Khung cảnh này làm mọi người nhớ lại thời còn làm Giám đốc Sở Lâm nghiệp Minh Hải, ông Phạm Hữu Liêm đã dày công xây dựng Lâm viên 19/5, nay là Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phường 1, TP Cà Mau. Ý tưởng ông Liêm lúc đó là tái hiện khu rừng tràm U Minh và rừng đước Năm Căn, đồng thời sưu tầm các loài cây quý hiếm của Minh Hải để trồng thành một “Bảo tàng cây” như dâu Cái Tàu, nhãn Bạc Liêu; măng cụt, sầu riêng, sa pô... Bà Lê Thị Liễu còn tìm cách dẫn dụ chim về làm tổ để hình thành “Sân chim giữa lòng thành phố” như hiện nay. Tại Lâm viên thời điểm đó còn xây dựng Nhà sàn Bác Hồ nguyên mẫu từ Hà Nội để người Cà Mau có dịp tìm hiểu phong cách sống đơn sơ, giản dị, thanh cao của Bác.
Biểu tượng “Mở cõi” tại khu mộ thân tộc gia đình ông bà Phạm Hữu Liêm - Lê Thị Liễu. Ảnh: T.THĂM
Ðiều đặc biệt rất đáng quý trọng là phía trước khu mộ hiện nay có một khối đá lớn, khắc 2 câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi - Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Bên cạnh khối đá là biểu tượng những người mở cõi, đó là một chiếc xuồng be chín chở 3 người: một người ngồi bơi nơi trước mũi, một người ngồi giữa, một người đứng chống xuồng bằng sào nạng; trên xuồng còn có con chó và giỏ đựng đồ dùng...
Khi được hỏi xuất phát từ ý tưởng nào để hình thành mô hình độc đáo này, ông Liêm cho biết: Khi đọc bài “Chén cơm đồng bằng” của Nhà văn Phan Trung Nghĩa, ông thấy nhà văn có tầm nhìn sâu sắc về lịch sử vùng đất địa đầu Tổ quốc, trong khi có người chưa am hiểu tường tận quá khứ kiêu hùng của dân tộc ta. Phan Trung Nghĩa viết: “Tôi thấy người ta làm tượng cá ba sa ở An Giang, tượng con tôm ở Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu quê tôi chính quyền sắp dựng tượng 3 con tôm... tôi cứ thổn thức, đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là miệt Hậu Giang, còn thiếu một bức tượng trên tất cả các bức tượng ấy. Ðó là bức tượng đại biểu cho bao thế hệ tiền nhân tiên phong đi mở cõi để cho Tổ quốc ta thêm rộng, thêm dài...”.
Phải thừa nhận người viết quá hay và người đọc quá giỏi! Ðọc một bài viết để đầu tư làm một biểu tượng nhiều triệu đồng là điều không phải bất kỳ ai cũng làm được. Bây giờ không phải chỉ có thân tộc ông bà Phạm Hữu Liêm - Lê Thị Liễu cũng như bà con xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau am hiểu quá khứ mấy trăm năm của cha ông ta, mà tất cả chúng ta cứ mỗi lần đọc 2 câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ đều cảm thấy quá trình đổ mồ hôi và cả máu nữa của ông cha. Ðó là quá trình khai hoang vùng đất Nam Bộ, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với thú dữ và bệnh tật, đồng thời chống cả bọn cường hào, ác bá, bọn cướp và bán nước. Biết bao máu đổ, đầu rơi, thây phơi chồng chất...
Ông bà Phạm Hữu Liêm - Lê Thị Liễu rất tâm huyết với công trình mang ý nghĩa lưu dấu thời khai hoang mở đất tại Cà Mau. Ảnh: TRANG THĂM
Mỗi lần chiêm ngưỡng một mô hình, một biểu tượng, một tượng đài, một công trình nghệ thuật, có lòng ai không trào dâng niềm hoài cảm bao la? Bởi nơi đó như có linh hồn, như có âm ba quá khứ vọng về. Nơi đó nhắc nhở mọi người không bao giờ lãng quên tiên tổ, những con người từng xông pha trên mọi lĩnh vực để con cháu có được ngày hôm nay huy hoàng và hãnh diện!
Dù không phải là nghệ sĩ tạc tượng nhưng vợ chồng ông Phạm Hữu Liêm đã khắc hoạ vào quê hương, xứ sở mình các công trình mang dấu ấn lịch sử, giúp nhiều thế hệ hôm nay và mai sau thêm kiến thức tốt đẹp và bổ ích.
Chúng ta mong chờ quê hương Cà Mau có thêm những biểu tượng mới, giúp nhiều thế hệ hiện tại và tương lai cảm nhận sâu xa quá khứ tuyệt vời của ông cha ta, của biết bao đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống để chúng ta có được độc lập, tự do, yên vui và hạnh phúc./.
Theo Báo Cà Mau