Vĩnh Long: Đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển thị trường việc làm

25/06/2024 - 10:03

Hơn 15.700 việc làm (VL) mới được giải quyết cho người lao động (LĐ) qua 6 tháng đầu năm, gồm trong và ngoài nước; hàng ngàn LĐ nông thôn được đào tạo nghề… là dấu hiệu cho thấy thị trường LĐ, VL tiếp tục duy trì và phát triển.

Người lao động có tay nghề đan thảm/giỏ từ cọng lục bình, ở xã Phú Thịnh.

6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ VL tỉnh Vĩnh Long đã tiếp nhận 5.400 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người LĐ.

Trong đó, có 1.600 hồ sơ do LĐ thất nghiệp từ các công ty ngoài tỉnh về đăng ký hưởng, còn lại 3.800 hồ sơ từ người LĐ nghỉ việc ở các công ty trong tỉnh (chủ yếu ở các khu công nghiệp trên địa bàn).

Kết quả giải quyết, trung tâm đã trình cơ quan thẩm quyền ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 5.000 LĐ; đồng thời hỗ trợ học nghề cho trên 700 người thất nghiệp.

Theo ghi nhận của trung tâm, số lượng người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2023.

Đây cũng là dấu hiệu phục hồi nền kinh tế, người LĐ có được VL ổn định hơn và ít thất nghiệp hơn so với năm trước; công ty, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng, tỷ lệ biến động LĐ nhìn chung rất thấp.

6 tháng qua đã có 12 phiên giao dịch VL và ngày hội VL được tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ VL và các huyện.

Hoạt động thu hút trên 4.600 người LĐ và 156 đơn vị tham gia (gồm có 99 doanh nghiệp tuyển dụng trong nước, 44 doanh nghiệp đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, 13 cơ sở đào tạo và các trường) tham gia.

Qua đây giúp kết nối thông tin thị trường LĐ, VL giữa công ty, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với người LĐ, học sinh, sinh viên... góp phần đảm bảo cung cầu LĐ.

Hàng ngàn VL đã được giải quyết thông qua các hoạt động trên, đóng góp chung vào tổng số giải quyết VL mới cho trên 15.700 LĐ toàn tỉnh (đạt 78,51%); trong đó gồm đưa được 886 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 52,12%).

Công tác này đã và đang được đẩy mạnh hơn. Hồi tháng 5, anh Nguyễn Văn Toàn (ngụ huyện Tam Bình) đến một sự kiện VL, chia sẻ đã được tư vấn tận tình về các cơ hội VL và các khóa học nghề phù hợp với mình.

“Tôi đã đăng ký học nghề sửa chữa máy may công nghiệp, vì thấy đây là một nghề phù hợp với nhu cầu. Tôi mong khi hoàn thành khóa học sẽ tìm VL và có thu nhập ổn định”- anh Toàn nói.

Sở Lao động-TB-XH cho biết 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho trên 17.800 người; trong đó đào tạo dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên chiếm đa số với gần 16.600 người (bao gồm đã tổ chức 95 lớp đào tạo nghề cho người LĐ theo chính sách hỗ trợ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng cho 2.145 học viên, LĐ nông thôn).

Bằng cách trang bị cho mình một tay nghề, người LĐ có cơ hội tốt hơn để bước vào thị trường LĐ, VL. Em Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 2003, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) vừa hoàn thành lớp nghề vận hành xe nâng hàng tại Trung tâm Dịch vụ VL, khóa 1 năm nay.

Với chứng nhận nghề, nam thanh niên vừa qua 20 tuổi tự tin tìm kiếm một công việc vì “nghe anh chị đi trước nói nhu cầu nghề vận hành xe nâng hiện nay có khá nhiều”.

6 tháng tới, toàn tỉnh kế hoạch sẽ tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 17.500 người; trong đó gồm mở các lớp đào tạo nghề cho khoảng 2.700 người theo chính sách hỗ trợ đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người LĐ.

Lĩnh vực LĐ, VL, Sở Lao động-TB-XH và các địa phương tiếp tục tuyên truyền, kết nối thông tin thị trường LĐ, VL; đẩy mạnh công tác kết nối cung- cầu LĐ, kết nối với các doanh nghiệp để đưa LĐ hưởng trợ cấp nghiệp trở lại thị trường.

Vốn tín dụng chính sách và các chương trình, đề án kịp thời hỗ trợ người LĐ

Báo cáo 6 tháng, cơ quan chức năng cho biết đã có 4.387 người LĐ vay vốn giải quyết VL, với số tiền gần 244 tỷ đồng. Trong đó, vốn cho vay hỗ trợ người LĐ đi làm việc ở nước ngoài là hơn 10,1 tỷ đồng, 139 LĐ; còn lại là nguồn vốn từ các chương trình, đề án cho vay giải quyết VL, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, Quỹ Quốc gia về VL theo Nghị định số 61... với hàng ngàn LĐ thụ hưởng.

Theo MINH THÁI (Báo Vĩnh Long)