Thạc sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên - Chi hội trưởng Chi hội 3, Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh trao tặng tuyển tập nhạc cho lãnh đạo UBND huyện.
Chi hội 3, Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh là những NS tên tuổi, đã có nhiều sáng tác về đất nước, con người Việt Nam, cổ vũ quá trình bảo vệ, xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới, được công chúng đón nhận. Cuối năm 2020, các NS Chi hội 3 có chuyến về thăm, tìm hiểu tại huyện Giồng Trôm và sau đó đã cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc bày tỏ tình cảm về vùng đất, con người nơi đây. Vừa qua, nhân dịp Tết Trung thu, huyện Giồng Trôm và Chi hội 3, Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất tổ chức công bố, giới thiệu một số tác phẩm đã sáng tác về Giồng Trôm. Trong đó có các bài như: Gửi anh một chút hương tình (nhạc Nguyễn Văn Hiên, thơ: Trúc Hạnh), Thương nhớ Giồng Trôm (nhạc: Lê Vinh Phúc, thơ: Trần Thiện Hà), Yêu biết mấy quê dừa (nhạc: Nguyễn Văn Hiên, thơ: Uyên Dung), Bài ca nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định (Phạm Hoàng Long), Thương quá Giồng Trôm (nhạc: Nguyễn Văn Hiên, thơ: Tuyết Minh), ca cổ Tạm biệt Giồng Trôm (nhạc Kiều Tấn Minh, thơ: Trần Thiện Hà, vọng cổ: Lâm Hữu Tặng)…
Là người quê gốc Bình Định, hoạt động âm nhạc tại TP. Hồ Chí Minh nhưng Thạc sĩ - NS Nguyễn Văn Hiên - Chi hội trưởng Chi hội 3, Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh đã dành nhiều tình cảm cho Bến Tre thông qua nhiều hoạt động sáng tác, gắn kết tại nơi này. Ông đã có nhiều tác phẩm âm nhạc viết về vùng đất, con người Bến Tre, trong đó có các tác phẩm về quê hương Giồng Trôm.
Với giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm, bài Gửi anh một chút hương tình (thơ: Trúc Hạnh, nhạc: Nguyễn Văn Hiên) đã đưa người nghe về với Giồng Trôm trong sự ấm áp, ngọt ngào: “Giữa những cù lao bốn bề sông nước, bỗng ấm lòng nghe khúc hát anh trao “Giồng Trôm yêu thương” tha thiết dạt dào. Niềm hạnh phúc, tự hào trong ánh mắt. Quê hương em trải bao mùa chống giặc. Vẫn kiên cường trong lửa đạn mưa bom. Viết trang sử hồng huyền thoại Giồng Trôm. Làm rạng rỡ quê mình đất nước, non sông. Tiếp nối cha anh những người đi trước. Xây dựng quê hương thêm no ấm đẹp giàu…”.
Hay như bài Yêu biết mấy quê dừa (thơ: Uyên Dung, nhạc: Nguyễn Văn Hiên) cũng là một tác phẩm âm nhạc đong đầy cảm xúc: “Về Bến Tre nghe thân thương giọng nói, ấm áp ngọt ngào ơi cô gái miền Tây, về Giồng Trôm về thăm những hàng cây, sông nước vườn dừa, đồng xanh cánh cò bay. Về Bến Tre nghe ai ca vọng cổ, trên những con đò đưa khách qua sông, áo bà ba, má hồng em xinh quá, ngơ ngẩn anh nhìn quên hết đường xa. Hò ới, hò ơi, mai xa rồi anh nhớ, tình quê chan chứa nói sao cho vừa, nón lá nghiêng che e ấp bên hàng dừa, chờ anh em nhé, chờ anh. Về Giồng Trôm nhớ người đi trước, trung dũng, kiên cường, bất khuất vì quê hương, cho ngày nay, Bến Tre thêm đổi mới, đẹp tình người, yêu biết mấy quê hương…”.
Với nhiều di tích lịch sử danh tiếng như: Khu tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa), Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống (xã Tân Hào); Đền thờ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (xã Thạnh Phú Đông); Di tích ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác (nơi làm việc của đồng chí Lê Duẩn từ tháng 11-1945 đến tháng 3-1956) (xã Hưng Lễ)... cùng làng nghề Bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề đan đát, thủ công mỹ nghệ và các tuyến du lịch sinh thái đã làm nên những chất liệu sáng tác cho các NS.
Với lòng kính trọng vị nữ tướng tài ba Nguyễn Thị Định, NS Phạm Hoàng Long đã sáng tác ca khúc Bài ca Nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định đong đầy tình cảm và niềm tự hào dân tộc: “Chiều Giồng Trôm, bên dòng sông Hàm Luông, bóng dừa nghiêng nghiêng trong gió nghe lòng miên man, lòng chợt nhớ về người anh hùng Nguyễn Thị Định, vị nữ tướng quân anh hùng của Việt Nam. Đồng khởi Bến Tre bao ngày vùng lên tranh đấu, vẫn một lời thề trọn vẹn với non sông. Thương người còn đó, nữ anh hùng muôn thuở, dẫn đầu đoàn quân đoàn tàu không số… Thương người còn đó nữ anh hùng vang danh muôn thuở, khói tỏa nghìn thu, sống làm tướng, chết thành thần…”.
Theo thông tin từ UBND huyện Giồng Trôm, huyện sẽ tiếp tục giới thiệu các ca khúc của các NS Chi hội 3, Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh trong các chương trình sự kiện do huyện tổ chức trong thời gian tới. Dự kiến, năm 2025, huyện sẽ ra mắt tuyển tập bài hát gồm 50 tác phẩm viết về quê hương Giồng Trôm.
Tại chương trình giới thiệu các ca khúc viết về Giồng Trôm, Thạc sĩ - NS Nguyễn Văn Hiên - Chi hội trưởng Chi hội 3, Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh đã trao tặng huyện 50 quyển tuyển tập các bài hát về thiếu nhi cho huyện Giồng Trôm. Đồng thời, NS cũng đã trực tiếp hướng dẫn các em thiếu nhi hát bài “Giồng Trôm vui Tết Trung thu” do chính ông sáng tác.
Theo ÁNH NGUYỆT (Báo Đồng Khởi)