Tiền Giang: Gương sáng cựu chiến binh

10/04/2023 - 14:28

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, các cựu chiến binh (CCB) luôn phát huy tinh thần trách nhiệm cao và đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua của địa phương.

A A

CCB ĐOÀN CÔNG TRỰC  -  TÍCH CỰC THAM GIA CÔNG TÁC HỘI

CCB Đoàn Công Trực từng nhập ngũ vào năm 1980, đến năm 1984 xuất ngũ, trở về địa phương. Ở cương vị là Chủ tịch Hội CCB xã Phú kiết, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), ông Trực luôn là “lá cờ đầu” trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời ông còn tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể xã thông qua các phong trào, các cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền địa phương phát động. Bên cạnh đó, ông Trực còn dành nhiều sự quan tâm, chăm lo đến đời sống của hội viên. Khi có thời gian rảnh, ông thường xuyên ghé thăm, chia sẻ, động viên những gia đình hội viên còn khó khăn về kinh tế.

CCB Đoàn Công Trực tặng quà cho gia đình khó khăn tại địa phương.

Phát huy tính gương mẫu, trách nhiệm, ông và tập thể Hội CCB xã cùng sự đồng tình tham gia của người dân địa phương đã thực hiện có hiệu quả các phong trào ở địa phương về xây dựng đường bê tông, tuyến đường ánh sáng an ninh, vận động bảo vệ trường... góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã. Ngoài nhiệm vụ công tác Hội CCB xã, ông còn được cấp ủy, chính quyền tin tưởng và giao giữ nhiều chức vụ tại địa phương như: Chủ tịch Chi hội Sinh vật, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

CCB NGUYỄN VĂN BÉ - VƯỢT KHÓ LÀM GIÀU

Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Văn Bé được biết đến là người cần cù, chịu khó lao động để vươn lên thoát nghèo, luôn tiên phong giúp đỡ những hội viên, người dân trong ấp khi gặp khó khăn.

CCB Nguyễn Văn Bé chăm sóc thanh long.

Ông Bé nhập ngũ vào năm 1975 đến năm 1980 thì xuất ngũ, trở về địa phương. Năm 2013, ông Bé đã mạnh dạn cải tạo đất, chuyển đổi sang mô hình trồng thanh long, bắt đầu từ trồng thanh long ruột trắng, sau đó chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Từ 2,5 công đất, gia đình tôi tích lũy, vay vốn mua thêm, đến nay là 7,5 công đất đều trồng thanh long ruột đỏ. Nhờ trồng thanh long ruột đỏ mà gia đình tôi có thu nhập ổn định, nhà được xây dựng khang trang hơn, cuộc sống sung túc hơn” - ông Bé chia sẻ.

Nhiều năm qua, bên cạnh việc tích cực lao động sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Bé còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và công tác Hội CCB tại địa phương. Với trách nhiệm của mình, ông không chỉ tuyên truyền vận động hội viên giữ vững tinh thần đoàn kết, tham gia có hiệu quả các phong trào do Chi hội, Hội CCB cấp trên phát động, mà còn tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương để kịp thời giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất... giúp họ ổn định cuộc sống; đồng thời ông còn phối hợp các hội, đoàn thể ở xã vận động các nhà hảo tâm thực hiện các phong trào an sinh xã hội, hỗ trợ xây dựng lan can cầu, lắp đặt đèn chiếu sáng, giúp đỡ cặp sách cho học sinh nghèo đến trường…

Theo Báo Ấp Bắc