Sà lan chở cát trên địa bàn Tiền Giang, phục vụ các công trình xây dựng.
Thiếu hụt khắp nơi
Ông Ðặng Văn Bình, nhà thầu chuyên san lấp mặt bằng ở tỉnh Ðồng Tháp, cho biết mấy tháng nay giá cát san lấp và xây dựng "nhảy múa" khiến các công trình gặp khó khăn bởi nguồn cung không ổn định. Hiện nay, giá cát san lấp mặt bằng dao động từ 190.000-210.000 đồng/m3, cát xây giá từ 300.000-320.000 đồng/m3 (tùy loại), đây là mức giá tương đối cao so với các năm trước. "Giá cát cao, song do những công trình đã "nhận thầu" từ trước, buộc phải nỗ lực hoàn thành trong giai đoạn từ nay đến cuối năm nhằm thanh quyết toán cho xong. Ngoài ra, nếu nhận công trình mới thì phải thận trọng, nếu không sẽ tiếp tục gặp khó…" - ông Bình cho biết.
Không chỉ các nhà thầu gặp khó mà nhiều dự án lớn tại ÐBSCL cũng rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" bởi thiếu cát và giá cao. Ông Phạm Ðức Trình, Giám đốc Quản lý Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, than phiền tình trạng khan hiếm cát san lấp mặt bằng xuất hiện từ đầu năm 2022 và kéo dài tới nay, mặc dù các đơn vị liên quan đã tích cực làm việc với UBND tỉnh An Giang và Ðồng Tháp "cậy nhờ" việc hỗ trợ nguồn cát phục vụ đường cao tốc. "Có thời điểm nhu cầu cần cát để triển khai các hạng mục là từ 3.000-4.000m3/ngày trở lên. Dù vậy, các mỏ cát ở An Giang chỉ cung cấp được hơn 1.000m3/ngày" - ông Phạm Ðức Trình nói.
Trước đó, vào giữa năm 2021, tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về thực trạng thiếu cát cho công trình cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng nguồn cát sông ở tỉnh hiện tại được tập trung ưu tiên các công trình trọng điểm, cấp bách của Trung ương và của tỉnh; trong đó ưu tiên đủ cát phục vụ dự án tuyến tránh TP Long Xuyên. "Cần thấy rằng, trữ lượng cát ở An Giang ngày càng ít, ngoài việc cung cấp cho công trình xây dựng trọng điểm của Trung ương trên địa bàn và các công trình do UBND tỉnh An Giang làm chủ đầu tư, thì còn đảm bảo cát phục vụ các công trình dân dụng nhằm bình ổn giá, nhất là trong thời điểm hiện nay. Ðối với những khó khăn của nhà thầu thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ do khan hiếm cát, UBND tỉnh An Giang cam kết hỗ trợ tối đa. Tuy nhiên phải ưu tiên 100% cho tuyến tránh TP Long Xuyên. Tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng hơn 800.000m3 cát cho tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ" - ông Bình cho biết.
Cũng tại An Giang, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư chấp thuận điều chỉnh nâng trữ lượng khai thác cát tại mỏ cát trên sông Tiền từ 740.000m3 lên 1,11 triệu m3 phục vụ việc khai thác. Thời gian khai thác trong 6 tháng. Cát khai thác tại khu mỏ cung cấp cho công trình có giá 79.200 đồng/m3 (cát rời). Số lượng cát vừa tăng lượng khai thác này nhằm cung cấp cho công trình xây dựng tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên. UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp các đơn vị liên quan, tổ chức giám sát hoạt động khai thác, cung cấp cát, đảm bảo khối lượng cát cung cấp cho thi công tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên.
