
Tòa xét xử một vụ án liên quan đến tranh chấp thừa kế.
Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, các loại tài sản, bất động sản gia tăng giá trị, nên tình trạng tranh chấp nói chung, trong đó có tranh chấp thừa kế trở nên phổ biến hơn. Nhiều vụ việc phát sinh tranh chấp giữa những người thân ruột thịt căng thẳng kéo dài, gây nhiều tổn thương cho người trong cuộc và để lại những hệ lụy cho xã hội.
Ngồi tại ghế chờ phiên tòa xét xử, anh M., ngụ xã Đông Thạnh, buồn rầu nói: “Bất đắc dĩ lắm tôi mới phải kiện người em ruột ra tòa để phân chia di sản”. Theo anh M., sinh thời cha mẹ có 4 người con. Khi còn sống, cha mẹ anh sống chung với G. Cha anh có phần đất với diện tích là 2.300m2 tại xã Đông Thạnh và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do anh G. đứng tên sử dụng. Trên phần đất này, còn có nhà của anh M.
Khi cha mất, ông không để lại di chúc, nhưng trước đó có nói miệng sẽ cho anh M. và 2 người còn lại mỗi người một nền nhà để sinh sống. Do vậy, khi cha qua đời, anh M. yêu cầu được nhận đất có diện tích 350m2, nhưng lúc này người em là anh G. không đồng ý, cho rằng mình có công nuôi dưỡng cha, mẹ, lại là con út nên không đồng ý chia đất, mà chỉ đồng ý cho anh M. sinh sống. Anh em trong nhà vì chuyện đất đai mà bất hòa kéo dài từ năm 2020 đến nay, do địa phương không phân xử được nên gia đình phải nhờ tòa giải quyết.
Hay như vụ tranh chấp đất thừa kế giữa chị B. với anh S., ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp. Chị B. và anh S. là hai chị em cùng cha khác mẹ. Trước đây, gia đình có phần đất 5.200m2 do ông C., cha của chị B. và anh S. đứng tên sở hữu. Sau khi ông C. mất, phần đất này được bà H. (mẹ đẻ anh S.) quản lý. Khi chết, bà H. không để lại di chúc, nên phát sinh tranh chấp.
Tòa sơ thẩm đã xét xử và quyết định chị B được hưởng một phần di sản thừa kế. Tuy nhiên, anh S. cho rằng đất của mẹ để lại cho anh, chị B. không phải là con ruột, nên không được hưởng phần nào.
Theo đánh giá của Tòa án nhân dân tỉnh, trong những năm qua, việc giải quyết, xét xử các vụ án liên quan đến tranh chấp thừa kế tài sản không nhiều, nhưng có xu hướng gia tăng, tính chất phức tạp, gay gắt hơn. Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết, theo Điều 623, Bộ luật Dân sự, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Cũng theo ông Tuấn, việc giải quyết các vụ án liên quan đến phân chia di sản thừa kế thường kéo dài và rất khó giải quyết do quá trình thu thập chứng cứ khó khăn. Bởi các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng con cái sẽ yêu thương, đùm bọc nhau và không lường trước được những tranh chấp xảy ra, nên khi còn sống để lại tài sản cho con cái bằng miệng mà không có giấy tờ rõ ràng. Tài sản thường ở nhiều nơi, do nhiều người quản lý nên việc thu thập hồ sơ, chứng cứ liên quan thường khó khăn, thậm chí có những người không chịu hợp tác.
Bộ luật Dân sự hiện hành quy định có 3 hàng thừa kế. Trong đó, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rất rõ, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước (do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản).
Luật sư Hồ Quốc Thanh, Đoàn luật sư tỉnh, phân tích, nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp về thừa kế tài sản tăng là do người dân không lập di chúc hoặc thiếu rạch ròi khi lập di chúc. Trong khi đó, việc tranh chấp tài sản thừa kế thường liên quan đến nhiều người, nhiều thế hệ khác nhau trong gia tộc. Vì vậy, đối với loại án này, đòi hỏi người thực thi pháp luật phải nắm vững các chế định thừa kế trong Bộ luật Dân sự và chính sách của Nhà nước qua nhiều thời kỳ, các văn bản pháp luật liên quan…
Vì vậy, để tránh tranh chấp giữa người thân, luật sư Thanh cho rằng, những người để lại di sản cần làm các giấy tờ rõ ràng, đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp người dân không nắm rõ các quy định pháp luật thì có thể liên hệ các trung tâm trợ giúp pháp lý, các văn phòng luật sư, hội luật gia… nhờ tư vấn và giải quyết.
Theo Báo Hậu Giang