“Anh dũng đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”

18/08/2023 - 10:31

Theo chủ trương chung của Đảng, quyết tâm của Tỉnh ủy trong đợt Tổng tiến công Mậu Thân là “Đập nát đầu não và lực lượng then chốt của địch tại thị xã, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng vùng giải phóng xông vào làm nòng cốt cùng đồng bào thị xã nổi dậy giải phóng thị xã, phát triển giải phóng các thị trấn và toàn tỉnh…”.

“Đội quân tóc dài” biểu tình đòi hủy bỏ luật phát xít 10-59, đòi thành lập một Chính phủ dân chủ tiến bộ, phản đối Mỹ - Diệm xây dựng căn cứ quân sự chuẩn bị chiến tranh. Ảnh: TTXVN

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở tỉnh ta diễn ra trên diện rộng. Đêm 31-1-1968, lực lượng vũ trang ta đã đánh nhiều mục tiêu ở thị xã: Bãi quân xa, trận địa pháo tại sân vận động, đánh hỏng Đài Phát thanh, diệt Ty cảnh sát quốc gia, khu hành chính xã An Hội, tập kích sân bay Tân Thành, đánh Sở Chỉ huy Trung đoàn 10 Sư đoàn 7, diệt nhiều tua, lô cốt ở các tuyến đường nội ô thị xã. Địch chỉ còn kiểm soát khu vực Sở Chỉ huy Trung đoàn 10 Sư đoàn 7, Tòa hành chính, Dinh tỉnh trưởng, trại Quang Trung. Như một nhà báo nước ngoài (Paul Avery) đã nhận xét “Lính Mỹ được gửi đến hiển nhiên vì quân Nam Việt Nam không có khả năng chống đỡ lại cuộc tấn công của quân cộng sản lâu hơn nữa”. Quân ngụy bị suy yếu không thể chống chọi mọi cuộc tấn công của ta, phải nhờ sự cứu nguy của quân Mỹ. Đế quốc Mỹ sử dụng bom, pháo đánh phá ác liệt để cứu nguy quân ngụy, phản kích lại cuộc tổng tấn công nổi dậy ở thị xã. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt. Quân dân Bến Tre cùng một lúc phải làm cả hai nhiệm vụ đánh Mỹ - diệt ngụy. Lực lượng vũ trang ta đã đánh quân Mỹ ở cầu Gò Đàng, cầu Cá Lóc, gây thương vong gần 200 tên Mỹ; trận cánh đồng Hữu Định tiêu diệt hơn 400 tên ngụy… Trong những ngày này, ở các huyện, lực lượng vũ trang và quần chúng liên tục tổ chức nhiều trận đánh địch ở quận lỵ, trên địa bàn các xã. Nổi bật là ở Mỏ Cày đã tấn công vào thị trấn, giết chết tên quận trưởng và nhiều tên địch, bức hàng 12 đồn, làm chủ nhiều khu vực trong thị trấn và các xã. Quân dân Chợ Lách tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã biết phát huy thế ba mặt tấn công bứt hàng, bứt rút 43 đồn bót, giải phóng hoàn toàn 4 xã, 25 ấp với 45 ngàn dân. Các huyện Châu Thành, Ba Tri, Bình Đại đã diệt bứt hàng, bứt rút nhiều đồn bót. Trong đợt 2 (5-1968), lực lượng vũ trang ta đã hút địch ở vùng ven thị xã: Phú Hưng, Hữu Định, Bình Phú… diệt nhiều tên địch. Quân dân Bến Tre làm tốt nhiệm vụ: Đánh Mỹ - diệt ngụy.

Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quả cảm cùng toàn miền Nam, quân và dân Bến Tre đã giáng một đòn bất ngờ, chí tử vào sào huyệt của chính quyền Mỹ - ngụy ở Kiến Hòa. Sau hơn 8 tháng triển khai đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, quân dân Bến Tre đã giành thắng lợi to lớn. Ta đánh chiếm phần lớn các cơ quan đầu não của địch; tiêu diệt 195 đồn, đánh hư 36 xe quân sự, thu trên 2.000 súng các loại, hàng trăm tấn chiến lợi phẩm, quân trang quân dụng; bắt và gọi hàng trên 800 tù binh, bứt rút 82 đồn bót; giải phóng thêm 13 xã, tăng số xã giải phóng trong toàn tỉnh là 72/125 xã; 80% địa bàn ven thị xã được giải phóng; phá rã hầu hết các tổ chức và lực lượng kìm kẹp của địch, mở rộng vùng giải phóng, hình thành thế bao vây làm cho địch hoang mang cực độ. Bến Tre là một trong ba địa phương anh dũng nhất, quyết liệt nhất trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, chỉ sau Sài Gòn và Huế. Diễn tả về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân ở Bến Tre, nhà báo Mỹ Paul Avery viết “Không nơi nào ở Nam Việt Nam - kể cả Huế - đã chịu đựng nhiều như ở thị xã đồng bằng sông Mê Kông 33.000 dân này. Các đội quân cộng sản đã tiến công như vũ bão tại Bến Tre vào 31-1 và nhanh chóng đoạt tất cả trừ vài khu nhà Bến Tre được lấy lại và trong tình trạng nó bị tàn phá nặng nề, do các cuộc tấn công bằng phi cơ và pháo của Mỹ bắn yểm trợ”.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã gây chấn động dư luận không chỉ trong nước mà cả dư luận thế giới thông qua báo chí của địch, nên vị thế Bến Tre được nâng lên trong khu vực và cả nước. Với những chiến công xuất sắc đó, tháng 9-1968, Bác Hồ đã gửi thư khen quân và dân miền Nam, trong đó có tỉnh Bến Tre (1) về những chiến công trong năm Mậu Thân 1968, bức thư Bác viết:

