Nông dân Bến Tre lột vỏ dừa khô. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, địa phương đang triển khai các giải pháp căn cơ để thực hiện có hiệu quả 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Thời gian tới, tỉnh Bến Tre tập trung củng cố, phát triển các hợp tác xã, xây dựng vùng nguyên liệu sạch, tiến tới hoàn thiện 8 chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh phát triển mạnh hơn nữa chuỗi giá trị sản phẩm dừa, củng cố mở rộng phát triển có chiều sâu và tạo thương hiệu mạnh cho các chuỗi sản phẩm tôm biển, bưởi da xanh, chôm chôm và một số sản phẩm đặc sản khác.
Thêm vào đó, tỉnh tiếp tục xây dựng phát triển các mô hình liên kết tiêu thụ các sản phẩm lợn, bò, nhãn và cây giống - hoa kiểng lên thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh; tạo giá trị tăng thêm cho các chuỗi sản phẩm cao hơn. Cụ thể, giá trị chuỗi dừa và tôm biển đều đạt 1 tỷ USD; chuỗi bò và cây giống - hoa kiểng đều đạt 500 triệu USD vào năm 2025.
Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối phối hợp, huy động các ngành chức năng, địa phương thực hiện đồng bộ, có trong tâm, trọng điểm trong xây dựng phát triển chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu sạch từ các khâu: quy hoạch vùng nguyên liệu, củng cố phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng, quản lý sản xuất, môi trường, ứng dụng khoa học cồng nghệ, kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tài chính tín dụng, xúc tiến thị trường...
Cùng với đó, tỉnh thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, địa phương hỗ trợ giúp nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp-thủy sản, gồm các khâu: kiện toàn tổ chức bộ máy hợp tác xã, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ đầu tư văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất sơ chế biến nông sản cho hợp tác xã; nâng cao chất lượng hoạt động tổ hợp tác, mở rộng phát triển hình thức liên hiệp các hợp tác xã tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho hay, đến nay trong các chuỗi giá trị thì chuỗi giá trị dừa có quy mô, chất lượng và hình thành ngành hàng tạo giá trị tăng thêm khá rõ ràng. Tuy nhiên, các chuỗi còn lại như lợn, bò, tôm biển chỉ đạt ở mức độ ban đầu, tức là chỉ tạo lợi thế cung ứng sản phẩm nhiều hơn là phát huy chuỗi giá trị đúng nghĩa.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn thực hiện các chuỗi. Ngoài ra, tỉnh tiến hành củng cố các mối liên kết trong chuỗi như củng cố mối liên kết giữa nông dân với nông dân; nông dân với doanh nghiệp; doanh nghiệp với doanh nghiệp để tạo ra vùng sản xuất ổn định.
Thời gian qua, để phát huy thế mạnh nông nghiệp của tỉnh, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 5/8/2016 về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.
Qua hơn 5 năm thực hiện việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, bước đầu tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực và tác động tích cực đến kinh tế nông nghiệp- thủy sản. Nhiều mô hình liên kết, tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, sản xuất theo hướng sạch có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường đã được hình thành.
Các chuỗi sản phẩm dừa, chôm chôm và bưởi da xanh hình thành khá rõ nét. Đặc biệt, chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, khoảng 30% sản phẩm dừa của tỉnh được chế biến sâu để xuất khẩu, dừa Bến Tre trở thành thương hiệu dừa Việt Nam (Vietcoco) được các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ rất quan tâm.
Đến nay, diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị là 18.787 ha/tổng diện tích dừa của tỉnh là 77.232 ha, đạt 24,33% tổng diện tích; sản lượng dừa tham gia chuỗi là 206.665 tấn/tổng sản lượng dừa của toàn tỉnh là 672.745 tấn, đạt tỷ lệ 30,7%. Tỉnh có 52 tổ hợp tác và 18 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất trong chuỗi sản phẩm dừa.
Diện tích trồng chôm chôm tham gia chuỗi gần 58 ha/tổng diện tích chôm chôm toàn tỉnh là 3.787 ha, chiếm tỷ lệ 1,53%; sản lượng chôm chôm tham gia chuỗi là 869 tấn/tổng sản lượng chôm chồm toàn tỉnh 73.152 tấn, chiếm tỷ lệ 1,19%. Riêng diện tích bưởi da xanh tham gia chuỗi 374 ha/ tổng diện tích bưởi toàn tỉnh 9.442 ha, chiếm tỷ lệ 3,96%.
Theo CÔNG TRÍ (TTXVN)