Ông Lê Văn Sấm với công việc thường ngày.
Thay đổi tư duy
Hơn 20 năm trước, ông Ba Sấm phải "lận đận" với nghề nuôi tôm biển. Lúc đó, nuôi tôm biển ở Thạnh Phú đang bắt đầu phát triển, ông Ba Sấm cũng vay tiền tổ chức nuôi, một hai vụ đầu tôm trúng mùa, lợi nhuận cao. Sau đó, do ao nuôi nhiễm bệnh, lượng ao nuôi không thành công ngày càng nhiều khiến ông phải bán đất, bán nhà để trả nợ. Không còn ao nuôi, nợ ngày càng nhiều, ông Ba Sấm đã nghĩ đến bỏ chuyện bỏ nghề.
Thấy nhiều nơi nuôi tôm đạt hiệu quả, ông Ba Sấm không chịu khuất phục trước khó khăn. Ông luôn tìm tòi, học hỏi từ các nơi khác, nhất là những nơi ứng dụng công nghệ vào phục vụ việc nuôi tôm. Cuối năm 2013, Công ty cổ phẩn Chăn nuôi CP Việt Nam tổ chức cho đi tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ đáy bạt mật độ cao (200 con/m2) tại Cà Mau (nuôi tôm công nghệ cao nhiều gian đoạn). Ưu điểm của mô hình mới là có thể kiểm soát được môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, năng suất tôm thu hoạch cao gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Khả năng thành công trên 90%, một năm có thể nuôi 2 - 3 vụ. Sau khi tham quan mô hình, ông Ba Sấm đã thay đổi tư duy sản xuất, không theo lói truyền thống cũ mà ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để đi đến thành công ngày hôm nay.
Bước vào thử nghiệm nuôi tôm 2 ao đầu tiên, diện tích 1.000 m2/ao, ông Ba Sấm bước đầu thành công với năng suất 8 - 9 tấn/ao, lãi 800 triệu đồng/ao. Năm thứ hai, ông mạnh dạn phát triển 25 ao nuôi, năng suất cao nhất đạt 9,2 tấn/ao, thu lãi gần 1 tỷ đồng/ao. Ông tiếp tục mở rộng diện tích các khu nuôi cũng như tính chất, quy mô của từng khu.
Ông Lê Văn Sấm hướng dẫn sử dụng thiết bị bơm oxy ao tôm cho công nhân.
Theo ông Ba Sấm, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm so với cách nuôi truyền thống trước đây. Đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị cho ao nuôi, ao nuôi được trải bạt hoàn toàn. Hệ thống xử lý chất thải trong ao, hệ thống tạo oxy cho ao cũng phải được đầu tư bài bản. Đặc biệt, cần chia tôm theo từng giai đoạn nuôi để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm mau lớn, tránh dịch bệnh. Đa số người nuôi tôm hiện nay ứng dụng công nghệ cao chia thành 3 giai đoạn nuôi trở lên như: Giai đoạn ươm giống, giai đoạn tôm nhỏ, giai đoạn tôm lớn… để giúp tôm đạt hiệu quả, kích thước tôm lớn, từ 20 - 25 con/kg có thể xuất bán, khi đó giá tôm sẽ cao hơn các cỡ nhỏ.
Sau 10 năm, ông Ba Sấm là một trong những nông dân có diện tích nuôi tôm biển công nghệ cao lớn nhất huyện với trên 40 ha, chia làm 7 khu nuôi ứng dụng cộng nghệ cao như: nhà lưới, máy tạo oxy, phủ bạt đáy ao, cho ăn tự động…, năng suất cao, trung bình 70 - 90 tấn/ha, mỗi năm thu lợi từ 30 - 50 tỷ đồng. Hiện tại, trang trại của ông Sấm tạo việc làm ổn định cho 50 lao động tại chỗ và khoảng 60 lao động công nhật.
Làm chủ công nghệ
Sau nhiều năm nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, giờ đây ông Ba Sấm đã hoàn toàn làm chủ công nghệ trong ngành nuôi tôm theo hướng công nghệ cao và liên tục thắng lợi ở mỗi vụ nuôi. Ông Ba Sấm cho biết, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của gia đình theo hướng mô hình kinh tế trang trại. Tuy nhiên phải phát triển từng bước, không đầu tư ồ ạt. Khi có vốn sẽ đầu tư dần dần từ đất đai, máy móc, trang thiết bị để phát triển nghề nuôi tôm công nghệ cao. Cùng với đó, trang trại của ông Ba Sấm đang liên kết với doanh nghiệp chế biến tôm, xây dựng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm), được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, trang trại của ông Ba Sấm thu hoạch hơn 600 tấn tôm, đem lại lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Sấm theo dõi thu mua tôm tại trang trại.
Theo ông Nguyễn Văn Bàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, ông Ba Sấm là một trong những điển hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao thành công đầu tiên của tỉnh Bến Tre, giúp mô hình này lan tỏa đến các hộ dân, đồng thời khẳng định hiệu quả cao của mô hình trong ngành tôm biển. Ông thường chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên trong câu lạc bộ, hướng dẫn người dân áp dụng mô hình mới vào sản xuất. Những người tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như ông Ba Sấm giúp các nông dân khác làm theo, từ đó tạo nên vùng sản xuất nuôi tôm có chất lượng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Bàn chia sẻ thêm, nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển nuôi tôm công nghệ cao, thời gian qua các cấp Hội cùng với ngành chức năng trong tỉnh Bến Tre luôn đồng hành hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất, hướng dẫn úng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi từ đó mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre hỗ trợ tổ chức câu lạc bộ nông dân tỷ phú chuyên về nuôi tôm, những thành viên trong câu lạc bộ chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa cách làm hay, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm của vùng biển Bến Tre.
Bên cạnh phát triển kinh tế giỏi, hàng năm ông Ba Sấm còn đóng góp hàng trăm triệu đồng cho hoạt động an sinh xã hội của địa phương, xây đường giao thông nông thôn, giúp cho việc buôn bán, đi lại của người dân được thuận lợi… Năm 2023, ông vinh dự được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".
Theo HUỲNH PHÚC HẬU (TTXVN)