Tôi là một học sinh 16 tuổi, nhỏ nhất của trường. Tôi được đưa về Sở Giáo dục Nam Bộ, Phòng Tu thơ (soạn giáo khoa phổ biến các tỉnh Nam Bộ). Trưởng phòng Tu thơ là bác Chín Hạnh, Phó phòng là chú Hồ Hảo Hớn, cũng là giáo sư giảng dạy chúng tôi ở trường (Sở Giáo dục đóng ở Rạch Chệt, Phòng Tu thơ đóng ở Rạch Tắc). Qua được hơn tháng cơ quan dời về Trường Nguyễn Văn Tố. Ôi! Cảnh cũ người xưa đâu còn nữa. Những đêm tối trời nằm nghe gió U Minh xạc xào trên cành lá, lòng thiếu niên tuổi 16 mang một nỗi buồn nhung nhớ. May sao, một hôm gặp thầy Hà Mâu Nhai, thầy dạy môn Văn học, đang phụ trách Chi hội Nam Bộ. Lúc đó đóng cơ quan bên sông Cái Tàu, thầy đặt vấn đề xin tôi về hội. Ðược thầy Nhung, thầy Hớn và trên đồng ý, tôi được chuyển về Chi hội Văn nghệ. Tôi ở đây đến khi các trường lo chuẩn bị tập kết, cuối năm 1954 và đầu năm 1955.
Ðồng bào miền Nam tiễn con em tập kết ra Bắc. (Tư liệu Bảo tàng lịch sử Quốc gia)
Ngôi trường thân yêu của chúng tôi là ngôi trường đầu tiên của Nam Bộ. Sau đó, còn các ngôi trường khác ra đời như: Trường Thái Văn Lung, Trường Huỳnh Phan Hộ, Trường Trung học Bình Dân, Trường Sư phạm Nguyễn Công Mỹ... thầy cô và học sinh đã đóng góp đáng kể vào cuộc kháng chiến khi ấy và xây dựng đất nước sau này.
Sau này đất nước thống nhất, riêng Trường Nguyễn Văn Tố có thể kể ra: Cô Nguyễn Thị Diệu, thầy Hồ Hảo Hớn được phong liệt sĩ và TP Hồ Chí Minh đặt tên đường. Bác Lê Văn Chí là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, bác Nguyễn Văn Chì là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh, thầy Kính và cô Hy là đại sứ một số nước. Thầy Khanh, thầy Tửng là giảng viên, trường Ðảng cao cấp. Thầy Tòng làm Phó giám đốc Sở Văn hoá TP Hồ Chí Minh. Ðó là lớp thầy cô, còn lớp học sinh thành đạt khá nhiều, như Bùi Ðức Ái giỏi văn, Nguyễn Quang Sáng, Ðoàn Thế Hối (Lê Vĩnh Hoà). Sân khấu có Ðặng Ngươn Chức (Hà Triều), Huỳnh Kim Thạch (Mai Quân), Lê Văn Niên (Vĩnh Ðiền). Hội hoạ có anh Minh (Sáu Hiền), Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Gia Ðịnh. Nhiếp ảnh có anh Hiến (phụ trách bộ phận nhiếp ảnh Thông tấn xã TP Hồ Chí Minh. Ðiện ảnh có anh Hà Hữu Nghiêm, Giám đốc Xưởng phim tài liệu thời sự TP Hồ Chí Minh. Ngành giáo dục có chị Võ Ngọc Tươi (Hiệu phó Trường Ðại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh); chị Hồ Ngọc Thiện, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Chính trị Nguyễn Văn Cừ; chị Ung Ngọc Minh, Phó giáo sư Trường Ðại học Kinh tế. Ngành công an, quân đội có các đại tá, như anh Phạm Văn Ðiện (Mười Quang), anh Nguyễn Văn Bút, anh Danh (Lưu), anh Vững... Về công nghiệp có anh Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Sở Công nghiệp thành phố, anh Lê Minh Trí (Trí Mỡ), Giám đốc Hãng giày Ba ta TP Hồ Chí Minh. Nhưng tham gia hệ thống Ðảng, chính quyền là rất nhiều người, như anh Ẩn, anh Hùng, anh Hương, anh Hoà, anh Long, chị Lang, anh Quế, anh Khải, anh Hương, trừ anh Xuân Vũ đã ở quá xa, anh Ðẩu (Sáu Kiên).
Xin được trích thêm đoạn ký của Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói về Lê Vĩnh Hoà, ta thấy rõ hơn.
... Học được hai khoá, trường chia làm hai, một số ra trường đi công tác, một số ở lại học tiếp. Ðoàn Thế Hối (Lê Vĩnh Hoà) ở lại, tôi ra trường. Tôi về Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Một buổi trưa, bên bờ kênh Chắc Băng, nơi đóng quân, tôi thấy từ xa một chiếc xuồng đâm vào bờ, Cao Minh Phùng, bạn học cùng lớp, cầm cây đờn “Banjo” trao cho tôi:
- Thằng Hối (Hoà) sợ mầy buồn, nó gởi cây đờn cho mầy.
