Xuân bình dị trên cù lao Ông Hổ

08/02/2021 - 09:15

 - Nằm cách trung tâm TP. Long Xuyên (An Giang) chỉ một nhánh sông Hậu nhưng xã Mỹ Hòa Hưng - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng - gần như hoàn toàn tách khỏi nhịp sống đô thị. Cù lao Ông Hổ đón khách bằng chính nét mộc mạc, chân quê, bình dị của người dân miền sông nước.

Khung cảnh thanh bình

Chỉ mất hơn 10 phút trên chuyến phà Trà Ôn, du khách đã hoàn tất di chuyển từ phường Bình Khánh, nơi nhịp sống đô thị đang phát triển năng động, sang cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), nơi còn giữ nhịp sống thanh bình của làng quê Nam Bộ khi xưa. Cặp bên trái phà Trà Ôn là tuyến đường bê-tông chạy dọc theo sông Hậu, dẫn lên địa điểm nổi tiếng chùa Ông Hổ cũng như làng bè nuôi cá quy mô lớn phía đầu cồn Mỹ Hòa Hưng - nơi con sông Hậu tẻ thành 2 dòng “ôm” lấy cù lao Ông Hổ vào lòng.

“Check-in” trên làng bè Mỹ Hòa Hưng

Trên tuyến đường bê-tông chạy dọc theo sông Hậu, có những ngôi nhà sàn gỗ lợp ngói đỏ, phía trước chừa khoảnh sân rộng, trước và sau nhà trồng cây ăn trái, mang đậm nét đặc thù miền Tây. Đây cũng là nơi thu hút khách du lịch (DL) trải nghiệm theo mô hình “homestay”. Anh Phan Thanh Phú, chủ điều hành dịch vụ du lịch “Nhà ngói xưa” (Homestay Services Mekong River) cho biết, để thu hút khách DL, đặc biệt là khách Tây và các nhóm du khách “phượt”, những nhà ngói chỉ cần giữ nguyên nét xưa, không cần phải xây vách tường, phòng nghỉ máy lạnh.

“Du khách đến với Mỹ Hòa Hưng là người ta cần không gian thanh bình, nét mộc mạc, chân quê. Trên nhà sàn gỗ, mình chỉ cần bố trí bộ bàn ghế gỗ, giường gỗ, mắc võng lên những cây cột gỗ kèm chiếc quạt máy là được. Cả ngày lẫn đêm, gió từ sông Hậu thổi vào nhà mát rượi, khách cứ thả cửa, giăng mùng ngủ, cảm giác thoải mái hơn ngủ phòng máy lạnh. Khách muốn ăn món gì, cứ đặt người dân xung quanh nấu, mang lại. Các món cá sông, tôm sông, ốc bươu, gà vườn, lươn, ếch… đều sẵn sàng phục vụ” - anh Phú thông tin.

Nướng cá tại chỗ

Tại làng bè nuôi cá ở đầu cù lao Ông Hổ, dịch vụ DL Homestay Services Mekong River còn liên kết với các đơn vị DL, lữ hành vận chuyển khách bằng du thuyền trên sông. Làng bè Mỹ Hòa Hưng là một trong những điểm cặp bến, dừng chân lý tưởng của du thuyền.

“Lên làng bè, du khách được trải nghiệm cảm giác kéo lưới bắt cá, tắm sông, tự tay làm món cá nướng trui và thưởng thức tại chỗ. Thường khi cặp bến làng bè, du thuyền sẽ dừng lại 1-2 ngày để du khách lên bờ, đi xe lôi dạo quanh cù lao Ông Hổ, thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ghé vào các vườn cây ăn trái… Buổi tối, du khách có thể giao lưu đờn ca tài tử với người dân, thưởng thức cháo đêm, nghỉ lại trên nhà sàn gỗ. Có những nhóm khách DL “phượt” bằng xe mô-tô, thích miền quê sông nước Mỹ Hòa Hưng, ở lại chơi đến mấy tuần” - anh Phú chia sẻ.

