Sắc màu khăn rằn Nam Bộ

10/02/2019 - 15:14

 - Từ chiếc khăn quấn đầu tránh nắng, vắt vai thấm mồ hôi của người dân Nam Bộ, nay khăn rằn đã trở thành món đồ thời trang được giới trẻ ưa chuộng. Không chỉ vậy, khăn rằn còn được thổi làn gió mới, biến tấu thành nhiều sản phẩm và còn được mang ra thế giới như một món quà tặng đậm hồn dân tộc.

Ngay những ngày thơ bé, hình ảnh chiếc khăn rằn đã vô cùng quen thuộc với tôi, khăn luôn được bà vắt trên vai khi lom khom nhặt nhạnh những nhánh củi khô nhóm lửa nấu bánh, nướng khoai; khăn theo chân cậu, dì ra đồng vào ngày mùa mưa, nắng. Những hình ảnh thân thương ấy hiện diện trong cuộc sống thường nhật của đại đa số các gia đình người dân Nam Bộ và ăn sâu vào lòng mỗi người dân nơi đây. Không ai biết chiếc khăn rằn có từ thuở nào, chỉ biết từ lâu nó đã trở thành vật không thể thiếu. Có người cho rằng, khăn rằn Nam Bộ bắt nguồn từ khăn Krama của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, do quá trình cộng cư cùng các dân tộc, chiếc khăn đã được thay đổi cho phù hợp, gần gũi và gắn liền với người nông dân vùng ĐBSCL. Ngoài giá trị sử dụng khi lao động, khăn rằn quàng trên cổ phối cùng chiếc áo bà ba còn giúp điểm thêm nét duyên quê dịu dàng, mộc mạc cho người phụ nữ vùng sông nước sớm hôm tảo tần.

Sắc màu khăn rằn Nam Bộ

Khăn rằn theo chân các bạn trẻ trong những cuộc hành trình

Từ một chiếc khăn kẻ ô, với 2 màu đen trắng thường thấy, khăn rằn ngày nay đã được những người thợ “hô biến” thành đủ màu sắc, với nhiều kích cỡ, họa tiết caro lớn, nhỏ khác nhau. Để làm ra chiếc khăn rằn hoàn chỉnh, người thợ phải tốn nhiều thời gian, bởi trải qua nhiều công đoạn, từ việc xả những cuộn chỉ lớn thành những búi nhỏ, cho chỉ vào nồi nhuộm màu rồi phơi trên giàn. Sau đó, đến công đoạn lên bột hồ cho chỉ, quấn chỉ vào những con thoi đưa lên khung dệt, dệt thành những tấm khăn rằn hoàn chỉnh nối liền nhau, cuối cùng là cắt khăn rằn thành từng chiếc lẻ (người trong nghề gọi là “xé khăn”). Trong suốt quá trình sản xuất khăn rằn, công đoạn lên hồ (bột hồ được lấy từ bột gạo) được xem là quan trọng nhất, bởi nó giúp những sợi chỉ cứng hơn, dễ dàng dệt khăn và khi dệt xong khăn rằn sẽ có độ cứng vừa phải, dễ gấp nếp, qua vài lần giặt lớp hồ trôi đi, khăn sẽ trở nên mềm mại.

Không chỉ có mặt trên đồng ruộng ở thôn quê, những năm qua, khăn rằn đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của “dân phượt” trên mỗi cuộc hành trình. Trò chuyện cùng bạn Ngô Minh Chiến (sinh năm 1994, TP. Châu Đốc), người thích rong ruỗi “tác chiến” trên những cung đường cho biết: “Đối với “dân phượt” như chúng tôi thì hành lý mang theo phải đảm bảo tiêu chí gọn nhẹ, tiện lợi. Do đó, khăn rằn rất thích hợp để chọn làm phụ kiện đồng hành, khăn rằn có thể thay cho khẩu trang, làm khăn trùm đầu, khăn tắm hay dùng để bảo hộ tay đều được. Hơn nữa, nó còn là phụ kiện thời trang tạo nên phong cách “chất lừ” cho các phượt thủ”. Không riêng “dân phượt”, nhiều bạn trẻ chưa từng biết đi “phượt” là gì như bạn Trần Thị Thúy Vy (sinh năm 1996, TP. Long Xuyên) cũng rất “kết” loại khăn kẻ caro này. Thúy Vy chia sẻ: “Tôi thích khăn rằn bởi nó rất duyên và tiện dụng trong mọi hoàn cảnh, thích hợp với nhiều loại trang phục, khi phối cùng áo bà ba tạo nét dịu dàng, đằm thắm, nhưng kết hợp với trang phục “bụi bặm” tạo nên phong cách khỏe khoắn, năng động”.

MỸ LINH

Bởi tiện lợi, thời trang và mang tính truyền thống nên khăn rằn đã trở thành món phụ kiện được người trẻ mang vào công sở, giảng đường, lên sàn diễn thời trang. Phong trào sử dụng khăn rằn để “chế” thành các phụ kiện như: túi xách, nón, ví tiền… bắt đầu lan tỏa; các nhà thiết kế trẻ khai thác chất liệu khăn rằn để thiết kế áo dài, váy, đầm, áo, quần kiểu dáng mới lạ. Đặc biệt, những năm gần đây, khăn rằn còn là sản phẩm được các hoa hậu Việt Nam chọn làm quà để tặng các thí sinh đến từ các nước trong những cuộc thi hoa hậu thế giới như một món quà giới thiệu về dân tộc.

MỸ LINH