Tích cực điều trị F0 tại nhà

03/12/2021 - 09:20

Những ngày gần đây, do số lượng người mắc Covid-19 (F0) tăng cao, nhiều tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai điều trị tại nhà cho những trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Quá trình triển khai đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần khắc phục để phát huy hiệu quả của phương thức điều trị, thích ứng an toàn với dịch bệnh.

A A

Lực lượng Trạm Y tế lưu động phường 8 (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) hỗ trợ kiểm tra sức khỏe F0 điều trị tại nhà. Ảnh: HỮU TÙNG

Triển khai điều trị tại nhà, người bệnh được phát thuốc, tư vấn, theo dõi chăm sóc tại chính gia đình mình, sinh hoạt hầu như không bị đảo lộn, tâm lý thoải mái hơn điều trị tập trung nên khá thuận lợi, hiệu quả.

Giảm tải cho hệ thống y tế

An Giang là địa phương sớm chủ động thí điểm điều trị F0 tại nhà và mang lại hiệu quả tích cực, cho nên từ đầu tháng 12, tỉnh đã triển khai điều trị F0 tại nhà cho hơn 2.000 bệnh nhân. Chị N.T.T, ngụ phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên là F0 không triệu chứng đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà và sau 7 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của chị T. ổn định, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nên chị rất phấn khởi… và tiếp tục liệu trình điều trị thêm 7 ngày, sau đó kết quả cũng âm tính, chị hoàn thành cách ly và trở lại cuộc sống bình thường.

Tương tự, ông P.V.T ngụ phường Mỹ Long, TP Long Xuyên bị nhiễm Covid-19 triệu chứng nhẹ nên được cách ly, điều trị tại nhà trong phòng riêng, bảo đảm không tiếp xúc người thân. Ông T. tuân thủ các chỉ dẫn của y bác sĩ và đến ngày thứ 5 khi tự test cho kết quả âm tính, các y bác sĩ làm xét nghiệm PCR cho ông và người nhà đều cho kết quả âm tính, sau 7 ngày cách ly tiếp kết quả xét nghiệm PCR lại âm tính nên ông T. hoàn thành cách ly.

Đội Y tế lưu động phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ lấy mẫu xét nghiệm F0 điều trị tại nhà.Ảnh: THANH TÂM

Giám đốc Sở Y tế An Giang, Trần Quang Hiền cho biết, những F0 đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà đều được trạm y tế lưu động cấp các túi thuốc điều trị Covid-19. Ngoài ra, mỗi trạm y tế xã, phường đều trang bị sẵn các bình oxy, máy thở, máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) để hỗ trợ kịp thời F0 khi chuyển biến bệnh. Nhờ vậy, bước đầu việc điều trị F0 tại nhà cho thấy hiệu quả rất tốt, chỉ có số ít trường hợp bệnh có dấu hiệu nặng lên, nhưng cũng ở mức trung bình, từ đó giảm hẳn tình trạng lây nhiễm chéo nếu như đưa các F0 này vào trong khu cách ly tập trung.

Tỉnh Đồng Tháp chưa thực hiện điều trị F0 tại nhà trên diện rộng mà đang thực hiện thí điểm điều trị 2 giai đoạn cho hơn 1.400 người bệnh theo “quy trình 7-7” (7 ngày điều trị tập trung và 7 ngày điều trị tại nhà) để giảm tải áp lực điều trị tại bệnh viện. Chủ tịch UBND thành phố Hồng Ngự, Phạm Tấn Đạt cho biết: Hiện nay, thành phố đang thực hiện điều trị gần 300 trường hợp nhiễm Covid-19 tại nhà. Có một số trường hợp gia đình đủ điều kiện cách ly tại nhà dạng không có triệu chứng hoặc chỉ số CT (tải lượng vi-rút trong cơ thể) trên 30; một số trường hợp điều trị 7 ngày tại cơ sở điều trị tập trung, tiếp tục về cách ly điều trị 7 ngày tại nhà. Thuận lợi trong điều trị F0 tại nhà là phần lớn bà con yên tâm sinh hoạt tại nhà vì cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, có tình trạng F0 điều trị tại nhà nhưng không ý thức, có đi ra ngoài, vi phạm cam kết điều trị tại nhà…

TP Cần Thơ đang điều trị tại nhà cho gần 11 nghìn F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Định kỳ, các F0 này được cán bộ ở trạm y tế, đội y tế lưu động thăm hỏi diễn biến bệnh, tư vấn cách điều trị, cấp phát thuốc, lấy mẫu xét nghiệm… Các trạm y tế lưu động có trang bị máy thở, bình oxy, máy đo SpO2, phương tiện cấp cứu để kịp thời chuyển tuyến khi người bệnh tại nhà có diễn biến xấu. Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, những tuần gần đây, khoảng 90% số ca mắc Covid-19 đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên điều trị tại nhà là phù hợp với người bệnh và giảm áp lực cho ngành y tế.

