An Cư đa dạng hóa phong trào thể thao

09/07/2020 - 10:06

 - Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, xã An Cư (Tịnh Biên, An Giang) đã nỗ lực xây dựng, phát triển phong trào thể thao rộng khắp nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân. Trong đó, địa phương quan tâm phát triển bóng đá, bóng chuyền và đua bò truyền thống.

Hội đua bò chùa Rô - hoạt động thể thao đặc sắc của xã An Cư hàng năm

Nói về phong trào bóng chuyền tại địa phương, ông Nguyễn Chí Trung (cán bộ văn hóa - thể thao xã An Cư) cho biết, bộ môn này hiện đang phát triển tốt do đa số đồng bào DTTS Khmer đều rất yêu thích. Hiện nay, trên địa bàn xã có 11 sân bóng chuyền rải đều ở 6 ấp, trở thành điểm đến vui tươi, lành mạnh cho thanh, thiếu niên địa phương hàng ngày.

“Trong 11 sân bóng chuyền có 4 sân ở các ấp: Vĩnh Thượng, Chơn Cô, Bà Đen và Ba Xoài là sôi động nhất, với gần 30 anh em chơi mỗi ngày. Họ không đặt nặng việc thắng thua mà chủ yếu để mọi người cùng vui chơi và thỏa mãn niềm đam mê. Trong sân, các cầu thủ thi đấu nỗ lực bao nhiêu thì ngoài sân khán giả cổ vũ cuồng nhiệt bấy nhiêu. Bởi là dân biết chơi bóng với nhau nên anh em bàn luận rất sôi nổi từng pha bóng, tạo nên không khí vui tươi, đoàn kết” - ông Nguyễn Chí Trung thông tin.

Do phong trào phát triển rộng khắp trong các ấp nên mỗi khi địa phương có giải bóng chuyền cấp xã thì lực lượng thanh niên tham gia khá đông. Họ cống hiến cho người xem những màn tranh tài hấp dẫn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Với một xã còn nhiều khó khăn như An Cư, việc xây dựng được phong trào bóng chuyền sôi nổi như hiện nay là tín hiệu tích cực, xuất phát từ nỗ lực của địa phương và sự ủng hộ của người dân.

Xã hiện có câu lạc bộ bóng đá An Cư với gần 20 thành viên tham gia thường xuyên. Họ tập trung chơi bóng cùng nhau trong thời gian dài nên khá "ăn ý" trong thi đấu. Từ đó, dần hình thành một tập thể đồng đều nên đã giành được giải nhì tại Hội thao Nông dân huyện năm 2019. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên đa số cầu thủ phong trào tại địa phương thường ra chơi bóng tại thị trấn Tịnh Biên. Họ tham gia thi đấu giao hữu với các đội bóng ở thị trấn để duy trì kỹ năng và tìm kiếm niềm vui. Khi có giải đấu cấp huyện thì các thành viên này là lực lượng nòng cốt, đại diện địa phương đi tranh tài vì màu cờ sắc áo.

Ông Nguyễn Chí Trung thông tin, do nhiều thanh niên địa phương đã đi lao động ngoài tỉnh nên lực lượng cầu thủ phong trào chưa phát triển như mong đợi. Do đó, xã đang tiếp tục vận động lực lượng trẻ tham gia vào câu lạc bộ bóng đá địa phương nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội bóng trong thời gian tới.

Ngoài bóng đá và bóng chuyền, xã An Cư hiện có khoảng 40 đôi bò tham gia vào các giải đua bò cấp huyện, tỉnh hàng năm. Vì niềm đam mê đối với môn thể thao truyền thống này, nhiều anh em sẵn sàng đầu tư những đôi bò tốt để tranh tài ở các giải đấu. Dù không đạt được giải cao tại các sân chơi cấp huyện, tỉnh nhưng mặt bằng chung của các nài bò ở xã An Cư vẫn đủ sức “làm khó” anh em tại các địa phương khác.

Đặc biệt, xã An Cư còn có Hội đua bò truyền thống tại chùa Rô (ấp Vĩnh Thượng) được tổ chức vào mùa cấy lúa hàng năm. Đây là sự kiện văn hóa - thể thao độc đáo, thu hút hàng ngàn khán giả đến xem. Ngoài ra, sự kiện này còn được cánh nhiếp ảnh chờ đón để có được những khoảnh khắc chân thực, lột tả vẻ đẹp khỏe khắn của bộ môn thể thao truyền thống đã nổi tiếng khắp cả nước của vùng Bảy Núi.

“Dù các đôi bò của địa phương không thuộc hàng xuất sắc nhưng cũng giúp cho chúng tôi có được sân chơi chất lượng và hào hứng, thể hiện được “nét riêng” trong phong trào thể thao của xã An Cư. Đó là cơ sở để địa phương tiếp tục xây dựng, phát triển phong trào đua bò cùng với các môn bóng đá, bóng chuyền nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân địa phương”- ông Nguyễn Chí Trung xác định.

THANH TIẾN