Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp hữu cơ Á Châu (AOI) đã trình bày tóm tắt báo cáo của đề án. Theo đó, thời gian thực hiện đề án từ năm 2022 - 2025, địa điểm tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam (thứ 3 bên trái sang) phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: T.P
Mục tiêu của đề án nhằm thực hiện liên kết 4 nhà trong phát triển nền nông nghiệp hữu cơ trên nhiều loại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng; sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2025, có 100% nông dân tham gia mô hình am hiểu về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, có khả năng tự sản xuất hữu cơ khi kết thúc đề án; xây dựng 32 điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; diện tích đất sản xuất hữu cơ đạt trên 210ha; định hướng đến năm 2030, sản xuất hữu cơ có chứng nhận phát triển nhân rộng về diện tích và được áp dụng trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác, trong đó mũi nhọn là hành tím và cây có múi.
Tổng dự toán thực hiện đề án trên 67 tỉ đồng; trong đó, vốn ngân sách tỉnh gần 23 tỉ đồng và nguồn doanh nghiệp, nông dân đối ứng trên 44 tỉ đồng.
Các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề về các giải pháp, nhóm đối tượng sản phẩm hữu cơ; tổ chức thực hiện ở đâu; nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia mô hình; hỗ trợ các hoạt động tư vấn để xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Nam yêu cầu đơn vị tư vấn cần xác định nhóm sản phẩm liên kết thị trường để tiêu thụ các sản phẩm; đồng thời, cần hoàn chỉnh báo cáo tóm tắt ngắn gọn.
Theo Báo Sóc Trăng