Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa...

09/08/2018 - 09:20

Trận Mộc Hóa gắn liền với tên tuổi Tiểu đoàn 307 - tiểu đoàn cơ động đầu tiên ở Nam bộ và bài hát Tiểu đoàn 307 (nhạc Nguyễn Hữu Trí phổ thơ Nguyễn Bính) cùng bộ phim tư liệu Tiểu đoàn 307 được thực hiện ngay tại trận đánh, mở đầu cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam mà ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đã dựng bia lưu niệm.

Quân Pháp bị ta bắt sống tại trận Mộc Hóa

Có lẽ, ai cũng từng nghe qua giai điệu sôi nổi, hùng tráng Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang/ Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy/ Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng Tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy/ Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy/ Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng/ Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi... Trong một cuộc “trà dư tửu hậu” với mấy cụ (cao nhất 98 tuổi, thấp nhất cũng đã 84 tuổi) ở ấp Bình Tây, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường bên bờ kênh Bắc Chan, tôi lại nghe các cụ cựu kháng chiến ấy hát Tiểu đoàn 307 trước khi kể những mẩu chuyện và giai thoại về “trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa” mà các cụ từng là nhân chứng khi còn trai trẻ. Các cụ hết lời tán tụng tướng Trần Văn Trà và các vị trong Bộ Tư lệnh Khu 8 đóng tại nhà cụ Nguyễn Văn Bửu, ngôi nhà mà chúng tôi đang ở chơi. Các cụ đều biết Tiểu đoàn 307 được thành lập tại tỉnh Bến Tre, gồm người của Khu 8 và người của một đơn vị bộ đội chủ lực tỉnh Bến Tre hợp thành. Ngày 05-7-1948, tiểu đoàn làm lễ xuất quân. “Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy/ Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng/ ... Nguyện một lòng gìn giữ non sông”...

Cụ Tám Tôi (85 tuổi) nhớ lại: “Bữa đó, bọn tui thấy trong đám tràm lớn của ông Võ Văn Trượng ở xóm này có nhiều ghe xuồng và bộ đội tập kết. Bà con xì xầm sắp có đánh lớn. Mong Bộ đội Cụ Hồ nện cho mấy thằng Tây “ngoẻo cổ” hết, chớ để nhà dân ở đây năm nào cũng bị bọn Tây đốt đôi ba bận. Hồi đó, ấp này tên Ngọn Mên, sau đổi tên ấp Bình Tây, chỉ chừng 50-60 nóc nhà rải rác trong bưng sâu. Gần nửa đêm, nghe súng nổ đùng đùng, rồi càng lúc súng càng nổ gắt, nổ dồn cho tới gần sáng. Sáng ra, tụi tui nghe nói quân ta bắt sống cả lũ lính Pháp, liền chèo xuồng đi coi. Tới nơi, thấy một tốp lính Tây thằng nào cũng mình trần, quần soọc, giơ hai tay lên khỏi đầu. ““Tây nó đầu hàng cả lũ, bây ơi!” - có người nhảy cỡn, hét lên vì quá sướng” - cụ Tôi cười, rồi tiếp: “Sau trận đó, anh em tụi tui lần lượt đi vào hàng ngũ cách mạng để “bình Tây!””.

