Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Thái Bình tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP.
Đa dạng sản phẩm OCOP
Một trong những hoạt động nổi bật của Chương trình OCOP tại huyện Giồng Trôm là tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiềm năng OCOP trong và ngoài tỉnh. Tại đây, người tiêu dùng có cơ hội được tìm hiểu và trải nghiệm những sản phẩm chất lượng cao, mang đậm hương vị quê hương. Trong quý I-2024, huyện đã tổ chức trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP trong chuỗi hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Để chương trình OCOP phát triển hiệu quả, vừa qua, huyện đã tổ chức khảo sát các sản phẩm OCOP tiềm năng trên địa bàn các xã Phước Long, Thạnh Phú Đông, Hưng Nhượng, Mỹ Thạnh. Qua khảo sát, huyện đã nắm được nhu cầu hỗ trợ của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, từ đó xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí OCOP hợp lý. Nguồn vốn hỗ trợ được huy động từ nhiều nguồn, bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2024 và nguồn kết dư từ năm 2022, 2023.
Nhờ triển khai hiệu quả, Chương trình OCOP tại Giồng Trôm đã đạt được những thành tựu đáng kể. Lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện có 51 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 48 sản phẩm đạt 3 sao.
Chủ cơ sở sản xuất dừa xiêm xanh Kim Xa, xã Châu Bình Nguyễn Thị Kim Xa cho biết: Sản phẩm dừa xiêm xanh của cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP vào tháng 7-2023. Từ khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm có nhiều khách hàng biết đến, tiếp cận được nhiều thị trường lớn và tiêu thụ hàng với số lượng lớn hơn. Khi chưa nhận chứng nhận OCOP, mỗi ngày cơ sở bán ra thị trường từ 1.000 - 1.500 trái, sau khi đạt OCOP, mỗi ngày tiêu thụ từ 2.000 - 5.000 trái. Trong quý I-2024, sản phẩm dừa xiêm xanh của cơ sở đã được trưng bày ở nhiều nơi như: các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của huyện Giồng Trôm, Đại hội Nữ doanh nhân tỉnh lần II, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Ngày hội Thanh niên khởi nghiệp năm 2024, Ngày hội Du lịch tỉnh. Ngoài ra, cơ sở còn tạo thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho lao động địa phương với mức lương từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.
“Để đạt được kết quả trên là do huyện luôn xác định mục tiêu của Chương trình OCOP là khơi dậy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn phát triển bền vững. Sản phẩm OCOP đã góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Chương trình OCOP đã tạo sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm đặc trưng của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Vũ Phong cho biết.
Hướng đến phát triển bền vững
Nhận thấy được những giá trị của Chương trình OCOP, để từng bước phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện tiếp tục quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP để lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Hỗ trợ tích cực cho các chủ thể về hồ sơ, thủ tục và các vấn đề liên quan. Đồng thời, tiếp tục chú trọng tạo điều kiện cho các chủ thể về hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, ưu tiên mở rộng quy mô đất đai cho sản xuất. Tập trung đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP; các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã về chuyên môn quản lý, cách thức sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tập huấn đăng ký ý tưởng kinh doanh...
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Vũ Phong cho biết: Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân; khẳng định vị thế của sản phẩm địa phương trên thị trường. Huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024, phát triển đạt thêm ít nhất 5 sản phẩm OCOP. Huyện đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP, đa dạng hóa các sản phẩm tham gia, với mục tiêu đưa thêm nhiều sản phẩm địa phương đạt chuẩn OCOP. Đồng thời chú trọng việc hỗ trợ tối đa cho các hộ sản xuất trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, chế biến tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP.
Theo DIỆU HIỀN (Báo Đồng Khởi)