Ðò chợ

16/01/2023 - 11:02

Ở miệt sông nước Cửu Long, đò (đò chợ) là phương tiện giao thông phổ biến một thời. Những chuyến đò như cầu nối giữa các vùng xa xôi, cách trở khi mà đường bê tông chưa tới được. Theo thời gian, “đò chợ” không chỉ là phương tiện đi lại mà còn mang nét văn hóa đặc trưng, là cuộc sống của những người gắn bó cả đời với dòng sông, bến nước...

A A

Bà Châu Thị Phượng (bên trái) cùng con đò gắn bó gần 40 năm của mình.

Chúng tôi gặp bà Châu Thị Phượng, 54 tuổi, ở ấp Long Ðời, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, vào một trưa gắt nắng. Hôm ấy, đoàn khảo sát du lịch của tỉnh đến Gò Quao nhằm kết nối các điểm du lịch của huyện với các điểm khác ở trong và ngoài tỉnh. Bà Phượng là chủ đò đưa chúng tôi từ trung tâm huyện Gò Quao đến điểm du lịch tại xã Vĩnh Phước A.

Ngồi trên đò, bà Phượng cứ tủm tỉm cười - cái cười hiền hậu, hạnh phúc, cứ ngỡ bà cười vì có nhóm người luôn chỉ trỏ đủ thứ khi đò di chuyển dọc theo sông Cái Lớn. Nhưng hóa ra, bà cười vì vui. Bởi từ rất lâu rồi đò của bà mới được chở nhiều khách như vậy. Cũng rất lâu rồi bà mới có cảm giác “sống” lại với nghề chạy “đò chợ” vốn có như thuở hoàng kim của nó.    

Bà Phượng kể, bà nối nghiệp cha từ năm 1992. Khi ấy, đường bê tông còn chưa được đầu tư xây dựng nhiều, do đó đò của bà chở khách rất đông đi các tuyến từ xã Vĩnh Tuy, Vĩnh Phước A đến trung tâm huyện Gò Quao, rồi đi Rạch Giá, qua miệt Vị Thanh. “Trước đây “đò chợ” vui lắm, vì đi đường xa nên dưới đò bán đầy đủ đồ ăn, nước uống, sách báo giải trí. Mỗi khách sẽ có một chiếc võng riêng để nghỉ ngơi. Thậm chí trên đò còn có máy cassette hát cải lương cho khách nghe để đỡ ngán đường dài” - bà Phượng nhớ lại.

Cũng theo bà Phượng, gọi “đò chợ” là do tính chất của nó, vì các chuyến đò thường đưa khách đến chợ, chở hàng hóa từ chợ về nên người ta quen gọi vậy. “Ðò chợ” thường ghé nhiều bến để lên, xuống khách và hàng hóa. Cứ như vậy, hàng trăm năm qua, “đò chợ” đã hoàn thành sứ mệnh của mình - là công cụ thúc đẩy giao thương, là cầu nối để đưa nhiều người qua những đoạn đường cách trở.

Ông Võ Văn Út Ba - chồng bà Phượng, miêu tả: “Ðò chợ” là chiếc vỏ lãi loại lớn, làm bằng gỗ, được chạy dọc theo nhiều tuyến sông đón khách đi chợ. Ðò cũng được thiết kế với phần mui khá cứng và chắc chắn nên khách có thể đi lại, ngồi trên mui và để hàng hóa. Trong khoang đò có 2 băng ghế dài bằng gỗ chạy dọc thân vỏ làm chỗ ngồi cho khách. Với những chuyến đò đi xa, thời gian dài, chủ đò mắc võng để khách nghỉ ngơi trong suốt hành trình… “Vợ chồng tôi nên duyên cũng nhờ một lần tôi đi đò của cha vợ ra chợ. Khi ấy, tôi còn thanh niên, thấy ba vợ lớn tuổi lại lái đò nên đòi về làm rể, thay ba chạy đò. Ấy vậy mà tôi với Phượng nên duyên thật, rồi tôi thành tài công cho vợ đến giờ” - ông Ba kể.  

Theo bà Phượng, hiện chiếc đò của bà chỉ chạy mỗi tháng 4-5 lần. Trước khi chuẩn bị xuất bến 2-3 ngày, bà phải gọi điện trước cho bạn hàng cần mua gì, gửi gì ghi chú lại, đến ngày xuất bến cứ theo đó mà lấy hàng… Trong câu chuyện vui về ký ức một thời, chợt đâu đó trên gương mặt của người phụ nữ gần 40 năm làm nghề “đò chợ” đượm nét buồn. Có lẽ bà chợt nhớ rằng chỉ chốc nữa đoàn khách sẽ về lại phố và con “đò chợ” về lại với chu kỳ 1 ngày chạy nhưng có 5-7 ngày nằm ụ. Dường như hiểu tâm ý của vợ, ông Ba phân bua: “Hơn chục năm trước, “đò chợ” vẫn còn “sống” được nhưng hiện nay rất ít người đi phương tiện này, chủ yếu đò chở hàng cho tiệm tạp hóa, đại lý vật tư nông nghiệp… Tôi nhiều lần khuyên vợ nghỉ ngơi nhưng vợ cứ bảo nhớ sông, nhớ nước, nhớ con đò, nhớ lúc xuôi ngược cùng ba trên sông nước, rồi thì cứ như vậy mà giữ nghề đò đến hôm nay”.

Câu chuyện của bà Phượng làm tôi chợt nhớ những chuyến đò quê xưa cũ của mình. Quê tôi ở cuối cùng của dãy đất hình chữ S, nhà tôi nằm bên dòng sông mà đến giờ vẫn không có tên gọi. Ngày ấy cứ mỗi lần mẹ đi chợ là anh em chúng tôi ở nhà mong ngóng chuyến đò từ chợ tỉnh chạy về - chỉ đơn giản mẹ đi chợ về, tôi sẽ được ăn bánh mì ngọt hình con cóc... Chiều muộn, chúng tôi chia tay người lái đò sau khi hành trình kết thúc. Tiếng rú của động cơ máy như lời tạm biệt của vợ chồng bà Phượng, bởi “đò chợ” đang dần kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình!    

Theo HIẾU THUẬN (Báo Cà Mau)