“Đồng bào, chiến sĩ và cán bộ miền Nam thân mến,

Quân và dân miền Nam anh hùng nêu cao tinh thần liên tục tiến công, liên tục đánh thắng. Trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và chúc mừng Quốc khánh vừa qua đã giành thêm nhiều thắng lợi mới. Đã mở hàng trăm cuộc tiến công và nổi dậy ở khắp miền Nam và đã thu được nhiều thành tích vẻ vang như là: Tây Ninh, Bình Long, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bến Tre, Gia Lai và nhiều nơi khác.

Thắng lợi to lớn này của miền Nam càng làm cho thế ta thêm vững, nước ta thêm mạnh.

Nhưng càng gần thắng lợi thì càng nhiều gian nan. Quân và dân miền Nam anh hùng quyết vượt mọi khó khăn, gian khổ, anh dũng và bền bỉ chiến đấu, nhất định sẽ giành được thắng lợi to lớn hơn nữa.

Chào thân ái và quyết thắng”.

Tại Hội nghị du kích chiến tranh toàn miền Nam lần thứ tư (diễn ra tháng 10-1968), Bến Tre được chọn là một trong ba ngọn cờ đầu của phong trào du kích chiến tranh và được Bộ Chỉ huy Miền quyết định (số 409/QL ký ngày 2-9-1968) tặng thưởng cờ danh dự mang dòng chữ “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”. Đó là niềm tự hào, động viên, cổ vũ cho quân dân Bến Tre thực hiện lời dạy thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, dân, quân Bến Tre cùng toàn miền Nam bước vào trận quyết chiến Tổng tiến công và nổi dậy làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước đi lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã tạo ra bước ngoặt chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn miền Nam nói chung và Bến Tre nói riêng. Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã phối hợp chặt chẽ với chiến trường toàn miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là chiến thắng trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Cuộc tổng tiến công đã giáng một đoàn quyết định bẻ gãy, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ dù ngoan cố, hiếu chiến nhưng phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, giảm dần quân Mỹ trên chiến trường, ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Thắng lợi của Xuân Mậu Thân dù chưa đạt yêu cầu, hy sinh lớn về người và của, nhưng quân và dân ta đã xoay chuyển được tình thế, cục diện tình hình mà trước đó ta chưa bao giờ tạo được. Cục diện đó cho phép chúng ta tiếp tục đưa cuộc kháng chiến tiến lên theo phương hướng chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong Thư chúc Tết năm 1969 “Vì độc lập, vì tự do; đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân ta tiêu diệt và tiêu hao một lực lượng quan trọng của quân địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị của chúng trên quy mô toàn miền, đã tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo một bước phát triển đột biến trong cục diện chiến tranh.

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, biểu hiện sự độc lập, sáng tạo, tài mưu lược trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta. Đồng loạt tiến công, nổi dậy trên toàn miền Nam nói chung và Bến Tre nói riêng đã chọn đúng hướng tiến công hiểm hóc vào đầu não của địch ở thành thị, sáng tạo cách đánh mới bất ngờ và đầy hiệu quả, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của địch. Giữ vững thế cách mạng tiến công, thực hiện quyết tâm thắng Mỹ, diệt ngụy ở địa phương, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến tranh cục bộ, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, rút quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Về mặt logic của lịch sử, chúng ta thấy từ Đồng khởi 1960 ở Bến Tre, lan tỏa mạnh mẽ khắp miền Nam, trở thành cao trào Đồng khởi chống Mỹ, cứu nước; từ đó đưa đến Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đưa đến Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Theo Báo Đồng Khởi