Trà Vinh: Ứng phó khô hạn, mặn xâm nhập

28/12/2021 - 13:38

Mùa khô năm 2021 - 2022, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động triển khai các đơn vị và địa phương trong việc đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trà Vinh cho biết: thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai các đơn vị và địa phương trong việc đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; xây dựng các kịch bản về ứng phó thiên tai theo các cấp độ khác nhau. Qua đó, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân. 

Tuyến kênh cấp II (xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang) được khơi dòng, góp phần trữ ngọt, phục vụ sản xuất trong ứng phó khô hạn, mặn xâm nhập. 

Bên cạnh ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi sớm đưa vào vận hành, đảm bảo nguồn nước và trữ ngọt trong nội đồng. Cùng với đó, các giải pháp phi công trình như hoàn thành việc xuống giống dứt điểm vụ lúa đông - xuân trong tháng 12/2021; tổ chức trục vớt lục bình khơi thông dòng chảy và trữ nước trên các tuyến kênh; thực hiện quan trắc nguồn nước trên các kênh rạch chính, tại vị trí các cống đầu mối và trong nội đồng để vận hành hợp lý các cống đầu mối, cống nội đồng theo hướng tích ngọt dần đảm bảo mực nước ngọt đệm trong nội đồng (đạt cao trình > +0,5m), trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực…

Theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong vụ đông - xuân năm 2021 - 2022, lúa đông - xuân có diện tích sản xuất gieo trồng 53.931ha. Tập trung vào 02 đợt chính: đợt 01, xuống giống từ ngày 15 - 30/11 với diện tích 5.496ha (Cầu Kè 2.080ha, Tiểu Cần 1.080ha, Châu Thành 2.336ha); đợt 02: xuống giống từ ngày 05 - 30/12 với diện tích 48.435ha (Càng Long 11.000ha, Cầu Kè 5.966ha, Tiểu Cần 10.390ha, Châu Thành 9.479ha, Trà Cú 11.000ha và thành phố Trà Vinh 600ha). Diện tích màu năm 2022 gieo trồng 52.900ha: màu lương thực 6.300ha, màu thực phẩm 32.400ha; cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác 14.200ha; riêng màu sản xuất mùa khô (đông - xuân) chiếm trên 60% diện tích.

Ghi nhận về công tác ứng phó khô hạn, mặn xâm nhập năm 2022 trên địa bàn huyện Trà Cú, Cầu Kè… trong những ngày đầu tháng 12/2021, các địa phương đã tích cực trong việc chỉ đạo hoàn thành các công trình nạo vét kênh thủy lợi phục vụ cho việc trữ ngọt, khơi thông dòng chảy và triển khai các điểm cập nhật thông tin độ mặn tại các cống lấy nước vào nội đồng (ven tuyến đê bao 915, huyện Cầu Kè - Tiểu Cần)…

Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam: năm nay, trong điều kiện xâm nhập mặn diễn ra sớm, sẽ có ít nước tự nhiên để sản xuất hơn. Việc này cũng tương tự như năm 2016, một năm hạn mặn rất nghiêm trọng. Dự báo, xâm nhập mặn sẽ xảy ra vào những ngày cuối năm 2021, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất vụ đông - xuân 2021 - 2022.

Mùa khô năm 2021 - 2022 mặn xâm nhập sớm và có thể diễn biến bất thường, vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long: tháng 12 mặn có thể vào sâu 20 - 30km vùng cửa sông. Từ tháng 01 - 02 mặn vào sâu 50 - 65km và cuối tháng 3 mặn có thể xâm nhập ở mức 45 - 60km.

Theo ông Phạm Văn Kha, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè: địa phương đang bắt tay triển khai công tác thủy lợi năm 2022, với 31 công trình, tổng chiều dài 32,463km (trong đó: 22 kênh thủy lợi nội đồng, dài: 25,09km; nâng cấp 01 tuyến bờ bao, dài 0,75km; gia cố khắc phục 08 đoạn sạt lở bờ bao, dài 0,245km). Ước tổng mức đầu tư 4,265 tỷ đồng. Qua đó, đảm bảo nước tưới tiêu, ngăn mặn, trữ ngọt, ứng phó triều cường phục vụ sản xuất cho 3.796ha đất nông nghiệp (1.850ha đất trồng lúa và 1.946ha đất trồng cây ăn trái) của 2.937 hộ.

Còn tại huyện Trà Cú, trong năm 2021 đã triển khai nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hơn 11,34 tỷ đồng để thi công đào mới, nạo vét 115 kênh thủy lợi nội đồng, dài 114,595km; nâng cấp và gia cố sạt lở 59 công trình bờ bao, dài 7,384km và lắp 16 cống, bọng phục vụ sản xuất.

Theo ông Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Cú: để thực hiện các giải pháp ứng phó trong phòng, chống khô hạn, mặn xâm nhập năm 2022 và đảm bảo nguồn nước ngọt trong sản xuất, huyện đã triển khai 108 hạng mục công trình thủy lợi, dài 96,082km, tổng mức đầu tư 16,513 tỷ đồng (Nhân dân đóng góp 2,882 tỷ đồng; ngân sách Nhà nước hỗ trợ 13,631 tỷ đồng).

Cũng theo ông Phạm Minh Truyền, do điều kiện hàng năm tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của tác động biến đổi khí hậu, thường gây sạt lở bờ biển, bờ sông rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Do đó, xây dựng kè bờ biển khoảng 10km, tỉnh cần có nguồn kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng và đang kiến nghị xin Bộ NN-PTNT.

Đồng thời đề nghị Trung ương bổ sung dự án hạ tầng hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé (huyện Càng Long) để đảm bảo an ninh nguồn nước tại các huyện: Càng Long, Châu Thành và thành phố Trà Vinh vào quy hoạch của Bộ NN-PTNT (giai đoạn 2021 - 2025) với tổng mức kinh phí đầu tư 2.864 tỷ đồng.

Theo Báo Trà Vinh