Mưu sinh nghề bẫy rắn

16/12/2020 - 14:44

Săn bắt rắn là một nghề rất nguy hiểm, nhưng cũng vì sự sống gia đình mà anh Võ Văn Trung, ở ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), bất đắc dĩ chọn lấy nghề này.

Một con rắn hổ hèo dính bẫy của anh Trung.

Mất nhiều giờ cùng anh luồn lách qua những lùm cây, bụi rậm thăm những cái lọp làm bằng lưới chì, là dụng cụ anh dùng để bẫy rắn đã đặt trước hôm qua, chân tôi như cứng đờ, mình thấy toát mồ hôi khi thấy anh lôi cái lọp từ trong đám cỏ ra một con rắn hổ hèo lồng lộn tìm cách thoát ra ngoài. Nhìn con rắn đang bạnh mang phát ra tiếng khè khè, nhồi đầu thoi thói mổ mới thấy độ hung dữ và nguy hiểm của con rắn này đến mức nào. Tay anh cứ xoay chuyển liên tục lúc sang phải, lúc sang trái để đè đầu con rắn, nhưng con rắn cố gồng mình quấn chặt vào tay anh và cuối cùng đành chấp nhận chui vào bao tải. Quay sang tôi anh nói: “Con rắn này tuy không phải là loài rắn có nọc độc như hổ mang, hổ đất…, nhưng nếu bất cẩn bị nó cắn thì cũng đau nhức không vừa”. Nhiều người gọi đây là nghề nguy hiểm, bởi ngoài sự may rủi thì dường như người làm nghề săn bắt rắn nào cũng đã từng gặp rắn độc. Nếu là người không dày dặn kinh nghiệm phân biệt được rắn dữ, rắn lành thì dễ bị rắn cắn và nguy hiểm đến tính mạng.

Tựa lưng vào gốc cây nghỉ mệt, anh Trung nói với tôi: “Dẫu biết là nghề nguy hiểm, nhưng vì chén cơm manh áo gia đình buộc phải làm chứ tôi sợ lắm chú ạ. Cứ mỗi lần đi thăm lọp thấy dính rắn thì mừng, đến khi bắt nó bỏ vào bao thì hai tay run lập cập”. Mắt anh như có chút đượm buồn, anh nói rằng nghề bẫy rắn của anh chỉ là nghề bất đắc dĩ buộc anh phải làm. Việc làm mướn, làm thuê, phụ hồ mới là “nghề chính” của anh như đã từng làm. Đời anh mang tiếng nông dân, nhưng ruộng đất chỉ được mấy công không nuôi nổi bốn miệng ăn trong nhà, làm mướn bữa có bữa không nên tiền không đủ trang trải gia đình và lo cho mấy đứa con ăn học nên anh đành nhắm mắt đánh liều. Vả lại bây giờ những thứ rắn độc như hổ mang, hổ đất, cạp nia… cũng không nhiều như trước nên cũng bớt lo, đa phần rắn anh bẫy được là rắn hổ ngựa, hổ hèo, rắn lãi, hổ hành… nhưng cũng ít dần. Đặt cả trăm cái lọp ngày nào trúng thì cũng chỉ được vài ba con to nặng 400-500 gram, bạn hàng ở chợ mua vào cũng chỉ từ 100.000-350.000 đồng/kg tùy loại rắn, còn nếu gặp rắn nhỏ thì anh thả lại môi trường hoang dã cho nó sinh sản tiếp chờ lớn bắt sau. Tính ra mức thu nhập của anh cũng không ổn định, hôm thì năm sáu trăm ngàn đồng, khi thì cả triệu đồng và có ngày cũng không có đồng nào dính túi.

Sau cái thở dài như ngao ngán, anh Trung tiếp lời: “Ngày đầu mới chập chững vào nghề, tôi nghe những người chuyên đi bắt rắn bằng tay thường kể, mỗi loại rắn có cách bắt khác nhau. Con cạp nia vẫn được xếp vào loại nguy hiểm nhất. Ngoài tốc độ lia nhanh, cạp nia khi cắn thì “êm ru” và đến lúc chất độc chạy vào tim cận kề cái chết mới biết mình bị cắn”. Khi bị hổ chúa cắn, nọc độc chạy đến đâu là tê ngay đến đấy. Chính vì cái nghề nguy hiểm nên trước mỗi lần đi thăm bẫy rắn, anh luôn chuẩn bị kỹ lưỡng đồ bảo hộ như gậy sắt, đeo giày ủng… cho an toàn. Anh Trung bật mí là thường thì người đi săn rắn rất dễ gặp phải rắn độc. Anh thì chỉ bắt những loại rắn thông thường như rắn lãi, rắn nước, hổ hành…, chưa bao giờ liều lĩnh bắt các loại rắn cực độc như cạp nong, hổ chúa.

Nổi tiếng là giỏi và cẩn thận, nhưng trong nhiều năm hành nghề đặt lọp rắn, nghĩ lại ông Tám Quốc, ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), vẫn thấy rùng mình, đó là lần ông bắt phải con hổ chúa nặng 4,7kg ở một mé lá ven sông. Nghe mấy người thường đi đốn lá nói thỉnh thoảng nhìn thấy một con rắn xuất hiện nơi này, máu nghề ông nổi lên, quyết bắt bằng được con rắn. Phải mất khá nhiều thời gian theo dõi, ông Quốc mới lần tìm được đường vào hang rắn. Thấy động, con rắn lao vào tấn công ông Quốc. Sau hàng chục cú quăng, mổ tấn công đối phương không thành, nó tìm đường trườn về đám cỏ, nhưng đã bị ông Quốc chặn lại, cuối cùng nó phải ngoan ngoãn chui vào bao tải bởi ngón nghề của ông. Sau nhiều năm theo nghề, ông Quốc cũng không thể nhớ đã bắt được bao nhiêu con rắn, cho dù được mệnh danh là bậc thầy trong nghề bắt rắn, nhưng chính bản thân ông cũng có mấy lần bị rắn độc cắn. May nhờ ông có kinh nghiệm chữa trị bằng những bài thuốc gia truyền nên thoát nạn và rồi từ đó ông cũng bỏ nghề bắt rắn đến nay cũng đã mấy mươi năm, giờ nhớ lại ông còn thấy sợ…

Hiện một số loài rắn đã bị cấm săn bắt, vận chuyển nên nghề bắt rắn cũng mai một dần theo thời gian. Những người bắt rắn như anh Trung, ông Tám Quốc rồi cũng phải bỏ nghề tìm kế mưu sinh khác để bảo tồn động vật hoang dã và trả lại sự cân bằng hệ sinh thái vốn có của tự nhiên.

Theo QUANG HẢI (Báo Hậu Giang)