Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã.
Nhiều người biết đến ông là nguyên Tổng biên tập báo Kiên Giang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang, nhưng ít người biết, ông chính là một tay máy giàu kinh nghiệm, say mê, cần mẫn dõi theo những đàn sếu khi chúng di cư về đất Kiên Giang.
Bắt đầu từ năm 2000, khi những đàn sếu tìm đến kiếm ăn và sinh sống trên những đồng cỏ năn ở Hòn Chông, Rạch Ðùng, núi Sơn Trà, núi Bà Tà, núi Mo So, núi Mây… (các địa điểm này thuộc địa phận TP Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), được tận mắt chứng kiến sếu say mê đùa giỡn, kiêu hãnh vẫy vùng những vũ điệu bay bổng trên đồng cỏ đã thôi thúc người nghệ sĩ ấy phải làm một cái gì đó để lưu giữ những khoảnh khắc thật quý giá, thật đẹp của loài sếu đầu đỏ.
Lật giở từng trang trong tập ảnh, câu chuyện về sếu hiện lên sinh động từ những đặc điểm nhận dạng, quá trình di cư, sếu ăn, ngủ, chơi đùa, sếu kêu gọi bạn tình… đều được ống kính của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã bắt trọn. Lồng ghép trong những bức ảnh về sếu là những tư liệu quý, nội dung những buổi hội thảo về bảo vệ đa dạng sinh học ở các khu vực ngập mặn tại Kiên Giang. Những bài đánh giá của các chuyên gia về sếu đều được ông tập hợp để bạn đọc có cái nhìn sâu sắc về loài chim quý hiếm này.
Theo thời gian, cuộc chiến giữa sếu và loài người cũng bắt đầu, dưới góc nhìn của một người làm báo, tập ảnh được ông gửi gắm nhiều bài phân tích mang thông điệp mạnh mẽ, cũng như bày tỏ sự tiếc nuối khi nhiều năm trở lại đây sếu đã không quay trở lại. Sự phát triển của các nhà máy công nghiệp, các hoạt động kinh tế khiến cho các vùng ngập mặn nơi sếu thường hay về sinh sống dần bị thu hẹp. Các khu vực rừng phòng hộ ngày càng giảm đi, các đồng cỏ bàng, cỏ năn, thậm chí đó là nơi được chọn làm dự án bảo tồn sếu cũng dần bị biến mất. “Sếu đầu đỏ là loài có giá trị cao trong bảo tồn đa dạng sinh học. Ðây còn là loài chim quý có nhiều ý nghĩa đối với văn hoá tâm linh của người Việt Nam. Nếu sếu không về Việt Nam, mất mát này rất lớn”, ông bày tỏ.
Suốt một hành trình dài chắt chiu hơn 100 tấm ảnh về sếu để có được một tập ảnh để đời, trong đó có những bức ảnh đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế, những bức ảnh được đem triển lãm khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long đã khẳng định được dấu ấn, thương hiệu của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã trong chặng đường “theo cánh hạc bay”. Dù nay đã về hưu, sức khoẻ không còn cho phép để ông có thể tay xách nách mang đồ nghề, trầm mình trong những đồng cỏ để “canh sếu” , nhưng khi say sưa kể cho những thế hệ tiếp nối như chúng tôi nghe về sếu trên mảnh đất Kiên Giang, đôi mắt ông vẫn sáng, đam mê vẫn còn mãi cháy.
Trong quan niệm của người châu Á, sếu là loài chim có ý nghĩa tâm linh thường được đúc đồng, đặt trong các ngôi đền, chùa.
Khoảnh khắc đắt giá khi sếu nô đùa trên đồng cỏ.
Sếu về bãi ngủ.
Sếu khoe dáng trong ánh hoàng hôn.
Theo HỮU NGHĨA (Báo Cà Mau)