Theo tư liệu, trận Mộc Hóa diễn ra từ đêm 16 rạng 17-8-1948, do Tiểu đoàn 307 của Khu 8 phối hợp dân quân Mộc Hóa, nay là thị xã Kiến Tường, tiến đánh, tiêu diệt tại đồn 25 tên, bị thương 2, bắt sống 6, trong đó có tên Đồn trưởng, Trung úy Louis Bertrand. Đồng thời, ta chặn đánh làm thiệt hại nặng một tiểu đoàn lính Pháp khi chúng từ hướng cầu Sư Đạo (Campuchia) kéo sang để chi viện cho đồn Mộc Hóa. Lịch sử cũng ghi trận Mộc Hóa là trận có sức động viên lớn tinh thần tự tin quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta với giặc Pháp. Trận Mộc Hóa còn mở đầu nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Diễn biến trận đánh đã được thu vào ống kính một cách tự nhiên, chân thực qua nghệ sĩ - chiến sĩ Mai Lộc vác máy xông vào lửa đạn để quay từng thước phim nóng bỏng chiến sự. Ta biết, lúc bấy giờ, điện ảnh còn manh nha, mọi thứ đều phải mua, kể cả hóa chất để tráng phim, chỉ Sài Gòn mới có mà Sài Gòn là nơi bị giặc Pháp tạm chiếm đóng nên bận đi, bận về đều rất khó khăn khi vượt qua các chốt kiểm soát của giặc. Tới phần tráng phim, kỹ thuật phòng tối, hậu kỳ,... thì qua tay nghệ sĩ Khương Mễ. Phải thuê chiếc ghe lớn để bố trí phòng tối, chèo ra sông Tiền tìm chỗ khuất để thực hiện các công đoạn kỹ thuật điện ảnh,... Mới đây, tôi có đọc một bài phỏng vấn cụ NSND Khương Mễ (trên 90 tuổi), thấy cái khó làm “ló” bao nhiêu cái khôn đầy sáng tạo của cụ Mễ và nhóm làm bộ phim tư liệu này. Bộ phim kịp chiếu phục vụ quân và dân dự lễ thụ phong hàm Trung tướng cho Tư lệnh Nam bộ - Nguyễn Bình tổ chức trên bờ kênh Dương Văn Dương, xã Nhơn Hòa Lập (huyện Tân Thạnh).

Các cụ thay nhau kể chuyện lễ thụ phong Trung tướng Nguyễn Bình. Dưới kênh thì ghe xuồng từng dãy dài “đông chưa từng thấy”, trong đó có cả sinh viên, học sinh, thầy giáo, nhân sĩ trí thức từ Sài Gòn lội bưng sình đến “kiến kỳ hình” vị tướng huyền thoại của Nam bộ. Đồng thời xem bộ phim tư liệu đầu tiên “nóng bỏng chiến sự” trận Mộc Hóa, tiếp đó là vở kịch do thi sĩ Nguyễn Bính vừa viết xong và thủ vai anh lính Cụ Hồ ra trận. Nhà văn nổi tiếng đất phương Nam - Đoàn Giỏi đóng vai cô nữ cứu thương mà ai xem cũng tưởng là một trang “tuyệt sắc giai nhân”.

Trận này, ta thu được nhiều súng ống, đạn dược của Pháp (Ảnh tư liệu)

Nguyễn Bính là thi sĩ “lang bạt kỳ hồ” từ Bắc “hành phương Nam”, lội tuốt vô bưng Đồng Tháp Mười khi Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ, tạo cảm hứng cho thi sĩ viết bài thơ Đồng Tháp Mười với những câu: “... Lửa uất hận bừng sôi cùng máu đỏ/ Mầm đấu tranh vút mọc với sao vàng”... nói về người dân Đồng Tháp Mười quật khởi đứng lên trong giông tố cách mạng, đạp đổ gông xiềng nô lệ và “giành được chính quyền, gieo mùa hạnh phúc, xây nền tự do”... Rồi giặc Pháp quay lại. Hơn 3 năm sau ta đánh trận Mộc Hóa và chiến thắng giòn giã. Tư lệnh Khu 8 - Trần Văn Trà liền phát động sáng tác thi ca về “trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa” để động viên tinh thần quân dân Khu 8. Thế là Nguyễn Bính hưởng ứng, có ngay bài thơ Tiểu đoàn 307 đăng trên Báo Tổ quốc của Khu 8, gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí trích thơ, sáng tác ca khúc Tiểu đoàn 307 với giai điệu réo rắt, hùng hồn “... Đoàn quân lẻ bảy/ Kể từ hôm ấy/ Đánh đâu được đấy/ Oai hùng biết mấy”... nhịp theo bước quân hành của Tiểu đoàn 307 đang dọc ngang tìm giặc Pháp mà đánh trên khắp dải đất miền Tây Nam bộ. Tính từ khi thành lập (1948) đến kết thúc “trận Điện Biên chấn động địa cầu”, Tiểu đoàn 307 đã đánh thắng 110 trận lớn, nhỏ với quân Pháp.

Tròn 70 năm trôi qua, bài hát Tiểu đoàn 307 ra đời từ trận Mộc Hóa 17-8-1948 vẫn nóng hổi tính giáo dục lòng yêu nước của nó và có sức sống bền bỉ qua giai điệu hùng hồn mà ai cũng thích hát, thích nghe với một nhịp tim đồng điệu...

Theo Báo Long An