Nỗ lực tìm nguồn cát
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ðồng Tháp, năm 2022, UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sông trên địa bàn có công suất 6 triệu m3/năm; trong khi thống kê nhu cầu cát ở Ðồng Tháp từ năm 2022 đến 2025 trung bình khoảng 10 triệu m3/năm. Nhu cầu quá lớn nhưng năm 2022 năng lực của Ðồng Tháp chỉ cung ứng nguồn cát đạt khoảng 45% đến dưới 50%. Ðể giải quyết bài toán thiếu cát, UBND tỉnh Ðồng Tháp kiến nghị Trung ương chỉ đạo các tỉnh ÐBSCL nhanh chóng huy động nguồn vật liệu san lấp nhằm đáp ứng nhu cầu cho các dự án giao thông cấp bách.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, năm 2022 ở tỉnh có khoảng 26 giấy phép khai thác cát sông còn hiệu lực, tổng khối lượng cho khai thác là 3,8 triệu m3/năm. Trong khi đó, tổng nhu cầu sử dụng cát của năm 2022 ở Vĩnh Long hơn 9,3 triệu m3 nhưng khối lượng khai thác chỉ 3,8 triệu m3 nên thiếu hụt rất lớn. Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo, vùng ÐBSCL cần tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án khoảng 39 triệu m3 (dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 18,5 triệu m³; dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Trần Ðề 17,8 triệu m3; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu 1,3 triệu m3, dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh 1,4 triệu m3). Ngoài ra, còn có các dự án giao thông khác do các tỉnh đầu tư được triển khai thời gian tới… Thế nhưng nguồn cung ứng cát tại các địa phương ở ÐBSCL phục vụ hàng loạt dự án giao thông là rất thấp.
Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm ở ÐBSCL khởi công trong thời gian tới, do đó nhu cầu cần cát san lấp là rất lớn.
Cũng lo lắng vấn đề thiếu cát phục vụ những công trình cao tốc trọng điểm ở ÐBSCL, gần đây Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng về việc này. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác cát sông ở khu vực sông Hậu; tuy nhiên tổng trữ lượng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng tại địa phương và phục vụ những dự án trọng điểm đi qua địa bàn. Riêng nguồn cát biển dự báo có trữ lượng khoảng 13,9 tỉ m3 (cát, sét) có thể khai thác, sử dụng phục vụ các công trình… Dù vậy, nguồn tài nguyên này đến nay Sóc Trăng chưa lập quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng; cũng như phạm vi về cát biển này nằm ngoài vùng nước của tỉnh… Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, tỉnh hiện có trữ lượng cát biển rất lớn và sẵn sàng chia sẻ với các địa phương nhằm phục vụ công trình cao tốc. Tuy nhiên, để việc sử dụng cát biển và đưa vào khai thác, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cần rà soát, xem thủ tục cấp phép như thế nào để được thăm dò, lấy mẫu, theo đúng quy định của pháp luật. Phía Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị Sóc Trăng cho phép đơn vị tư vấn tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng cát tại các khu vực mỏ (sông Hậu) đã được quy hoạch và khu vực biển trên địa bàn tỉnh nhằm lấy mẫu thí nghiệm để đánh giá chất lượng. Nếu được, sẽ khai thác khoảng 3.000m3 cát biển chuyển về khu vực thi công thử nghiệm nhằm đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật, trước khi báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Các doanh nghiệp xây dựng ở ÐBSCL cho biết hiện nay trữ lượng về cát nước mặn còn lớn; ngoài ra nguồn cát nước mặn có thể thực hiện việc san lấp mặt bằng và thi công hạ tầng kỹ thuật. Các nhà chuyên môn cũng nhận định, cát biển có 3 loại là "hạt to, hạt trung và hạt mịn", có thể áp dụng để san lấp mặt bằng… Hiện các bộ, ngành chức năng tiến hành nghiên cứu tính khả thi của cát biển nhằm phục vụ san lấp các công trình giao thông trọng điểm ở ÐBSCL thời gian tới; nếu được vậy sẽ giảm bớt áp lực thiếu cát ngày càng đè nặng.
Theo Báo Cần Thơ