“Cháy không còn cái chén để ăn cơm”

11/04/2024 - 14:42

Đó là tâm sự của ông Lưu Văn Lợi, ở ấp 4, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, khi kể với phóng viên về vụ cháy nhà ông xảy ra cách đây hơn 20 ngày.

A A

Ngôi nhà của ông Lợi bị thiêu rụi do chập điện.

Cụ thể, khoảng 19 giờ ngày 16-3, sau khi cơm nước xong, vợ chồng ông sang nhà hàng xóm có công chuyện, khoảng 30 phút sau thì người thân báo tin nhà ông bị cháy.

Do nhà vách lá, lửa lan nhanh nên trong thời gian ngắn đã thiêu rụi gần như toàn bộ căn nhà, quần áo, đồ đạc trong nhà trở thành tro, cây trồng xung quanh cháy xém. Theo ông Lợi, nguyên nhân vụ cháy trên là do chập điện.

Ông Lợi thông tin thêm, căn nhà bị cháy là nhà tình thương do chính quyền địa phương cất tặng cho ba của ông khoảng 15 năm trước. Cách đây vài năm, ba của ông mất nên để lại cho ông ở; dây điện được lắp đặt từ khi xây nhà cho đến nay. “Tôi ít quan tâm, kiểm tra dây điện lắm, tưởng lắp một lần thì mãi mãi, nhưng không ngờ nay chập điện cháy rụi hết”, ông Lợi nói.

Còn ông Nguyễn Văn Chí, ở ấp Trầu Hôi A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cũng vừa trải qua giây phút kinh hoàng vì nhà của mình cũng bị thiêu rụi hoàn toàn.

Ông Chí kể, sáng ngày 9-3, ông đi khám bệnh, con gái út đi học, còn vợ và con trai lớn thì đi làm. Đến hơn 11 giờ cùng ngày, trên đường khám bệnh về thì hàng xóm điện thoại báo tin nhà ông cháy. Về đến thì thấy căn nhà vách lá, mái lợp tôn bị lửa thiêu rụi hoàn toàn, nguyên nhân cũng do chập điện.

“Dây điện trong nhà gia đình xài hơn 10 năm rồi, tưởng còn chất lượng nên không thay, đồng thời mắc luồn trong vách lá và hiếm kiểm tra lắm. Lúc ra khỏi nhà, tôi không cúp cầu dao tổng vì sợ tủ lạnh hư, nhưng không ngờ chập điện làm ngôi nhà cháy rụi”, ông Chí cho biết thêm.

Đó là 2 căn nhà bị lửa thiêu rụi hoàn toàn do chập điện xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, đều ở nông thôn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy trên, nhưng chủ yếu là sự chủ quan của hộ dân trong câu mắc điện; thiếu quan tâm, kiểm tra dây điện; sử dụng cùng lúc các thiết bị tiêu thụ điện năng lớn…

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, hàng năm đơn vị luôn chủ động phối hợp với ngành chức năng, địa phương thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa cháy nổ trên địa bàn. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy đến các cơ quan, doanh nghiệp, công ty, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh và trường học, hộ dân; thường xuyên tổ chức nhiều đợt tập huấn, diễn tập phương án chữa cháy, giúp phát huy hiệu quả, kinh nghiệm chữa cháy cho lực lượng chữa cháy tại chỗ, đồng thời, nâng cao ý thức phòng ngừa cho mọi người.

Tuy nhiên, hiện vùng nông thôn, công tác phòng, chống cháy nổ chỉ mới dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động mọi người cảnh giác, phòng ngừa; đa số hộ dân chưa được trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy, trong đó có bình chữa cháy; nhiều hộ chưa quan tâm đến hệ thống điện trong nhà, chưa nắm rõ thao tác cần thiết khi dập tắt một đám cháy hoặc những kiến thức cơ bản về phòng ngừa hỏa hoạn.

Vụ cháy nào cũng đều xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng sự thờ ơ, chủ quan của hộ gia đình vẫn là nguyên nhân chủ yếu.

Thượng tá Lê Hùng Cường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, khuyến cáo, để phòng ngừa cháy do chập điện, người dân cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện, thiết bị điện nhằm phát hiện, khắc phục những hạn chế, hư hỏng. Mỗi gia đình, nhất là có người già, trẻ nhỏ cần chủ động lên nhiều phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra; mở lối thoát nạn thứ 2 phù hợp; trang bị trong nhà ít nhất 1 bình chữa cháy.

“Khi xảy ra cháy, người dân hãy bình tĩnh tìm cách xử lý phù hợp, báo động cho mọi người trong nhà biết để nhanh chóng di chuyển ra ngoài. Khi di chuyển thoát qua khu vực có khói, lửa hãy dùng mền, khăn mềm thấm nước để che mặt, cơ thể để chống bỏng”, thượng tá Cường khuyến cáo thêm.

Qua các vụ cháy vừa qua cho thấy, nâng cao ý thức phòng cháy của mỗi người luôn là điều quan trọng nhất để phòng ngừa “giặt lửa”. Bởi cháy nổ luôn rình rập ở từng ngôi nhà và một khi xảy ra sẽ lan nhanh, hậu quả khó lường. Mỗi người, mỗi nhà cần chủ động quan tâm, kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình và trang bị những kiến thức cơ bản về dập tắt đám cháy nhằm tránh thiệt hại do cháy gây ra.

Tốc độ cháy lan của nhà lá, nhà gỗ, nhà tường…

Với nhà lá, tốc độ cháy lan từ 6-8m/phút. Nhà lá thường có chiều dài không quá 30m, do đó, nếu nhà lá cháy mà vị trí cách lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chỉ cần 5km là khó cứu chữa. Bởi từ khi phát hiện cháy, người dân báo cho lực lượng chữa cháy, rồi lực lượng chữa cháy cử cán bộ, chiến sĩ, xuất xe xuống hiện trường cũng mất khoảng 15 phút nên khó cứu chữa kịp.

Đối với nhà tường, nhà gỗ, cháy lan từ 3-4m/phút, nhưng phát sinh một vấn đề là nhà bán kiên cố nên khi ngủ gia chủ có thể khóa nhiều ổ khóa, dẫn đến trong quá trình thoát nạn gặp nhiều khó khăn.

Nhà xưởng có nhiều vật dễ cháy như giấy, vải, gỗ, khi cháy từ 15-20 phút thì ngọn lửa bứt ra tỏa nhiệt từ 500-8000C, trong khi cơ sở này chỉ chịu được nhiệt 5500C nên cột, kèo, đòn tay thép mềm, dẫn đến sập hoàn toàn.

Đối với các cửa hàng xăng dầu, thời điểm có khả năng cháy cao nhất là lúc nhập hàng. Bởi khi nhập, bao nhiêu lượng hàng vào bồn thì có bấy nhiều hơi xăng dầu thoát ra ngoài. Nếu lúc đó khách hàng hay nhân viên hút thuốc đứng gần sẽ rất dễ dẫn đến cháy nổ. Tốc độ cháy lan của xăng dầu là 20m/giây, khi cháy tỏa ra lượng nhiệt từ 1.000-1.0500C nên thiệt hại rất nghiêm trọng…

Theo NHẬT TÂN (Báo Hậu Giang)