Tiền Giang: Phát triển kinh tế tập thể ổn định, bền vững

12/08/2022 - 16:25

Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang và sự nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, KTTT mà nòng cốt là HTX từng bước phát triển ổn định và bền vững, có sự chuyển biến khá rõ về nhận thức và hiệu quả hoạt động.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 254 HTX. Trong 7 tháng đầu năm 2022, có 13 HTX thành lập mới (trong đó có 10 HTX nông nghiệp, 3 HTX vận tải). Các HTX đã thu hút 86.626 thành viên tham gia, bình quân 341 thành viên/HTX, tạo việc làm thường xuyên cho 30.852 lao động, bình quân 121 lao động/HTX.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ HTX

Với phương thức hoạt động bước đầu đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường, các HTX đã từng bước khẳng định là nhân tố góp phần bảo đảm ổn định chính trị, giữ gìn trật tự trị an ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, tạo lòng tin, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Vị trí, vai trò của KTTT, nòng cốt là các HTX kiểu mới dần được xã hội thừa nhận, đạt được nhiều kết quả khả quan và có nhiều mô hình điển hình trên các lĩnh vực.

Ký kết Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang với Công ty TNHH Sản xuất trái cây Hùng Phát - Andros Asia.

Về kinh tế, hoạt động của các HTX thực sự có tác động thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết, hợp tác giữa các hộ thành viên trong HTX và thành viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa khác. Điều này góp phần tăng sản lượng hàng hóa nông nghiệp, thủy sản. Tổng vốn hoạt động của HTX trên 6.500 tỷ đồng, bình quân 25,7 tỷ đồng/HTX, tổng doanh thu 7 tháng đầu năm 2022 gần 1.700 tỷ đồng, bình quân 6,66 tỷ đồng/HTX, tổng lợi nhuận đạt trên 30 tỷ đồng, bình quân 120 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân khoảng 66 triệu đồng/người/năm. Về xã hội, các HTX đã tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Trong 7 tháng đầu năm, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị tập trung triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX. Trong đó, đơn vị đã tổ chức 10 lớp tuyên truyền Luật HTX ở các huyện, thành, thị, những chủ trương, chính sách về KTTT, HTX cho cán bộ cấp huyện, xã, các HTX, THT. Thực hiện 12 Chuyên mục truyền hình “HTX trên đường phát triển”, 5 kỳ Chuyên mục “Chung tay xây dựng HTX” trên Báo Ấp Bắc.

Tổ chức 3 lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, điều hành HTX, tư vấn hỗ trợ thành lập mới cho 13 HTX, giới thiệu cho hơn 25 HTX liên kết với các doanh nghiệp trong cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Liên kết với Công ty Andros Asia xây dựng vùng nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho 2 HTX vay vốn Quỹ Đầu tư và Phát triển (nguồn vốn hỗ trợ phát triển HTX) số tiền 3,49 tỷ đồng, hỗ trợ HTX nông nghiệp được thuê đất công làm trụ sở, văn phòng làm việc…

MỘT SỐ MÔ HÌNH HTX THÀNH CÔNG

Thực tế, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được nhiều mô hình HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới. Cụ thể, HTX Rạch Gầm (phường 1, TP. Mỹ Tho) là HTX vận tải điển hình tiên tiến toàn quốc. HTX có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn với 199 thành viên, 755 cán bộ, nhân viên, người lao động. Tổng tài sản cố định của HTX gần 650 tỷ đồng, tổng vốn hoạt động gần 690 tỷ đồng. Các cơ sở của HTX đều hoạt động có hiệu quả, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Doanh thu 7 tháng đầu năm 2022 đạt 60,85 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 424 triệu đồng.

Hay HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1 - TP. Mỹ Tho với 122 thành viên. HTX có 5 cửa hàng bán lẻ, đại lý phân phối cho 24 công ty, nhà sản xuất, mặt bằng kinh doanh cũng dần được mở rộng theo nhu cầu từng thời điểm. HTX tích cực thực hiện phân phối hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Trong 7 tháng doanh thu của HTX đạt hơn 500 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 1 tỷ đồng.

Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Tân Hiệp (TT. Tân Hiệp, huyện Châu Thành) là một trong những QTDND điển hình tiên tiến của tỉnh. Đơn vị có 1.149 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động trên 172 tỷ đồng, trong đó vốn huy động là 150 tỷ đồng, dư nợ đạt 120 tỷ đồng. Ngoài các sản phẩm cho vay truyền thống, QTDND đã mạnh dạn mở rộng cho vay theo chương trình hỗ trợ người có thu nhập thấp, công nhân các khu, cụm công nghiệp, người dân, hộ sản xuất, kinh doanh thiếu vốn…

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng xây dựng được một số mô hình HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) với mô hình liên kết tiêu thụ lúa. HTX có 520 thành viên, hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản cho thành viên và bà con nông dân trong và ngoài xã Hậu Mỹ Trinh, dịch vụ sấy, trữ và cho thuê kho trữ lúa gắn với khai thác và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Hay HTX Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) nổi bật với mô hình liên kết tiêu thụ trái cây. Hiện HTX có 100 thành viên tham gia. HTX đã thực hiện ký kết hợp đồng trực tiếp với các đối tác nước ngoài và xuất khẩu trực tiếp hàng hóa. Đồng thời, hướng dẫn thành viên sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ký kết tiêu thụ trái thanh long với thành viên HTX với mức giá sàn là 10.000 đồng/kg (đối với thanh long ruột trắng). Tùy theo tình hình giá cả thị trường, HTX sẽ thu mua cao hơn thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH PHÁT TRIỂN KTTT

Theo Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, mục tiêu đến cuối năm 2022, toàn tỉnh phát triển mới khoảng 6 HTX, giải thể 4 HTX; tăng số lượng lên 254 HTX, đạt 102,85% kế hoạch năm. Tổng số lượng 87.301 thành viên, đạt 100% kế hoạch; giải quyết việc làm thường xuyên cho 30.634 lao động, đạt 100% kế hoạch; thu nhập bình quân người lao động làm việc trong HTX đạt 72 triệu đồng/người/năm, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Tổng doanh thu các HTX đạt trên 2.600 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 47,5 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; số HTX khá, giỏi đạt 65% tổng số HTX, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Bên cạnh đó, xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương.

Để đạt mục tiêu này, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung, như: Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; Luật HTX và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển KTTT, HTX.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh sẽ triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển HTX theo các Quyết định 1804, 167 của Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thành lập mới, củng cố các HTX, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận vốn vay ưu đãi… Đồng thời, thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt những khó khăn, kiến nghị, đề xuất của các HTX và kiến nghị các ngành, UBND tỉnh tháo gỡ kịp thời nhằm giúp cho HTX phát triển ổn định, bền vững.

Theo Báo Ấp Bắc