Hấp dẫn vườn cây ăn trái

Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều người ngại đi DL xa thì Mỹ Hòa Hưng là một chọn lựa tốt để gia đình, nhóm bạn quây quần đón xuân. Cùng với Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chùa Ông Hổ với đàn dơi quạ trú ngụ thường xuyên thì những bè cá, nhà ngói, đường quê, vườn cây ăn trái trĩu quả… là những địa điểm lý tưởng để “check-in” những tấm ảnh đẹp, khoe với mọi người dịp Tết.

Để phục vụ khách, những chủ vườn cây ăn trái nơi đây đã phát triển vườn nhà thành điểm DL, cho khách tự tay hái trái, thưởng thức tại chỗ hoặc mang về. Nếu khách có nhu cầu ăn uống, những chiếc “tum” nằm riêng biệt, len lỏi trong vườn cây hoặc thiết kế trên mặt hồ, mương nước tạo cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Khách được hòa mình vào thiên nhiên, tự do thưởng thức những món đặc sản miền sông nước, tạm quên những bộn bề trong cuộc sống, những ồn ào nơi phố thị.

Khách tham gia thu hoạch cá

Trên diện tích đất vườn nhà hơn 4.000m2, ông Lê Phước (ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng) đã phát triển thành điểm dừng chân mang tên “Táo Hồng”. Trên lối dẫn vào vườn cây, ông Phước khéo léo tạo bóng mát bằng giàn cây dâu tằm ăn, có trái xanh, trái đỏ và trái chín đen trông đẹp mắt. Tiếp theo là vườn sơ-ri rợp bóng với những trái sơ-ri to, đỏ bóng, nhìn thôi đã phát thèm. Với dâu tằm ăn và sơ-ri, khách thích cứ hái ăn thoải mái. Còn để tận tay hái táo và ổi, khách chỉ cần trả phí 30.000 đồng/người là được tặng chén muối ớt, tự do hái trái ăn thoải mái. Trong vườn táo, toàn bộ được bao phủ trong nhà lưới, từng lối vào đều có cửa đóng, mở cũng được che bằng lưới.

“Mục đích bao phủ lưới là nhằm ngăn côn trùng, ong chích trái cũng như bướm đẻ trứng tạo sâu. Mình không cần phun thuốc hóa học nhưng trái vẫn phát triển tốt, không sâu bệnh, đảm bảo an toàn cho khách hái ăn tại chỗ. Khách thích cứ hái trái mang về, để lên cân tính tiền (30.000 đồng/kg), đem trái cây sạch về dùng hoặc làm quà tặng người thân, hàng xóm” - ông Phước bộc bạch.

Trong khu DL sinh thái “Táo Hồng”, chủ vườn bố trí các “tum” ăn uống nằm xen giữa bóng cây rợp mát. Quán phục vụ đầy đủ các món ăn miền sông nước, như: cá, tôm, ốc, lươn, ếch, gà vườn… Tráng miệng thì có trái cây tươi, sạch bẻ ngay tại vườn. Ở xã cù lao Mỹ Hòa Hưng, những điểm DL sinh thái như kiểu của “Táo Hồng” đang thu hút khá đông du khách, tạo thêm điếm nhấn khi đến với quê hương Bác Tôn.

Từ TP. Long Xuyên, có 2 cách sang Mỹ Hòa Hưng. Nếu chọn tham quan khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng trước (di tích quốc gia đặc biệt), khách di chuyển theo hướng từ phố đi bộ Nguyễn Huệ qua phà Ô Môi. Còn nếu muốn tham quan làng bè, ghé những nhà ngói xưa, vườn cây ăn trái trước thì có thể đi phà Ô Môi (trên đường Trần Hưng Đạo theo hướng lưu thông Long Xuyên – Châu Đốc, không qua cầu Trà Ôn mà rẽ phải dưới chân cầu, di chuyển vài trăm mét đến phà Trà Ôn).

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN