của những đệ nhất phu nhân
Gò Công (Tiền Giang) sớm nổi bật với “danh hiệu” xứ sở của nhiều đệ nhất phu nhân. Trong mắt khách viễn du, Gò Công hiền hòa lặng lẽ nơi miền cửa biển với những ngôi nhà cổ, dinh thự xưa và bóng dáng thiếu nữ hoài nét duyên xưa. Gò Công trầm mặc là thế nhưng lại nổi tiếng với “danh hiệu” nhiều đệ nhất phu nhân, hoàng hậu ở miền Nam đất Việt. Theo chiều dài lịch sử, những danh hiệu dân gian đó đã được định hình, trường tồn bởi những Hoàng Thái hậu Từ Dụ (sau đọc chệch thành Từ Dũ), Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan, bà Đoàn Thị Giàu, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, … cùng nhiều đệ nhất phu nhân khác.
Những tài liệu, câu chuyện về sắc đẹp của các cô gái xứ Gò Công đều khẳng định, Tiền Giang là vùng đất được khai phá sớm nhất Nam bộ. Các lưu dân miền Trung đã theo dòng sông Tiền đặt chân lên khai phá vùng đất màu mỡ này từ rất sớm. Đô thị Mỹ Tho (Tiền Giang) hình thành đã hơn 331 năm, trước Sài Gòn 18 năm. Rồi những người “Minh Hương” (phản Thanh, phục Minh chạy nạn ra khỏi Trung Hoa, được chúa Nguyễn cho về định cư ở vùng Mỹ Tho, góp phần làm cho vùng đất này thêm phát triển. Nhờ đó, nơi đây sớm xuất hiện giới điền chủ giàu có, nhiều gia đình cho con học cao, ra làm quan, gắn bó với triều đình nhà Nguyễn. Vì vậy, khi cần tìm gái đẹp để “tiến cung”, con gái Tiền Giang có nhiều cơ hội hơn những nơi khác.
Hơn thế, sông Tiền nước ngọt quanh năm, đất đai hai bên sông rất màu mỡ, cây lành trái ngọt. Do đó, con gái Tiền Giang “da trắng tóc dài”, nổi tiếng xinh đẹp, đằm thắm, mặn mà. Với những gia đình khá giả, con gái của họ càng có điều kiện để khoe “sắc nước hương trời”. Những ghi chép về Thái hậu Từ Dũ cũng như Nam Phương Hoàng hậu, cả hai đều được xem như biểu tượng, điển hình cho sắc đẹp của những cô gái vùng đất Gò Công. Theo đó, Thái hậu Từ Dũ là giai nhân tuyệt sắc. Mới 14 tuổi, bà đã được tiến cung và trở thành vợ của hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông.
Còn Nam Phương Hoàng hậu trước khi trở thành đệ nhất phu nhân của Hoàng đế Bảo Đại, năm 1934, bà đã ba năm liền trúng giải hoa hậu Đông Dương. Sau thời hoàng kim, đến nay, sắc đẹp của những cô gái xứ Gò Công vẫn khiến viễn khách nao lòng. Người đẹp Gò Công không cao xa, lộng lẫy mà chỉ đơn thuần là những cô gái quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Tuy nhiên, sắc đẹp của họ vẫn như không bị tác động, bào mòn bởi thời gian. Tại đây, những cô gái tưởng chừng đã qua tuổi xuân sắc vẫn đạt các danh hiệu “nhan sắc Gò Công” là chuyện hết sức bình thường.
“Vua miền gái đẹp” Nha Mân
Không nhiều hoàng hậu, mệnh hệ phu nhân như Gò Công nhưng Nha Mân (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) từ lâu đã nổi tiếng với câu ca dao: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Nét đẹp của nhũng cô gái đất này đến từ nước da trắng nõn cùng màu tóc đen tha thướt. Vẻ đẹp hình thể vẹn toàn cùng sự đằm thắm, nhã nhặn của những cô gái khiến Nha Mân trở thành miền gái đẹp bậc nhất ở miệt sông nước Cửu Long.
Nhiều người cho rằng, vẻ đẹp hơn đời của các cô gái Nha Mân xuất phát từ trận thủy chiến trên sông Tiền giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh. Trong trận tử chiến nói trên, chúa Nguyễn Ánh thua đau, dắt díu đoàn cung tần mỹ nữ thoát thân. Bị quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao, hàng trăm cung tần mỹ nữ chân yếu tay mềm bỗng chốc trở thành “của nợ”. Hàng trăm cung tần mỹ nữ chịu đựng không nổi cực khổ trên đường trốn chạy nên chúa Nguyễn đành gạt nước mắt, bấm bụng bỏ họ lại dọc đường. Để “nhẹ gánh loạn ly”, những mỹ nhân được ban cho ít vàng bạc rồi lên tá túc ở các làng bên bờ sông Tiền, nay thuộc Nha Mân.
Nhiều bậc cao niên của xứ Nha Mân cho biết những mỹ nhân bị “bỏ rơi” đều lấy chồng là người địa phương, trở thành nông dân nhưng con cái do họ sinh ra đều đẹp như tiên nữ. Chính nhờ nguồn “gen” cung phi mỹ nữ lưu truyền mà xứ Nha Mân mới có nhiều thiếu nữ đẹp như hôm nay. Tuy nhiên, quan điểm trên vẫn chưa được các nhà sử học đồng tình, khẳng định. Trong những nỗ lực tìm kiếm căn nguyên của vùng nhan sắc Nha Mân, nhiều tài liệu đưa ra giả thuyết rằng vùng đất Nha Mân là vùng đất có cả 3 dân tộc: Việt-Hoa từ xa đến cộng cư với người Khơ-me bản địa. Cách Nha Mân 3km về phía hạ nguồn sông Tiền là rạch Cái Tàu hạ, chứng minh có người Tàu sinh sống. Chính sự quần cư này đã tạo điều kiện sinh ra những cô gái lai 3 dòng máu nên rất đẹp.
Thực tế cho thấy, nhan sắc của những cô gái Nha Mân không chỉ gói gọn trong sách vở, tài liệu mà còn phổ biến trong nhiều giai thoại, chuyện kể. Người dân địa phương kể rằng, khoảng những năm đầu của thế kỉ 20, gái Nha Mân xinh đẹp nhiều không kể xiết, vua Cao Miên nghe danh đã từng bôn ba sang xứ Nha Mân để tìm ý trung nhân. Ngoài ra, còn có câu chuyện tình bi thương đã trở thành giai thoại của ông thầy tuồng gánh hát Quốc Bửu Bang và cô vợ là con gái xứ Nha Mân.
Người dân địa phương cho biết chính nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” của cô vợ thầy tuồng khiến ông bầu của đoàn hát chết mê chết mệt. Không cưỡng lại vẻ đẹp đằm thắm, kiêu sa của người con gái Nha Mân, dù biết người này đã có chồng và là nhân vật chủ chốt, nuôi sống gánh hát của mình, ông bầu vẫn quyết tâm chiếm đoạt. Lực bất tòng tâm, thầy tuồng chỉ biết năn nỉ, van xin ông bầu buông tha cho vợ mình trong vô vọng. Bất lực, thầy tuồng đau thương đành lấy dao rạch bụng tự sát để lên án tội ác của tên háo sắc. Ít thời gian, sau ngày ông tự sát, gánh hát Quốc Bửu Bang không còn người viết tuồng mới, cứ diễn đi diễn lại bổn tuồng cũ nên đánh mất khán giả. Ông bầu sạt nghiệp, về chợ Nha Mân lay lắt ăn xin rồi chết mà không có hòm chôn.
“Dáng đứng Bến Tre”
Trong sáng tác nói trên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, không ai thấy ông miêu tả cặn kẽ vẻ đẹp của người phụ nữ xứ dừa. Tuy nhiên, từ ngày ra đời, “Dáng đứng Bến Tre” ngoài thể hiện sự kiên trung, bất khuất của những cô gái tuổi mười tám khăn rằn áo bà ba, giơ cao ngọn đuốc hòa cùng dòng người Đồng Khởi đã trở thành biểu tượng, đặc trưng cho nét đẹp của người phụ nữ nơi đây. Không chỉ thế, dân gian cũng đã khẳng định vẻ đẹp ngoại hình của con gái xứ dừa bằng câu ca dao “Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái, gái nào đẹp bằng gái Cái Mơn”.
Từ bao đời nay, Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đã là xứ nổi tiếng với nhận định “con gái ở mút trong vườn vẫn đẹp”. Không quá ồn ào, nổi tiếng như các miền gái đẹp khác, Cái Mơn khẳng định vị thế trong “miền nhan sắc” bởi nước da trắng mịn màng cùng giọng nói ngọt ngào mà chân chất. Nhiều người cho rằng con gái Cái Mơn đẹp do đây là vùng Công giáo, được giao lưu với người Pháp từ rất sớm (khoảng năm 1844 - PV). Sự giao lưu nói trên đã vô tình hình thành nên một miền nhan sắc đặc thù. Tuy nhiên, các bậc cao niên xứ Cái Mơn lại lý giải rằng con gái miệt này đẹp là nhờ uống nhiều nước dừa xiêm và ăn nhiều dâu xanh.
Vẻ đẹp của những cô gái nơi đây cũng lưu truyền trong dân gian qua nhiều câu chuyện, giai thoại thú vị, khiến không ít văn nhân, nghệ sĩ mơ mộng tưởng nhớ. Trong số này có nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn (tức Nguyễn Thi -PV). Được biết, đầu năm 1964, nhà văn Nguyễn Thi từ Bời Lời, Tây Ninh dẫn đầu một đoàn đi Bến Tre để chuẩn bị tư liệu viết bài cho Tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng. Ngoài nhiệm vụ được giao, ông cứ nằng nặc đòi được ra chợ Cái Mơn để xem mặt mũi con gái ở miền nhan sắc này một lần cho biết. Ngoài ra nhà thơ Chim Trắng (tức Hồ Văn Ba-PV) cùng từng được giới văn nghệ sĩ “nghi ngờ” việc “mơ tưởng” đến miền nhan sắc Cái Mơn khi miêu tả ngã ba đi Vàm Mơn, kinh Cả Chánh và Vĩnh Hòa ở Cái Mơn, nơi mà ông cho là hội tụ của nhiều giai nhân sắc nước hương trời.
“Người đẹp Tây Đô” giữa hai bờ hư thực
Một thời, người ta thường ví von cô gái vừa đi ngang qua nhìn như “người đẹp Tây Đô vậy”. Sự ví von nói trên khiến nhiều người ngỡ “người đẹp Tây Đô” là một nhân vật huyền thoại giữa hai bờ hư thực như Tây Thi, Điêu Thuyền, Vương Chiêu Quân xứ Tàu. Hơn thế, một thời, “người đẹp Tây Đô” gần như trở thành biểu tượng nhan sắc của các cô gái xứ Cần Thơ. Đặc biệt hơn, sau khi Việt Trinh, một diễn viên tuyệt sắc những năm 90 hóa thân một cách xuất sắc nhân vật Bạch Cúc trong phim “Người đẹp Tây Đô”, nhân vật này càng trở nên huyền ảo, được cả xứ miền Tây ngưỡng vọng. Không ít người từng lầm tưởng rằng “người đẹp Tây Đô” chỉ là một nhân vật hư cấu trong một câu chuyện được xây dựng lên để ca ngợi vẻ đẹp, tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.
Ít ai ngờ, “người đẹp Tây Đô” là một con người bằng xương bằng thịt, tồn tại giữa đời thường. Bà là Lâm Thị Phấn, một cô con gái xuất sắc của dòng họ Lâm danh giá. Bà còn là một tình báo viên nổi tiếng, một thiếu tá tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Lâm Thị Phấn tên theo khai sinh là Lâm Thị Elise, (SN: 11-11-1918 tại phường An Cư, thành phố Cần Thơ). Không chỉ là người học cao, bà còn là một người con gái đẹp tuyệt sắc. Khi bước vào tuổi 15, bà sở hữu một ngoại hình lý tưởng với chiều cao 1,7m, khuôn mặt sắc sảo, nụ cười duyên dáng làm mê mẩn biết bao nhiêu chàng trai. Bà được mọi người công nhận là hoa khôi của trường Taberd thời đó.
Thuở vừa trăng tròn, Lâm Thị Phấn, con gái của điền chủ trí thức Lâm Văn Phận được người dân trong vùng đất Tây Đô trù phú gọi trìu mến là “Người đẹp Tây Đô”. Họ gọi như vậy để tôn vinh một người con gái tài sắc vẹn toàn hiếm có. Theo những tài liệu còn lưu giữ tại ngôi nhà truyền thống của dòng họ Lâm ở thành phố Cần Thơ, thời bấy giờ bà không chỉ đẹp mà còn là một thiếu nữ có học thức rất cao. Bởi vậy, Lâm Thị Phấn sớm lọt vào mắt xanh của nhiều tài tử giàu có trong vùng, trong số đó có người nhà Công Tử Bạc Liêu.
Các tài liệu liên quan cũng chứng minh bà xuất thân từ hoàng tộc thuộc triều nhà Thanh sống ở Quảng Đông, Trung Quốc. Bà ngoại của ông Lâm Văn Phận (thân sinh bà Lâm Thị Phấn) vốn là công chúa thuộc triều đại Mãn Thanh. Khi cuộc cách mạng Tân Hợi nổ ra, dòng họ này di tản xuôi về phía Nam và di cư vào đất Việt. Sở hữu nét đẹp kiêu sa, mặn mà lại có kiến thức hơn người, trong những năm trước kháng chiến, bà là biểu tượng sắc đẹp của vùng đất Tây Đô. Kháng chiến bùng nổ, bà đã sống, đấu tranh cho dân tộc qua hai cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ góp phần ghi dấu vào những mốc son mãi chói ngời trong lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, người đời vẫn nhớ về bà như một nhân vật lịch sử nổi tiếng không chỉ bởi những chiến công hiển hách mà còn là biểu tượng nhan sắc, trí tuệ cho người phụ nữ một thời.
Vùng đất chín rồng nổi danh nhiều miền nhan sắc
Nhà sử học Nguyễn Phước Nghiệp, Trường ĐH Tiền Giang cho biết: “Cũng như nhiều vùng, miền trên cả nước, vùng đất chín rồng nổi danh nhiều miền nhan sắc. Xứ Gò Công tuy nhỏ, đất đai không trù phú nhưng lại sản sinh nhiều bậc phu nhân hương sắc, đức tài. Cả miền Nam thời triều Nguyễn có ba người đẹp được tiến cung và sau đó trở thành hoàng hậu thì đất Gò Công chiếm đến hai. Một là bà Phạm Thị Hằng, Thái hậu Từ Dũ và hai là bà Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan. Đặc biệt là xứ Nha Mân, Đồng Tháp được người Nam Bộ nhận định là vua của miền gái đẹp. Ngoài ra còn đó Cái Mơn của Bến Tre cùng một số địa danh khác thuộc tỉnh Cần Thơ”.
|
Theo HÀ NGUYỄN - NGỌC LÀI (Báo Du lịch)