Từ đó, cây đờn của Hối gắn với tôi khắp cả sông rạch trên chiến trường miền Tây. Thời đó, tôi chỉ thuộc có mấy bài của Ðặng Thế Phong, Lê Thương, Văn Cao... quần đi quần lại không quá 10 bài, nhưng không thấy chán, cây đàn của Hối đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi.
Năm 1954, về công tác ở Tỉnh đội Sóc Trăng, tôi đến Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, thăm ba thằng bạn học: Ðoàn Thế Hối, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Khắc Hân. Ðêm, mấy anh em trải chiếu trên nền đất, ôm nhau ngủ. Năm đó, tôi sắp đi tập kết, còn ba thằng bạn thì ở lại.
Vậy là tôi đi tập kết. Năm 1966, tôi vượt Trường Sơn về Nam. Hỏi bạn bè, biết Khoa là cán bộ lãnh đạo ở chiến trường Cần Thơ, Nguyễn Khắc Hân làm báo trong nội thành Sài Gòn. Ðoàn Thế Hối (Hoà) đang ở U Minh, là nhà văn nổi tiếng với bút danh Lê Vĩnh Hoà.
Trong con mắt của bạn học Trường Nguyễn Văn Tố, Ðoàn Thế Hối trở thành nhà văn nổi tiếng là lẽ đương nhiên, còn tôi trở thành nhà văn mới là điều lạ. Chính mình đôi lúc cũng thấy lạ cho mình, huống chi là bạn bè.
Sao Ðoàn Thế Hối không lấy bút danh gì khác mà lấy bút danh Lê Vĩnh Hoà. Không gặp nhau để hỏi, nhưng tôi biết trong một ngày nghỉ hè, Ðoàn Thế Hối đưa tôi về thăm gia đình anh. Nhà của Hối ở là Vĩnh Hoà Hưng, tỉnh Rạch Giá. Hối lấy tên làng làm bút danh của mình. Tôi đoán và chắc là đúng.
Sau ngày tôi tập kết, Ðoàn Thế Hối vào Sài Gòn hoạt động. Ðoàn Thế Hối nhanh chóng nổi tiếng với bút danh Lê Vĩnh Hoà trên các báo Nhân Loại, Tiến Thủ, Quyền Sống, Bông Lúa, Phụ Nữ Diễn Ðàn... với những truyện ngắn: Trăng lu, Chiếc áo thiên thanh, Nước cạn, Mưa rơi trên sông, Hội banh Xóm Giếng...
Năm 1959, Lê Vĩnh Hoà bị chính quyền Ngô Ðình Diệm bắt, ngồi tù suốt 5 năm. Năm 1964 ra tù, anh vào chiến khu miền Tây, tiếp tục viết một loạt truyện ngắn trên mặt báo của chiến trường: Những người cùng xóm, Chuyện một người săn máy bay, Trước đêm tập kết, Trông ra tiền tuyến, Mấy trang nhựt ký bên chiến hào...
Từ miền Ðông (R) tôi gởi một lá thư dài về miền Tây cho Lê Vĩnh Hoà, nhắc lại cây đàn “Banjo” và nhiều chuyện.
Một năm sau, mùa nước nổi ở chiến trường Ðồng Tháp, tôi nhận được thư của một bạn văn nghệ ở miền Tây cho biết Lê Vĩnh Hoà đã nhận được thơ mừng lắm, chưa kịp viết thư trả lời thì hy sinh trong trận đánh lớn ở Thanh Thuỷ - Xẻo Giá - Cần Thơ, mùng 7 tháng Giêng năm Ðinh Mùi 1967... (hết trích).
Nhà văn Lê Vĩnh Hoà đã để lại nhiều tác phẩm xuất sắc mang nhiều dấu ấn qua từng thời kỳ của cuộc chiến tranh cứu nước. Với tôi, giọng văn của Lê Vĩnh Hoà như giọng nói của anh rất quen thuộc, ngọt ngào, nhỏ nhẻ, buồn buồn, dễ vào lòng người.
Năm 2001, về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, Chính phủ đã tặng Giải thưởng Nhà nước cho Nhà văn Lê Vĩnh Hoà, thật xứng đáng.
Khi ra trường và khi tập kết, mỗi người, mỗi ngành, mỗi công tác tương lai mọi người khó đoán trước được.
Sau năm 1975, mỗi năm thầy trò Trường Nguyễn Văn Tố đều có buổi họp mặt vào những ngày giáp Tết./.
Theo NGUYỄN BÁ (Báo Cà Mau)