Sóc Trăng: Nâng chất kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án

11/12/2023 - 15:24

Việc cưỡng chế, kê biên xử lý tài sản thi hành án dân sự là một quá trình phức tạp đòi hỏi cơ quan thi hành án, nhất là chấp hành viên phụ trách hồ sơ không những vận dụng toàn diện kỹ năng nghiệp vụ mà còn phải huy động sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Đặc biệt, cần phải có sự kiểm sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật để tránh những thiếu sót, sai sót, vi phạm, kéo theo những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Cưỡng chế thi hành án vừa phức tạp, vừa khó khăn

Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng, 2 năm qua (từ tháng 10/2021 - tháng 10/2023), cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp trên địa bàn đã thụ lý 25.099 việc với tổng giá trị trên 3.027 tỷ đồng. Qua phân loại, án có điều kiện thi hành: 21.703 việc với giá trị trên 2.007 tỷ đồng, đã có quyết định thi hành 19.189 việc với giá trị 1.221 tỷ đồng. Trong số đó, án tự nguyện thi hành 2.764 việc với giá trị trên 78 tỷ đồng; số việc phải ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là 16.425 việc với số tiền 1.143 tỷ đồng và số việc bán đấu giá thành 79 việc, trị giá 48 tỷ đồng.

Qua số liệu trên, cho thấy cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Thực tế, nhiều vụ việc gặp khó khăn, phức tạp, tồn đọng kéo dài đã được xử lý, vừa kịp thời thu hồi tài sản cho Nhà nước, vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên thi hành án. Đa phần, chấp hành viên khi được phân công thụ lý giải quyết án đã nỗ lực hết mình và nêu cao tinh thần trách nhiệm, thi hành án đạt tỷ lệ yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, việc người phải thi hành án tự nguyện thi hành chiếm tỷ lệ thấp; trường hợp áp dụng các biện pháp đảm bảo như cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản còn khá cao. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hiệu quả vận động, giáo dục đối với người phải thi hành án đạt chưa cao.

Việc cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản thi hành án dân sự có sự kiểm sát chặt chẽ từ viện kiểm sát nhân dân. Ảnh: SỚM MAI

Thực tế, công tác cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản có nhiều khó khăn và phức tạp. Theo chia sẻ của ông Phan Hoàng Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), việc kê biên, xử lý tài sản là động sản (tàu, thuyền, xe) là gặp khó khăn nhất. Bởi việc xác minh điều kiện thi hành án, tài sản này bắt buộc chủ sở hữu phải đăng ký quyền sở hữu tài sản nhưng luật quy định phải căn cứ vào nhiều giấy tờ nên yêu cầu chấp hành viên có thể phải xác minh ở nhiều cơ quan khác nhau dẫn đến tốn kém thời gian, nhân lực, chi phí. Việc truy tìm tài sản là động sản để thực hiện kê biên, cưỡng chế là một vấn đề không hề dễ dàng. Do hiện nay, các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhận thế chấp các động sản không thực hiện giữ tài sản mà chỉ giữ giấy tờ pháp lý. Đến giai đoạn thi hành án, không thể tìm ra tài sản thế chấp, vì tài sản này rất dễ bị tẩu tán.

Song song đó, việc đo đạc tài sản thi hành án một số trường hợp cũng gặp khá nhiều khó khăn do cọc, ranh chưa rõ ràng và thậm chí có trường hợp còn không có cọc, ranh. Rồi việc trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp khó, vì cơ quan chuyên môn không lưu giữ; trường hợp người phải thi hành án thường chống đối nên khó thu giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Pháp luật chưa hướng dẫn cụ thể về việc kê biên quyền sử dụng đất khi trên diện tích đất có mồ mả. Hiện trạng tài sản người phải thi hành án thay đổi làm ảnh hưởng khá nhiều đến giai đoạn giao tài sản cho người trúng đấu giá… Nói chung, thực tế việc cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án phát sinh “muôn hình vạn trạng” khó khăn, nếu “lơ là” có thể dẫn đến nhiều sai sót nghiêm trọng trong quá trình thi hành án.

Kiểm sát chặt sẽ hạn chế được vi phạm

Theo đồng chí Tô Hoàng Ơn - Phó trưởng Phòng 8 thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng, qua thực tiễn công tác kiểm sát, một số cơ quan thi hành án dân sự vẫn chưa thực hiện đúng và đầy đủ về các trình tự thủ tục khi cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án. Do vậy, khi cưỡng chế xong thì không thể thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hoặc sau khi bán đấu giá thành thì tài sản vẫn không giao được cho người mua, dẫn đến việc thi hành án tồn đọng, kéo dài không giải quyết được. 

Đúc kết từ thực tế, việc dẫn đến vi phạm trên có rất nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Hiện nay, một số văn bản hướng dẫn, quy định, quy trình về cưỡng chế kê biên, thẩm định giá và tổ chức bán đấu giá tài sản trong giai đoạn thi hành án chưa được hoàn thiện, tháo gỡ hết những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng. Có một số bản án, quyết định của tòa án còn sai lệch về số liệu, không giống với giấy tờ đăng ký. Một số ít cơ quan hữu quan chưa thật sự thiện chí trong phối hợp, người phải thi hành án thường không tự nguyện thi hành và có trường hợp kiểm sát viên chưa kiểm sát chặt chẽ…

Liên ngành thường xuyên bàn bạc, trao đổi để tháo gỡ khó khăn và nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án. Ảnh: SỚM MAI

Để hạn chế những sai sót, hạn chế trên, đồng chí Lê Nguyễn Trường Sơn - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết, lãnh đạo đơn vị sẽ chỉ đạo kịp thời, sâu sát đối với công tác kiểm sát thi hành án dân sự, đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm sát hoạt động kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Theo đó, tập trung nâng cao kỹ năng phát hiện, tổng hợp vi phạm, đánh giá mức độ vi phạm của cơ quan thi hành án cũng như các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thẩm định giá, bán đấu giá có tham gia xử lý tài sản thi hành án để đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Thông qua kiểm sát, đơn vị kiểm sát sẽ chủ động phát hiện, tổng hợp đánh giá tình hình vi phạm trong việc giải quyết các vụ việc thi hành án và chú ý tổng hợp các vi phạm có tính chất phổ biến, kéo dài, vướng mắc thường gặp (thẩm định giá và bán đấu giá tài sản, giao tài sản), trên cơ sở đó kiến nghị phòng ngừa vi phạm. Riêng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ về công tác kiểm sát thi hành án cho cấp huyện. Tăng cường ban hành các thông báo rút kinh nghiệm; quan tâm bố trí, phân công kiểm sát viên thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự phải có tính ổn định, kế thừa, có kinh nghiệm, nghiệp vụ vững và có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Viện kiểm sát sẽ duy trì và thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành, định kỳ họp bàn trao đổi biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự nói chung và công tác áp dụng các biện pháp kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản nói riêng. Đặc biệt, sẽ nâng cao chất lượng công tác kiểm sát cưỡng chế kê biên thông qua việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án.

Theo luật định, “các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong thi hành án dân sự” đều là đối tượng kiểm sát của viện kiểm sát nhân dân. Hy vọng với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong các hoạt động thi hành án sẽ kịp thời ngăn chặn, khắc phục vi phạm và nâng cao chất lượng cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án.

Theo SỚM MAI (Báo Sóc Trăng)