PGS.TS Hoàng Phúc Lâm (bìa phải), Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khảo sát cơ sở vật chất nhà trường.
Quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Hoàng Phúc Lâm đánh giá cao 3 đột phá tạo nên thành công của Trường là: Đột phá về thể chế; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; nguồn nhân lực.
Trong đó, về thể chế, Trường đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy ban hành các văn bản, đề án. trong đó tham mưu Tỉnh ủy ban hành Đề án “Phát triển Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” (Đề án số 02). Sau đó, Trường và các đơn vị liên quan bắt tay vào chia lộ trình thực hiện Trường Chính trị chuẩn mức 1, nhất là quan tâm đến các chỉ tiêu khó đạt của nhà trường.
Thực hiện rất chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học với số lượng đề tài nghiên cứu nhiều, ứng dụng vào thực tiễn địa phương hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng 158 lớp với hơn 18.830 học viên; tổ chức, phối hợp tổ chức 3 hội thảo và 3 tọa đàm cấp bộ, vượt 3 hội thảo, tọa đàm; thực hiện 27 đề tài khoa học cấp trường, vượt 12 đề tài so quy định.
Về nguồn nhân lực, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm nhận định: “Điểm hay của Trường là tham mưu xây dựng được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng bao gồm 15 đồng chí là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ngành, địa phương trong tỉnh, qua đó giúp tăng cường hàm lượng thực tiễn, tăng tính thuyết phục trong bài giảng. Hậu Giang là một trong số ít trường có cả 3 đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy tham gia báo cáo bài, chuyên đề cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Trường Chính trị tổ chức”.
Bên cạnh đó, nhờ tăng cường phát huy nội lực, lực lượng giảng viên Trường đã không ngừng nâng cao về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn, đổi mới phương pháp dạy học với phương châm “lấy người học làm trung tâm”.
“Ở Hậu Giang, tôi còn thấy rõ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND trong việc đầu tư xây dựng Trường Chính trị chuẩn; có đầy đủ các phòng, khoa, khu giảng đường, hội trường 200 chỗ, ký túc xá… Điều tôi tâm đắc nhất nữa chính là tập thể nhà trường thật sự đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm cao, văn hóa trường đảng thấy rõ ở ngôi trường này”, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ.
Cơ sở vật chất Trường Chính trị tỉnh được đầu tư khang trang, hiện đại.
Nhiều cách làm hay, sáng tạo
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: “Hậu Giang là một trong các tỉnh đầu tiên trong cả nước sớm ban hành Đề án số 02, cụ thể hóa các tiêu chí của Quy định 11. Chính lợi thế này đã giúp tỉnh sớm xây dựng hoàn thành 100% các chỉ tiêu Trường Chính trị tỉnh chuẩn mức 1, trong đó có 10 chỉ tiêu vượt chuẩn. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Trường hướng đến chuẩn mức 2 trong thời gian không xa”.
Ngoài ra, Vụ trưởng cũng đánh giá cao việc ra mắt và thực hiện được nhiều mô hình dạy và học hiệu quả, phát huy tốt năng lực học tập của học viên.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Hiệu trưởng Trường, chia sẻ: “Với phương châm giảng dạy, bồi dưỡng “lý luận gắn với thực tiễn”, Trường Chính trị tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình dạy học hay, sáng tạo như: mô hình “Dạy thực chất - Học thực chất - Kết quả thực chất” vào năm 2022, năm 2023 nâng lên thành “Dạy đổi mới - Học tích cực - Kết quả tiến bộ” đến nay. Mô hình này đảm bảo chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, gắn với phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất” của tỉnh”.
Về dạy học tích hợp lý luận với thực tiễn, cụ thể là giảng viên Trường soạn bài giảng phần lý luận, lãnh đạo tỉnh trực tiếp đưa nội dung thực tiễn vào và đứng lớp. Sau đó, những nội dung này được tổ chức thi hình thức vấn đáp và hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho các lớp trung cấp lý luận chính trị để tăng tính chủ động vận dụng vào thực tế cho học viên.
Riêng về mô hình “Mỗi chi bộ có ít nhất một nghiên cứu sinh” nhờ thực hiện tốt mà từ năm 2022 đến nay, Trường đã có được đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên đủ về lượng, mạnh về chất: 2 tiến sĩ, 33 thạc sĩ (có 6 nghiên cứu sinh) và 5 trình độ đại học…
Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: “Tỉnh Hậu Giang xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Do đó, tỉnh rất quan tâm đến việc xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn theo Quy định 11 của Ban Bí thư. Chúng tôi theo dõi, chỉ đạo sát sao, quan tâm tạo điều kiện, đầu tư cơ sở vật chất và chỉ đạo, lãnh đạo nhà trường chủ động rà soát, hoàn thiện các tiêu chí theo Quy định 11”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Đảng bộ tỉnh quyết tâm xây dựng Trường Chính trị Hậu Giang chuẩn, thực chất, hoàn thiện các tiêu chí của chuẩn 1 gắn với tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Theo CAO OANH (Báo Hậu Giang)