Bến Tre: Một người cao tuổi với hai sáng tạo

29/09/2023 - 09:04

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Hà Văn Khị (Hai Khị), 67 tuổi ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc nảy ra 2 sáng tạo rất thành công trong sản xuất, kinh doanh cây bông giấy.

A A

Ông Hà Văn Khị đang tỉa cành tạo tán cho vườn bông giấy đã ghép.

Nhà che mưa

Theo ông Hai Khị, cách nay gần 30 năm ông có trồng bông giấy để bán ở chợ Tết khoảng 200 chậu hàng/năm nhưng không hiệu quả vì bị mưa gần Tết khiến bông giấy ra hoa không nhiều. Ông chuyển sang trồng cây ăn trái (chôm chôm và măng cụt) cũng thất bại. Năm 2018, ông Hai Khị trở lại với nghề trồng bông giấy.

Vừa tỉa cành tạo tán cho bông giấy, ông Hai Khị vừa chia sẻ: “Tôi rất thích bông giấy. Gần 30 năm trước, tôi đã trồng bông giấy cao bồi thấy dở quá. 5 năm nay, tôi trồng bông giấy loại Thái, Mỹ và Ấn Độ. Sau nhiều năm, tôi thấy bông giấy kỵ trời mưa trong giai đoạn ra hoa. Tôi nảy ra ý tưởng làm nhà tiền chế có mái che mưa cho bông giấy. Mái lợp bằng tấm nhựa polycarbonate đặc ruột, chống thấm nước, chịu nhiệt tốt. Tấm nhựa polycarbonate đặc ruột chống ăn mòn bởi các hóa chất như: axit, kiềm…, thu nhiệt khá tốt, thời gian sử dụng trên 20 năm”.

Đến nay, ông Hai Khị đã hoàn thành nhà che mưa cho bông giấy. “Hầu hết nhà che mưa tôi làm cao từ 5,5 - 6,5m trên tổng diện tích 10 ngàn mét vuông hết 3 tỷ đồng. Từ tháng 11 âm lịch đến Tết hay có mưa. Mưa dầm lúc này thì bông giấy bị nổ lá và rụng lá rồi ra đọt, có cho ra hoa cũng xấu. Bông giấy trổ hoa gặp mưa dầm thì hoa cụp xuống khoảng 10% khiến giá bán giảm hơn 50% thế là lỗ. Cho nên, tôi cất nhà tiền chế có mái che mưa là rất cần thiết. Có nhà che mưa thì xử lý cho ra hoa bất cứ lúc nào, không lệ thuộc nắng mưa”.

Kích thích ra hoa

Cây bông giấy có trên 20 chủng loại, với 5 màu chủ yếu: đỏ, trắng, vàng, cam, hồng. Riêng bông giấy Ấn Độ tự đổi màu theo thời tiết nhưng khó làm ra hoa quanh năm. Ông Hai Khị chỉ thích bông giấy Thái vì cho ra hoa quanh năm. Một bông giấy cho ra 1 màu, muốn nhiều màu thì phải ghép (khách hàng chỉ thích 3 màu hoặc 5 màu/cây). Ông Hai Khị cho biết: “Mỗi cành cho ra 1 chùm hoa là chưa đủ. Năm 2019, tôi nghĩ ra cách sử dụng thuốc kích thích ra hoa làm cho các mầm ra đọt, ra gai phải ra hoa hết. Ngay nách lá có 2 mầm: ra bông và ra gai; dưới gai có 1 mầm ra đọt lá. Khi mầm ra gai, tôi cho ra hoa và mầm dưới gai ra đọt tôi sử dụng thuốc kích thích cho ra hoa luôn. Do đó bông giấy của tôi nở dày đặc như bông mào gà, hầu như không thấy lá. Tôi đã thành công việc xử lý ra hoa 100% cách nay 3 năm, bằng cách pha trộn các loại thuốc kích thích ra hoa như: Nutrilux super flower, Đầu trâu 701, Grow More 10-55-10… Nhưng phun thuốc kích thích ra hoa phải đúng thời điểm, đúng liều lượng mới đạt hiệu quả”.

Ngoài bông giấy Thái nở hoa vào dịp Tết, ông Hai Khị còn trồng 1.200 cây bông giấy Mỹ trong chậu xi-măng trên diện tích khoảng 2.000m2. Mỗi năm bán 200 gốc rễ bông giấy Mỹ để ghép bông giấy Thái làm kiểng bonsai. “5 năm qua, tôi chỉ làm 2 sản phẩm hoa giấy bonsai và hoa giấy tàng (từ mặt chậu lên cao khoảng 40cm và từ mặt chậu lên cao khoảng 1,2m). Khi tạo tán thì bón nhiều phân đạm, ít phân Kali; trong giai đoạn làm cho ra hoa thì bón phân đạm ít, Kali nhiều. Tết Nguyên đán năm 2024, tôi đưa ra thị trường 30 chậu lộc bình hoa giấy Thái cao 2,5m”, ông Hai Khị phấn khởi cho biết thêm.

Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Mỏ Cày Bắc Phạm Văn Lên nói: “Ông Hà Văn Khị là người cao tuổi làm kinh tế giỏi, với 2 sáng tạo (nhà che mưa và kích ra hoa 100% trong sản xuất kiểng bông giấy, vừa được UBND huyện tặng giấy khen, rất đáng để thế hệ trẻ trong và ngoài huyện noi theo. Được biết sắp tới ông Hai Khị sẽ làm kiểng thú bằng cây bông giấy”.

Theo HOÀNG VŨ (Báo Đồng Khởi)