Sóc Trăng: 14 năm nhọc nhằn nuôi con bại não

22/11/2022 - 15:39

Hơn 2 năm đưa con vào bệnh viện điều trị, chị Trần Thị Mỹ Nương, ấp Thạnh Phú, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) giờ xem phòng bệnh như nhà. Từng ấy năm, chị Nương sống nhờ vào những bữa cơm từ thiện, chắt chiu tiền từ công việc giặt quần áo mướn, quét dọn để duy trì sự sống cho đứa con trai bị bệnh bại não bẩm sinh.

A A

“Thằng Huy bây giờ mập lắm, nó lên chừng 5kg so với lúc mới nhập viện, nói biết nghe hết trơn, nhiều lúc còn nhõng nhẽo nữa…” - chị Nương tươi cười khoe với tôi khi kể về Huy. Khoảng 1 năm nay, chị Nương xin được công việc quét dọn ở Khoa Hồi sức tích cực và chống độc - Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng, với tiền lương mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Số tiền này chị dùng mua sữa, tã cho Huy, về phần mình, chị vẫn xin cơm từ thiện. Thỉnh thoảng được bệnh viện hoặc nhà hảo tâm hỗ trợ tã, sữa, chị rất mừng, bởi cứ 3 ngày là Huy uống hết 1 hộp sữa 900g (giá hơn 300.000 đồng), chưa kể tiền mua tã, khăn giấy và các thứ lặt vặt khác.

Hơn 2 năm qua, Phạm Nhật Huy duy trì sự sống bằng máy thở và uống sữa qua ống sonde dạ dày. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Huy tên đầy đủ là Phạm Nhật Huy, được bác sĩ chẩn đoán bệnh bại não lúc 4 tháng tuổi. Từ một đứa trẻ trắng trẻo, bụ bẫm, tay chân Huy co rút và teo dần. Những lúc Huy phát bệnh, co giật tím tái, bỏ ăn, cả người teo tóp, nhiều người khuyên chị Nương nên để con “ra đi”, nhưng chị bỏ qua mọi lời khuyên vẫn hết lòng chăm sóc cho con. Không thể nào đếm được bao nhiêu lần chị Nương ẵm con vào bệnh viện cấp cứu, tìm mọi cách giành lấy sự sống cho con. Hơn 2 năm trước, Huy trở bệnh nặng, phải nhập viện, duy trì sự sống bằng cách đặt ống mở khí quản và uống sữa qua ống sonde dạ dày.

Vợ chồng chị Nương thuộc hộ nghèo ở ấp Thạnh Phú, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng), không đất canh tác, sống bằng nghề đi làm thuê, làm mướn. Lúc Huy được 12 tuổi, có nhà hảo tâm đến thăm, thấy vợ chồng chị sống trong căn chòi xiêu vẹo đã hỗ trợ cất cho căn nhà, mái lợp tôn, từ đó gia đình chị mới có chỗ ở sạch sẽ, tránh mưa to gió lớn. Năm đầu, chị vào bệnh viện nuôi con, tiền bạc vay mượn cũng dần cạn kiệt, trong khi đó thu nhập từ công việc làm thuê của chồng chị không ổn định, cuộc sống lại thiếu thốn, chị Nương bèn xin giặt đồ mướn cho thân nhân người bệnh, mỗi ngày kiếm được ba, bốn chục ngàn đồng, dành dụm mua sữa cho Huy, rồi xin cơm từ thiện ăn qua bữa.

14 năm qua, chị Nương chưa từng được nghe Huy gọi tiếng mẹ, em chỉ “ư e” như trẻ sơ sinh. Khi nhiều người cho rằng Huy bị bại não, không biết nghe, không hiểu được, chị Nương chỉ cười: “Những lần tôi đi giặt đồ, thằng Huy thức dậy không nhìn thấy mẹ thì rớm nước mắt, hai tay co quắp cứ cố huơ lên, mắt cứ nhìn xung quanh tìm kiếm. Lúc thấy mẹ đi vào thì nước mắt nó tuôn không ngừng, tôi phải dỗ dành, nựng nịu nó mới nín khóc rồi nhăn răng cười”. Chị Nương kể thêm, có lần chị vừa xoa bàn tay cho Huy vừa nói: “Mẹ mà chết ai nuôi con hả Huy, nằm ở đây một mình để biết cảnh mồ côi nghe”, thì 2 mắt Huy đỏ hoe, miệng mấp máy, tay run run rồi bật khóc nức nở. “Tôi cảm nhận được thằng Huy nghe được, hiểu được những gì tôi nói. Mình mang nặng đẻ đau, rồi chăm sóc gắn bó bao nhiêu năm trời thì làm sao mà con không biết, không thương mình được” - chị Nương trải lòng.

Hơn 2 năm ở bệnh viện, chưa được về thăm nhà, sâu thẳm trong lòng chị Nương là nỗi nhớ người thân da diết. Thỉnh thoảng có người thân gọi vào hỏi thăm, chị vui vẻ kể đủ thứ chuyện về Huy, nhưng sau mỗi cuộc gọi, nước mắt chị lại rơi. Có lẽ ít ai biết được rằng, phía sau giọng kể như vui mừng khi nói về việc Huy uống được sữa, ngủ tròn giấc là nỗi lo lắng của chị Nương về ngày tháng còn lại bên con. Chị Nương sẽ không đưa Huy về nhà, bởi vì chỉ cần rời chiếc máy thở, Huy sẽ mất đi sự sống.

14 năm trời chăm sóc cho đứa con trai chỉ nằm một chỗ, sức khỏe của chị Nương cũng sa sút, nhất là từ khi Huy đặt ống mở khí quản, việc vệ sinh răng miệng, vết mổ ở cổ phải thật sạch sẽ để tránh bị nhiễm trùng, chưa kể những khi Huy bị nhiễm trùng đường ruột, đi vệ sinh khó, lở loét phần lưng, hành sốt… chị Nương phải ngày đêm vất vả chăm sóc. Nhọc nhằn nuôi con, nhưng chị chưa từng than vãn, buồn trách hay cau có. Có một khoảnh khắc về mẹ con chị Nương mà tôi nhớ mãi đó là lúc chị vừa gội đầu cho Huy vừa hát khe khẽ để dỗ con: “Mẹ nguyện cầu và ước mong, con sống trong yên lành, mẹ hiền nào biết không con chỉ mong có mẹ…”, có lẽ đối với chị Nương cho dù đứa trẻ ấy hình hài ra sao, sức khỏe thế nào và có cực nhọc đến mấy thì chị vẫn dành cả đời thương yêu, chăm sóc.

Theo Báo Sóc Trăng