Báo động tình trạng sạt lở, sụt lún trên địa bàn huyện U Minh Thượng

03/06/2024 - 10:01

Trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đã xảy ra hàng trăm điểm sạt lở, sụt lún đất; ước tổng thiệt hại trên 160 tỷ đồng. U Minh Thượng là địa bàn có nhiều điểm sạt lở, sụt lún đất nhất trong mùa khô năm nay.

A A

Theo báo cáo của UBND huyện U Minh Thượng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 450 điểm sạt lở, sụt lún đất với chiều dài 11.329m (sạt lở 9.189m; sụt lún 2.140m). Trong đó, xã An Minh Bắc có 275 điểm, dài 7.819m; xã Minh Thuận có 175 điểm, dài 3.510m.

Tình trạng nắng hạn kéo dài đã làm cho tuyến đường ở huyện U Minh Thượng bị sạt lở, sụt lún.

Tình trạng nắng hạn kéo dài đã làm cho tuyến đường tỉnh 965 (xã An Minh Bắc) xảy ra 77 điểm sạt lở, sụt lún đất với chiều dài 2.357m; các tuyến lộ giao thông nông thôn tại xã An Minh Bắc, xã Minh Thuận xảy ra 373 điểm với chiều dài 8.972m.

Tình trạng sạt lở, sụt lún đã làm ảnh hưởng đến 42 căn nhà; trong đó, xã Minh Thuận 11 căn, xã An Minh Bắc 31 căn. Ước tổng thiệt hại do hiện tượng thời tiết cực đoan trên địa bàn huyện U Minh Thượng trong những tháng đầu năm nay hơn 160 tỷ đồng.

Nguyên nhân gây ra sạt lở, sụt lún đất được ngành chức năng xác định là do hạn hán, kèm nắng nóng kéo dài, cộng với việc bơm nước bảo vệ rừng, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô làm các kênh, rạch trong đê bao cạn nước. Đây là những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún đường giao thông, hư hỏng nhà cửa trên địa bàn xã An Minh Bắc, xã Minh Thuận thời gian qua.

Nhằm khắc phục giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, UBND huyện U Minh Thượng đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và 2 xã bị ảnh hưởng huy động lực lượng khắc phục tạm thời những đoạn giao thông bị sạt lở, sụt lún để việc đi lại của người dân không bị ách tắc.

Ngoài ra, đối với những căn nhà sạt lở, sụt lún, lãnh đạo huyện chỉ đạo lực lượng xung kích cùng chính quyền địa phương hỗ trợ người dân di dời những vật dụng trong gia đình đến nơi an toàn; tổ chức đoàn thăm hỏi động viên gia đình có nhà bị sạt lở, sụt lún.

Bên cạnh đó, ngành chức năng huyện tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ có nhà ven kênh, rạch trong khu vực vùng đệm di dời đến nơi an toàn; kiên quyết di dời đối với các căn nhà ở khu vực rạn nứt, có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao, nhằm bảo đảm tài sản và tính mạng cho người dân.

Địa phương đã kịp thời giăng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm và huy động lực lượng khắc phục tạm thời các đoạn đường bị sạt lở, sụt lún để đảm bảo việc đi lại cho người dân.

Trước đó, ngày 10/4, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán khu vực vùng đệm U Minh Thượng.

Tại thời điểm công bố tình huống khẩn cấp, vùng đệm U Minh Thượng có 310 điểm sụt lún, sạt lở, tổng chiều dài 7.533m. Trong đó, tuyến Đường tỉnh 965 có 40 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 1km; lộ giao thông nông thôn bị sạt lở, sụt lún 270 điểm, tổng chiều dài hơn 6,6km…

Vùng đệm U Minh Thượng thuộc phạm vi của kênh đê bao ngoài của 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng. Diện tích toàn vùng hơn 22.350ha, gồm: Vùng đệm 14.300ha được bao bọc bởi Đường tỉnh 965 (đê bao ngoài) kết hợp hệ thống kênh, đường giao thông nông thôn trong nội vùng; vùng lõi 8.053ha thuộc Vườn quốc gia U Minh Thượng.

Theo MINH TRIẾT (Công lý)