Tuy nhiên, do F0 tăng nhanh với hơn 10 nghìn ca, dẫn đến hệ thống y tế của thành phố quá tải ở các tuyến, nhất là tuyến cơ sở. Vì vậy, trong công tác điều trị F0 tại nhà đôi lúc các y, bác sĩ chưa kịp thời tư vấn cho người bệnh, chậm trễ trong cấp phát thuốc, lúng túng trong việc chuyển tuyến đối với người điều trị tại nhà khi cần cấp cứu hay chuyển viện…

Gỡ khó cho điều trị F0 tại nhà

Cũng theo đánh giá của Sở Y tế Cần Thơ, việc thí điểm điều trị bằng thuốc đặc trị Molnupiravir cho F0 có tải lượng vi-rút cao tại nhà đến nay chỉ có 3/9 quận, huyện triển khai với 94 liều trong tổng số 1.882 liều đã nhận từ Bộ Y tế (sau 1 tuần) do năng lực xét nghiệm hạn chế, chậm trả kết quả PCR nên không thể điều trị người bị nhiễm trong ngày đầu như khuyến cáo của Bộ Y tế; ngành y tế TP Cần Thơ chậm trễ trong tư vấn, điều trị loại thuốc này cho người dân tại nhà. Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, Nguyễn Minh Thắng cho biết: Ninh Kiều có hơn 1.200 F0 đang điều trị tại nhà và khoảng 1.000 F1 đang cách ly y tế tại nhà gây áp lực lớn đến tuyến y tế cơ sở.

 Dù có thêm đội y tế lưu động hỗ trợ nhưng công việc tuyến cơ sở luôn quá tải, không có lực lượng thay thế một khi lực lượng này nhiễm bệnh. Do quá tải nên việc truy vết F1, F2 rất hạn chế vì không đủ thời gian, nhân lực. Đây là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến dịch bệnh có thể bùng phát, kéo dài. Do đó, ngành y tế rất cần hỗ trợ thêm về nhân lực, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu cho tuyến y tế cơ sở để bảo đảm có thể đảm đương công việc trong thời gian tới…

TP Cần Thơ thành lập 62 đội y tế lưu động từ sự hỗ trợ của Trường đại học Y dược Cần Thơ, Quân khu 9 nhưng nhân lực này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. TP Cần Thơ tuyển 500 bác sĩ và 1.000 tình nguyện viên tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cùng với Đội thầy thuốc trẻ tình nguyện Cần Thơ tham gia tư vấn, điều trị cho F0 tại nhà. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, Phạm Văn Hiểu yêu cầu: Ngành y tế, lãnh đạo các quận, huyện cần chấn chỉnh những biểu hiện chủ quan, lơ là của một số địa phương, đơn vị chậm phát thuốc, tư vấn, theo dõi F0 điều trị tại nhà để người bệnh không lo lắng quá mức, làm mất niềm tin của người dân; củng cố các trạm, đội y tế lưu động hoạt động thực chất, phân công công việc rõ ràng, trách nhiệm, hiệu quả; phối hợp nhịp nhàng trong việc chuyển tuyến các F0 điều trị tại nhà khi bệnh có diễn tiến nặng để hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong. Ngành y tế cần chủ động, nhanh chóng điều trị bằng thuốc đặc trị Molnupiravir cho F0 tại nhà để rút ngắn thời gian điều trị, bệnh nhân sớm khỏi bệnh, giảm áp lực cho ngành y tế và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Cũng do nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế cơ sở còn nhiều hạn chế nên một số tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau hạn chế số lượng F0 điều trị tại nhà, chưa triển khai trên toàn tỉnh dù số ca F0 ngày càng tăng cao.

Để có thể điều trị F0 tại nhà hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Nguyễn Minh Luân yêu cầu ngành y tế và các địa phương trong tỉnh phải cấp thuốc uống cho người bệnh điều trị tại nhà nhanh chóng, kịp thời; thường xuyên thăm hỏi, động viên, để có biện pháp điều trị, hướng dẫn kịp thời, phù hợp. Trong tình hình F0 điều trị tại nhà có khả năng tăng cao thời gian tới, trong khi chờ bổ sung thêm nhân lực thì lực lượng y tế cơ sở và tình nguyện viên tăng thêm thời gian làm việc. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến chính sách hỗ trợ, động viên tinh thần đối với đội ngũ y tế, nhất là đội ngũ tình nguyện viên; bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, không bỏ sót chế độ theo quy định.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Lê Quốc Phong đề nghị các địa phương trong tỉnh không nên lo sợ quá mức mà không triển khai điều trị F0 tại nhà vì số lượng F0 có thể sẽ còn tăng cao trong thời gian tới và đây là biện pháp thích ứng linh hoạt với dịch bệnh trong giai đoạn này. Khi điều trị F0 tại nhà, ngành y tế, các địa phương chủ động phối hợp tốt, cấp phát thuốc, tư vấn, hướng dẫn kịp thời; thường xuyên theo dõi sức khỏe người bệnh, tuyệt đối không để người dân chuyển bệnh nặng mà không được cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời dẫn đến tử vong và gia tăng áp lực cho tuyến trên.

Theo TÂM DŨNG và TÙNG NGHĨA (Nhân Dân)