Vĩnh Long nhớ bác Hai

09/06/2022 - 09:53

Bác Hai là cách gọi thân thương của người dân huyện Long Hồ nói riêng, tỉnh Vĩnh Long nói chung dành cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Tình cảm thân thương ấy càng thể hiện sâu sắc hơn vào dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của ông.

A A

Trường THPT Phạm Hùng ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long

“Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11-6-1912 - 11-6-2022)”, là khẩu hiệu trên panô 2 mặt lớn đặt ngay cầu Mỹ Thuận, được tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị từ nhiều ngày qua. Cũng nhằm chuẩn bị chu đáo cho dịp kỷ niệm này, ngoài việc tu sửa chỉnh trang khu tưởng niệm, nhà thờ đồng chí Phạm Hùng, tỉnh Vĩnh Long còn thực hiện rất nhiều chương trình ý nghĩa, phong trào thi đua, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Săn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, cho biết, sẽ có nhiều hoạt động thiết thực như: nói chuyện, tọa đàm, hội thảo, triển lãm hình ảnh, tư liệu hiện vật về Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; các ngành chức năng cũng tổ chức thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp nhằm giúp người dân Vĩnh Long hiểu biết nhiều hơn về cuộc đời, công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; khẳng định những đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long.

Tại huyện Long Hồ, công trình nâng cấp mở rộng cầu Long Phước trị giá hơn 7,2 tỷ đồng là một trong những công trình kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Cây cầu được nâng cấp mở rộng với chiều dài 36m, chiều rộng thông xe 7m, tải trọng 15 tấn, rất có ý nghĩa đối với đời sống dân sinh, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ngoài ra, những công trình khác cũng đang được hoàn thành, như nâng cấp mở rộng Trường THPT Phạm Hùng, thực hiện đường D1 ở thị trấn Long Hồ, chỉnh trang tu bổ các công trình mang tên Phạm Hùng (như Trường Chính trị Phạm Hùng, đường Phạm Hùng).

Với 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã nêu tấm gương mẫu mực về sự kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí Phạm Hùng đã góp phần bồi đắp, tô đẹp thêm truyền thống cách mạng của quê hương Vĩnh Long.

Tiếp nối truyền thống yêu nước của các nhà cách mạng nói chung và bác Hai Phạm Hùng nói riêng, thời gian qua, Đảng bộ, nhân dân huyện Long Hồ đã chung sức, đồng lòng kiến thiết quê hương, biến miền quê đầy gian khó ngày nào trở nên khang trang, trù phú. Với sự đầu tư cho hạ tầng, đến nay nhiều tuyến đê bao được xây dựng ở các xã cù lao như Hòa Ninh, An Bình, Bình Hòa Phước... đáp ứng mong đợi của người dân về hệ thống giao thông thuận lợi và bảo vệ vườn cây ăn trái, không còn bị ngập mỗi khi triều cường như trước đây.
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, cho biết, công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả quan trọng; trong đó xã Long Phước (quê hương bác Hai Phạm Hùng) giờ là xã nông thôn mới nâng cao. Hiện toàn huyện có 9/15 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Thương mại dịch vụ của huyện cũng không ngừng phát triển, mạng lưới phân phối, bán lẻ hàng hóa mở rộng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; công tác xã hội hóa được thực hiện tốt, nguồn lực nhân dân trong xây dựng cầu, đường, đèn đường, camera an ninh được phát huy, góp phần tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn.

Nâng cao truyền thống quê hương, thời gian tới, huyện Long Hồ sẽ tập trung mọi nguồn lực xây dựng, phát triển toàn diện. Trong đó, sẽ đề ra những giải pháp cụ thể như ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiểm soát dịch bệnh, chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, xâm nhập mặn tại các xã cù lao; tiếp tục khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông - thủy sản; phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ phục vụ khu, tuyến công nghiệp của tỉnh và dịch vụ phục vụ nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch của huyện; xúc tiến mời gọi tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa phương; giữ vững và phát triển các mặt hàng truyền thống của địa phương như chế biến gạo, gạch, gốm, cơ khí, đan lát…

Cũng theo bà Phan Thị Mỹ Hạnh, tính đến cuối tháng 5-2022, trên địa bàn huyện Long Hồ có 99,95% hộ sử dụng điện; gần 100% hộ sử dụng nước máy; 100% trạm y tế đạt chuẩn; 92% hộ dân có nhà ở kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,97%; hộ cận nghèo giảm xuống còn 3,04%. “Kế thừa truyền thống cách mạng, cán bộ, công chức và người dân huyện Long Hồ tiếp tục nêu cao ý chí phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy tính năng động, sáng tạo, ra sức xây dựng quê hương Long Hồ ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng”, bà Hạnh bộc bạch.

Theo NGỌC PHÚC (Sài Gòn Giải Phóng)