Ngọt ngào cốm nếp cồn Sơn

15/01/2018 - 14:13

Trong các kỳ nghỉ lễ, Tết, đến với quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, du khách có thể thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên tại những điểm du lịch sinh thái, cùng với đó là thưởng thức các món bánh quê mang hương vị đậm đà của miền Tây. Trong đó, cốm nếp cồn Sơn là món ăn dân dã, thu hút khá đông du khách.

Ngọt ngào cốm nếp cồn Sơn

Du khách xem chị Năm Phước làm cốm nếp. Ảnh: NGUYỄN TÍN

Chủ nhân của món cốm nếp này là chị Phan Thị Kim Phước (tên thường gọi Năm Phước), chủ nhà vườn Song Khánh ở cồn Sơn. Theo chị Năm Phước, món cốm nếp này có từ thời ông bà, ngày xưa chỉ dùng trong tiệc cưới hỏi hoặc đãi họ hàng trong những dịp lễ Tết, giỗ chạp. Ngoài nếp, nguyên liệu không thể thiếu là nước cốt dừa, gừng, đậu phộng và đường mía. Làm cốm nếp cần sự tỉ mỉ, lựa nếp có độ dẻo, mềm và đem phơi khô sàng lọc lại kỹ. “Hạt nếp lớn nhỏ được phân loại kỹ thì khi rang nếp mới đều và bắt mắt”- chị Năm Phước giải thích.

Điều thu hút du khách xem chị Năm Phước trình diễn cách làm món cốm nếp chính là việc rang nếp, ép cốm vào khuôn thật kỳ công, cắt đều từng miếng cốm, trước khi thưởng thức hương vị đậm đà. Anh Nguyễn Văn Duy, du khách đến từ Bạc Liêu, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tận mắt thấy làm cốm nếp. Từ khâu đổ vô khuôn và tráng lớp kẹo trên mặt rất lạ và kỳ công. Cốm ăn rất giòn, thơm, vị ngọt. Cảm giác thật tuyệt vời!”. Còn chị Quách Tường Nghi, du khách đến từ Cà Mau thì cảm nhận: “Tôi đã từng thưởng thức rất là nhiều loại cốm, như cốm gạo, cốm bắp... Đây là lần đầu tiên tôi thưởng thức cốm nếp, cảm giác thật khác biệt”.

Với món cốm nếp cồn Sơn, chị Phan Thị Kim Phước nhận được đánh giá cao từ Ban Giám khảo cuộc thi “Làm bánh ngon dân gian” tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2017 tổ chức hồi tháng 4-2017 và vinh dự nhận chứng nhận huy chương Vàng của Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. “Hồi trước làm cốm là do sở thích, bây giờ làm để phát triển du lịch thì phải cố gắng hơn để sản phẩm mang đặc trưng, hương vị riêng; đồng thời, tôi chú trọng về mẫu mã, cách trang trí”- chị Năm Phước chia sẻ.

Hương vị đậm đà của cốm nếp cồn Sơn mà gia đình chị Năm Phước cất công gìn giữ bấy lâu giờ đã có dịp phát huy khi được ngành văn hoá quận Bình Thủy khuyến khích khai thác để phục vụ hoạt động du lịch. Từ đất cồn giữa dòng sông Hậu, món cốm mang hương vị Bình Thủy sẽ khiến du khách lưu luyến.

Theo NGUYỄN TÍN (Báo Cần Thơ)