Bến Tre đề ra mục tiêu và định hướng phát triển bền vững kinh tế biển

20/11/2023 - 14:30

Với mục tiêu đưa tỉnh Bến Tre trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển, trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, thủy sản, du lịch và từng bước hình thành văn hóa sinh thái biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường biển, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, bảo tồn và phát huy hệ sinh thái biển. Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 6639/KH-UBND ngày 28-10-2023 để triển khai Nghị quyết (NQ) số 48-NQ/TW của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Bến Tre.

Phát triển số lượng tàu công suất lớn hướng tới đánh bắt xa bờ. Ảnh: Minh Triết

Trong đó, Bến Tre tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, khai thác thủy sản xa bờ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phát triển khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, phát triển đội tàu công suất lớn hướng tới đánh bắt xa bờ, trang bị thiết bị giám sát hành trình liên lạc để đảm bảo trong công tác quản lý và cứu hộ. Xây dựng, thiết lập cơ chế, chính sách quản lý khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển.

Tỉnh tập trung phát triển nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường, đến năm 2030, giá trị sản phẩm trên 1ha thủy sản đạt ​450 triệu đồng, diện tích nuôi thủy sản biển đạt 42.000ha, sản lượng đạt 136 ngàn tấn. Trong đó, diện tích vùng nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao là 5.100ha, 100% diện tích nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận tương đương.

Hoàn thiện, nâng cấp cơ sở dữ liệu và hệ thống giám sát tàu cá, kiểm soát phát triển tàu cá theo hạn ngạch giấy phép khai thác. Phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng tập trung các dịch vụ về một mối, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, cơ sở sửa chữa đóng tàu cá, dịch vụ hậu cần.

Tập trung triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030. Dự kiến đến năm 2025, tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn 3 huyện biển tăng bình quân 25%/năm; chiếm khoảng 20% doanh thu du lịch của cả tỉnh. Đến năm 2030, doanh thu từ du lịch 3 huyện biển chiếm từ 30% doanh thu du lịch của cả tỉnh. Khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch 3 huyện ven biển. Phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng điều kiện thực tế tại địa phương, có chính sách, chương trình hỗ trợ người dân tại địa phương khi tham gia. Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch ven biển gắn với khai thác, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, di sản văn hóa, di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, xây dựng sản phẩm đặc thù, thương hiệu du lịch tạo sức hấp dẫn, độc đáo, đặc sắc riêng của tỉnh Bến Tre. Đồng thời, chú trọng yếu tố an ninh, quốc phòng, phát huy vai trò của cộng đồng, địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và quảng bá hình ảnh du lịch tại địa phương. Khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao tham gia quảng bá du lịch, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống cảng phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp, phát triển giao thông vận tải đồng bộ, thống nhất với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, đảm bảo kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông và các hạ tầng khác của tỉnh và các tỉnh lân cận. Tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính chất đột phá như các tuyến phục vụ mục tiêu phát triển hướng Đông, kết nối khi kinh tế ven biển, các khu công nghiệp, khu du lịch.

Đặc biệt ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường, hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học. Tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên biển, tài nguyên vùng bờ thông qua áp dụng các công cụ q​uy hoạch, kế hoạch, chương trình quản lý tổng hợp, đến năm 2030 cơ bản khắc phục được các mâu thuẫn, chồng chéo trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Thúc đẩy hoạt động đồng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chia sẻ trách nhiệm và quyền hưởng lợi trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển; đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng; bảo tồn các di sản văn hóa biển.

Theo MINH TRIẾT (Báo Đồng Khởi)