Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện Bình Đại đạt 8.292 tỷ đồng, tăng 1,15 lần so với năm 2020, tạo việc làm cho hơn 31,78 ngàn lao động. Ảnh: Trung Hiếu
5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Theo Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng, Huyện ủy đã chủ động trong xây dựng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả theo hướng phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gồm: Phát triển đột phá kinh tế thủy sản gắn với công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, năng lượng sạch, du lịch và đô thị trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chủ yếu, tạo nền tảng, động lực để phát triển về hướng Đông. Chú trọng lãnh đạo công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội gắn với tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo trong nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lãnh đạo, điều hành thực hiện tốt định hướng phát triển Bình Đại về hướng Đông.
Qua 2 năm triển khai thực hiện, huyện đã đạt được một số thành tựu và kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Quy mô nền kinh tế theo giá trị sản xuất năm 2022 đạt 14.038 tỷ đồng, tăng 1,13 lần và thu nhập bình quân đầu người đạt 61,88 triệu đồng/người, tăng 1,22 lần so với năm 2020. Năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 5.160 tỷ đồng (chiếm 22,46% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh), tăng 2,23 lần so với năm 2020. An sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng.
Việc lãnh đạo thực hiện chủ trương phát triển tỉnh về hướng Đông đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế thủy sản được tập trung phát triển, phát huy vai trò kinh tế mũi nhọn. Tổng diện tích nuôi thủy sản hàng năm đạt 18.380ha. Trong đó, có khoảng 1.497ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC), tăng 1,9 lần so với năm 2020, góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu 4 ngàn ha nuôi tôm CNC của Tỉnh ủy. Sản lượng nuôi bình quân đạt 81 ngàn tấn/năm, chiếm 28,77% sản lượng toàn tỉnh. Tổng đoàn tàu khai thác trên biển hiện có 1.166 tàu, sản lượng hàng năm đạt trên 100 ngàn tấn. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 8.292 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 56,06% giá trị toàn ngành kinh tế), tăng 1,15 lần so với năm 2020, tạo việc làm cho hơn 31.780 lao động.
Hàng năm, giá trị sản xuất bình quân tăng 19,51%, cao hơn so với năm 2020 (18,43%). Huyện phát triển mới 127 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nâng tổng số toàn huyện có 526 cơ sở, giải quyết việc làm cho 20.383 lao động. Huyện đã phối hợp với ngành tỉnh cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Phú Thuận, đạt trên 98%.
Giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ bình quân hàng năm tăng 19,35%. Huyện đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, với các dự án lớn ven biển. Đến nay, có 2 nhà máy điện gió hoàn thành, với công suất 158MW; 1 nhà máy với công suất 30MW, chuẩn bị hoàn thành. 2 nhà máy điện gió Mekong và V.P.L Bến Tre đã đóng điện đưa vào vận hành, với công suất 34,2MW. Huyện đang tiếp tục thu hút các dự án năng lượng sạch theo quy hoạch.
Về du lịch, hàng năm có trên 120 ngàn lượt khách tham quan. Doanh thu đạt trên 20% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện, góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Dự án Chỉnh trang khu dân cư đô thị và chợ trung tâm huyện thực hiện các hạng mục khoảng 95%. Hiện huyện đang hoàn thành các thủ tục để di dời tiểu thương vào hoạt động. Xây dựng trung tâm xã Châu Hưng đạt tiêu chí đô thị loại V. Xây dựng trung tâm xã Thới Thuận cơ bản đạt 80/100 điểm đô thị loại V, nâng tỷ lệ đô thị hóa đạt 26,9% (tỉnh là 23%).
Dự án Xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản cho các xã tiểu vùng III và IV được triển khai. Huyện đề xuất Ban Quản lý các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện Dự án Hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng CNC tại các xã có điều kiện xây dựng vùng nuôi, nhằm phát triển mạnh mô hình nuôi tôm biển ứng dụng CNC trong thời gian tới.
Toàn huyện có 6 nhà máy nước đang hoạt động đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,3%; sử dụng nước sạch đạt 81,2%.
Hiện nay, dân số trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện là 95.442/138.010 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%. Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế 82.149 người, chiếm 86,07% tổng số dân trong độ tuổi lao động.
Đẩy mạnh phát triển về hướng Đông
Theo Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng, trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế biển gắn với thực hiện chủ trương phát triển tỉnh về hướng Đông của Tỉnh ủy, huyện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể là thiếu nguồn lực để đầu tư mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường huyết mạch quốc lộ 57B xuống cấp, chậm được đầu tư sửa chữa. Công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đầu tư trọng điểm còn khó khăn, ảnh hưởng việc triển khai thi công. Tuyến đường động lực ven biển, Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng CNC thực hiện còn chậm. Việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản chưa mang lại hiệu quả cao. Công nghiệp và du lịch phát triển chưa nhiều. Các dự án đô thị triển khai còn chậm…
Bình Đại có 1.166 tàu đánh bắt thủy sản, sản lượng hàng năm đạt trên 100 ngàn tấn. Ảnh: Hoàng Trung
Để giải quyết khó khăn, hạn chế, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quan điểm phát triển tỉnh về hướng Đông gắn với phát triển bền vững kinh tế biển. Tập trung mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, nhất là nhà máy chế biến thủy sản quy mô lớn, ứng dụng CNC để nâng giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các loại đô thị, nhất là đô thị loại III, IV, V và các khu đô thị ven biển. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản. Chú trọng mời gọi, thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí). Quan tâm lãnh đạo phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chủ yếu, tạo nền tảng để phát triển kinh tế biển…
Huyện đề xuất, kiến nghị sớm hoàn chỉnh các thủ tục, triển khai thực hiện tuyến đường bộ động lực ven biển, mở ra không gian phát triển mới. Từ đó, cấu trúc lại không gian hiện hữu để mời gọi đầu tư phát triển cho các huyện ven biển. Sớm hoàn thành và triển khai quy hoạch tỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng 3 huyện ven biển giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng CNC huyện Bình Đại. Đầu tư khép kín tuyến đê biển, âu thuyền An Hóa, nạo vét luồng lạch sông Cửa Đại, sông Ba Lai. Nâng cấp, mở rộng đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát…
Theo TRẦN QUỐC (Báo Đồng Khởi)