Sóc Trăng: Thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ phụ nữ “lầm lỡ” tái hòa nhập cộng đồng

06/05/2024 - 15:37

Với những người từng lầm lỡ, việc vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình và cả cộng đồng. Thấu hiểu những mong mỏi, lo lắng đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đã kịp thời chỉ đạo và triển khai hiệu quả nhiều chương trình, mô hình, đề án để đồng hành cùng người lầm lỡ trong quá trình hòa nhập cộng đồng.

Có nhiều nguyên nhân khiến những phụ nữ vấp ngã, phạm tội;, chỉ bởi đường có nhiều lối rẽ và sự lựa chọn sai lầm đã để lại những hậu quả khôn lường. Em N.L (tạm trú Phường 10, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) nghẹn ngào nhớ lại cách đây hơn 5 năm, chỉ vì ham chơi, nghe theo lời các bạn xấu mà phải lãnh án 6 tháng tù (tội cướp giật). Khi ấy, em đang được cha mẹ cho học nghề uốn tóc và gia đình quản thúc khá chặt. Ở tuổi mới lớn, thích sự tự do bay nhảy và thể hiện bản thân, N.L bỏ nhà theo bạn trai xây dựng "thiên đường" riêng mình. Rồi cả hai kết thân với nhóm bạn đưa đường dẫn lối vào con đường phạm tội. “Lúc mới ra tù, em lo lắng lắm. Cha mẹ em xưa nay rất khó tính, sĩ diện, làm sao chấp nhận được, rồi hàng xóm nhìn ngó… Nhưng không, gia đình vẫn yêu thương, bảo bọc em, hàng xóm vẫn thiện cảm với em. Không những vậy, có mấy chị phụ nữ còn cho quà, hướng dẫn em tìm việc làm” - em N.L tâm sự.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Tố Trinh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 9, thành phố Sóc Trăng, hiện đơn vị đang phối hợp với cơ quan có thẩm quyền địa phương theo dõi, quản lý, giáo dục, cảm hóa 10 đối tượng (trong đó có 3 phụ nữ). “Thời gian qua, các chị em chấp hành xong quyết định xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, chấp hành hình phạt tù về tái hòa nhập cộng đồng rất tốt. Ở địa phương, gia đình không có hành động kỳ thị, xa lánh chị em; riêng đối với hội phụ nữ luôn tích cực tuyên truyền, vận động và giới thiệu việc làm, vay vốn hỗ trợ chị em làm ăn, hòa nhập cuộc sống. Không biết vì sao trước đây lại vi phạm, phạm tội nhưng khi tiếp xúc, giao tiếp, các chị em rất hiền..” - đồng chí Trinh chia sẻ.

Các cấp hội phụ nữ luôn quan tâm, chia sẻ, động viên, hỗ trợ phụ nữ gặp khó khăn, nhất là phụ nữ "lầm lỡ" tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: SỚM MAI

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù được các cấp hội phụ nữ thực hiện tốt. Đồng chí Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh hội phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng nhiều kế hoạch như: phối hợp với công an giáo dục cải tạo phạm nhân nữ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong quyết định xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng tái hòa nhập cộng đồng (nữ) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; phối hợp với Công an tỉnh, Cơ sở giáo dục bắt buộc Cồn Cát trong hoạt động giáo dục trại viên nữ và giúp đỡ chị em tái hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2026; triển khai Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang, cơ nhỡ”, giai đoạn 2018 - 2021... triển khai đến các cấp hội trong tỉnh. Hằng năm, xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ hưởng ứng tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện kế hoạch thi đua phong trào phụ nữ và công tác hội.

Các cấp hội còn lồng ghép nội dung chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào kế hoạch thi đua, chương trình công tác năm và các chương trình, dự án của tổ chức hội. Bình quân hằng năm, các cấp hội có trên 9.000 cuộc tuyên truyền; phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp tổ chức 11 cuộc truyền thông diện rộng với chủ đề “Phụ nữ với pháp luật; phối hợp Sở Tư pháp tổ chức tổ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật xoay vòng tại huyện cho hội viên phụ nữ... Qua đó, giúp các hội viên phụ nữ ở cơ sở nâng cao kiến thức pháp luật cũng như các quy định mới. Trên cơ sở đó, vận dụng những kiến thức mới vào trong thực tiễn và trở thành tuyên truyền viên pháp luật tích cực ở địa phương, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phụ nữ, gia đình và nâng cao ý thức, trách nhiệm với toàn xã hội. Đặc biệt, các cấp hội linh hoạt, sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, vận động (cổng thông tin, Zalo, Facebook) nhằm giúp các phạm nhân nữ hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội, không tái phạm, vi phạm pháp luật. 

Các cấp hội quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, văn bản cấp trên bằng nhiều hình thức. Ảnh: SỚM MAI

Từ năm 2019 đến nay, các cấp hội phối hợp các ngành, địa phương tiếp nhận và quản lý, phân công quản lý giáo dục, cảm hóa 1.285 đối tượng bán số đề, đánh bạc, đá gà, gây mất trật tự công cộng, sử dụng ma túy. Trong đó, hội phụ nữ đã hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm cho 1.285 phụ nữ đặc thù (bán số đề, cờ bạc, ma túy,...) và cảm hóa 1.285 đối tượng có chuyển biến tốt. Thành lập đường dây nóng tư vấn về phòng, chống bạo lực của Tỉnh hội (0377.672.444) và cung cấp danh sách cán bộ Tỉnh hội, huyện hội cho Tổng đài quốc gia 111 để kịp thời can thiệp các vụ việc xâm hại trẻ em diễn ra trên địa bàn. Phối hợp duy trì hoạt động 778 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng hỗ trợ, can thiệp nạn nhân bị bạo lực gia đình; ra mắt, duy trì hoạt động 121 góc tư vấn tại cộng đồng nhằm kịp thời hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân khi xảy ra vụ việc.

Thực hiện Đề án 938, Tỉnh hội đã ra mắt 55 tổ, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, ma túy tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng trọng điểm, phức tạp. Thành lập mới và duy trì hiệu quả 429 câu lạc bộ, tổ; 22 “Tổ phản ứng nhanh phòng, chống xâm hại trẻ em”. Đây là lực lượng nòng cốt, chủ động, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa tái hòa nhập cộng đồng.

Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Do vậy, chỉ mong ngày về, những phạm nhân sẽ được chính quyền địa phương, doanh nghiệp tạo điều kiện giúp đỡ để có cơ hội làm lại cuộc đời, không vi phạm pháp luật, trở thành công dân có ích cho xã hội như tinh thần chỉ thị trên.

Theo SỚM MAI (Báo Sóc Trăng)