Bạc Liêu cần quan tâm hơn nữa mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng

19/11/2021 - 16:23

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh Bạc Liêu trong công tác phòng, chống dịch, đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Đồng thời đề nghị Bạc Liêu cần quan tâm hơn nữa mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nguồn nhân lực và trang thiết bị.

A A

Ngày 18-11, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời " Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lữ Văn Hùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Ái Nam; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phạm Văn Thiều.

Báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Ái Nam cho biết, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV và Nghị quyết 128 của Chính phủ; thực hiện tốt thông điệp “5K+vaccine” của Bộ Y tế; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc

Mặc dù, bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương nên kết quả năm 2021 ước có 10/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế (tạm ước lần 1) tăng 5,92%, tuy không đạt kế hoạch đề ra, song đứng khá cao trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng luôn được quan tâm; các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, nhất là các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 đã gây tác động tiêu cực đến mọi mặt của sản xuất kinh doanh, đời sống người dân; Thu ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, phải thực hiện điều chỉnh giảm một số khoản chi để đảm bảo cân đối ngân sách; Việc học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên; Ngành y tế đang quá tải do phải thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch kéo dài; cơ sở khám chữa bệnh công lập thiếu trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ cho phòng chống dịch; Dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ còn cao do số ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa giảm nhiều.

Tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị Quốc Hội và Chính phủ sớm hỗ trợ cho tỉnh nguồn kinh phí để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian tới; hỗ trợ kịp thời trang thiết bị, vật tư y tế cho tỉnh; ủng hộ, thúc đẩy tiến độ dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dịch COVID-19 làm ảnh hưởng nặng nề đến các mặt của đời sống xã hội cho nên Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 được cán bộ, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh Bạc Liêu trong công tác phòng, chống dịch, đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Cùng với đó là tỉnh cũng quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng vừa giúp phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhất là các tuyến ven biển; kêu gọi được nhiều dự án năng lượng sạch; công tác an sinh xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả phấn khởi trong công tác giảm nghèo; đánh giá lại thật kỹ về nguyên nhân những chỉ tiêu chưa đạt để tiếp tục phấn đấu thực hiện từ nay đến cuối năm.

Đồng chí cũng nhắc nhở tỉnh phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ luôn luôn thực hiện 5K dù đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, bởi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp; cán bộ và người dân không được chủ quan, lơ là. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu rà soát, đánh giá toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; đi sâu vào tận ngõ ngách, vùng sâu, vùng xa. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Bạc Liêu cần quan tâm hơn nữa mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nguồn nhân lực và trang thiết bị; cắt giảm các chi phí khác để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp ở cấp độ 3; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong điều kiện có dịch. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng hết sức quan tâm đến đời sống của hơn 27 ngàn lao động của Bạc Liêu về từ các tỉnh, thành phố để tránh dịch.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng, cảm ơn đoàn công tác của Quốc hội đến thăm, làm việc và có những chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Đây là niềm cổ vũ, động viên to lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh: phương châm phòng, chống dịch của tỉnh là thần tốc, quyết liệt, kiên quyết, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tỉnh tiếp tục quyết tâm, nỗ lực để thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt.

Dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao 10 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 500 triệu đồng và ủng hộ 1,5 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Theo VĂN ĐÔNG (Đảng Cộng Sản Việt Nam)