Bến Tre: Vốn đầu tư công đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023

03/01/2023 - 14:33

Với quyết tâm, khát vọng phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh trong năm 2021-2022 đã tập trung huy động nguồn lực, triển khai nhiều chương trình, dự án trọng điểm có vai trò dẫn dắt, tác động đến sự phát triển của địa phương.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn tiếp chào xã giao ngài Samuel Jonathan Wood - Phó tổng lãnh sự Anh tại TP. Hồ Chí Minh (tháng 8-2022).  Ảnh: C. Trúc

Kinh tế tỉnh nhà đã từng bước phục hồi và phát triển khá sau đại dịch Covid-19 (GRDP năm 2021 tăng 1,45% và năm 2022 tăng 7,33%, thu ngân sách nội địa tăng, phát triển doanh nghiệp, xuất khẩu tăng khá…). Với quyết tâm vươn lên nhóm khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre đặt mục tiêu năm 2023 phải tăng trưởng GRDP ít nhất là 9,3% và các năm còn lại của giai đoạn 2024 - 2025 phải tăng từ 12 - 15% để hướng mục tiêu cả nhiệm kỳ là tăng trưởng từ 8,5 -  9,5%. Đây là mục tiêu cao nhưng có thể đạt được khi chúng ta có quyết tâm chính trị, đồng lòng, triển khai các chương trình, dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và dành đủ nguồn lực làm công trình nào, xong công trình đó, không làm ngoài kế hoạch trung hạn, chưa có nguồn. Năm 2023, Bến Tre cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp.

Nhóm thứ nhất: Tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công (trong đó có 11 công trình, dự án trọng điểm của nhiệm kỳ): Năm 2022, tỉnh đã thông qua kế hoạch vốn hơn 4.600 tỷ đồng, nhưng giải ngân đến cuối năm ước chỉ được khoảng 85%, trong đó có 3 dự án vốn ODA có tỷ lệ giải ngân rất thấp, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh. Năm 2023, vốn đầu tư công đã được thông qua HĐND tỉnh và vốn Trung ương thực hiện trên địa bàn là 6.700 tỷ đồng (trong đó địa phương quản lý 5.426 tỷ đồng, còn lại là Trung ương quản lý). Phải tập trung dốc sức ngay từ đầu năm 2023 để thực hiện và giải ngân.

Những nguyên nhân ảnh hưởng đến giải ngân đã được xác định, trong đó công tác chuẩn bị đầu tư ở các cơ quan, địa phương, công tác giải phóng mặt bằng và sự vào cuộc của các cơ quan được giao kế hoạch vốn, các cơ quan phối hợp trong cả quá trình đầu tư. UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn qua 2 tổ công tác thường xuyên, áp dụng các cơ chế đặc thù, linh hoạt, kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý vốn, chủ đầu tư; kịp thời điều chỉnh vốn, không để ngâm, dàn trải vốn trong khi bố trí không đủ vốn cho các công trình có tiến độ tốt, tác động lớn đến đời sống nhân dân.

Trong thực hiện chương trình đầu tư công năm 2023 phải tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả 3 chương trình mà Bến Tre được Trung ương hỗ trợ nguồn vốn gồm:

1. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với khoảng 1.045 tỷ đồng (phải giải ngân xong trong năm 2023, năm cuối của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội) cho công trình đường gom cầu Rạch Miễu 2 (692 tỷ đồng); 3 công trình Trung tâm Y tế huyện Bình Đại, Ba Tri và Trung tâm CDC tỉnh (153 tỷ đồng) và dự án đê bao xã Tam Hiệp (200 tỷ đồng). Với bất kỳ hoàn cảnh nào, các chủ đầu tư và địa phương phải tập trung giải ngân 100% nguồn vốn được Trung ương bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn.

2. Thực hiện có hiệu quả cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững, trong đó bố trí đủ nguồn cho các dự án tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM và năm 2023 công nhận thêm 15 xã mới đạt chuẩn; trong 4 huyện đăng ký đạt chuẩn NTM vào năm 2025 thì phải có ít nhất 1 huyện cơ bản hoàn thành chỉ tiêu năm 2023 (hiện nay Mỏ Cày Nam là huyện có nhiều khả năng nhất).

3. Tập trung xử lý, thúc đẩy tiến độ và bố trí nguồn vốn cho các dự án thuộc 11 công trình, dự án trọng điểm, trong đó phải chú ý các dự án động lực đang triển khai là cầu và tuyến đường Rạch Miễu 2, tập trung dứt điểm giải phóng mặt bằng và thi công đồng bộ trong năm 2023, tạo động lực cho nhiều dự án đô thị, khu dân cư và du lịch khởi động trong giai đoạn 2023 - 2025. Dự án Khu công nghiệp Phú Thuận đã cơ bản bồi thường giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư hạ tầng để các nhà đầu tư thứ cấp có thể triển khai, phục vụ phát triển kinh tế, tạo năng lực sản xuất mới cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và thương mại. Trong lĩnh vực y tế, ngay trong quý I-2023 phải khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre (ODA Hàn Quốc), hiện đang chọn đơn vị thi công sau thời gian dài đấu thầu quốc tế. Khi dự án này triển khai cũng là động lực cho các dự án đô thị dọc sông Hàm Luông, Tây Bắc TP. Bến Tre chuyển động và đàm phán vốn vay cho dự án đường động lực tuyến ven biển.

Ngoài các dự án trọng điểm nêu trên, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã được thông qua là 5.426 tỷ đồng, bố trí vốn cho 335 dự án (trong đó 140 dự án chuyển tiếp hoàn thành năm 2023; 86 dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2023; 53 dự án khởi công mới, bao gồm đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia và gần 1.300 tỷ đồng vốn do Trung ương quản lý thực hiện trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo động lực cho các nguồn vốn xã hội hóa khác triển khai).

Các chủ đầu tư và địa phương khi được giao quản lý nguồn vốn phải thực sự có trách nhiệm, đủ năng lực, triển khai hiệu quả nguồn vốn qua chọn được đơn vị tư vấn, thi công, giám sát đủ năng lực, đốc thúc thi công nhanh; phối hợp đồng bộ với các cơ quan quản lý nhà nước về thủ tục, đấu thầu, giám sát, nghiệm thu, thanh toán; kịp thời điều chỉnh vốn cho các công trình, dự án đầu tư, chống các hành vi nhũng nhiễu, chọn đơn vị không đủ năng lực thi công; quy trách nhiệm cho người đứng đầu các ban quản lý dự án, quản lý vốn về giải ngân và hiệu quả đầu tư.

Thi công đường huyện lộ 26, nối huyện lộ 17 và quốc lộ 57, đoạn xã Hòa Lợi (Thạnh Phú). Ảnh: Trúc Nguyễn

Thi công đường huyện lộ 26, nối huyện lộ 17 và quốc lộ 57, đoạn xã Hòa Lợi (Thạnh Phú). Ảnh: Trúc Nguyễn

Nhóm thứ hai: Triển khai các dự án từ nguồn vốn doanh nghiệp

Nhà đầu tư (xã hội hóa) đã được cam kết trong năm 2021-2022, nhất là các bản ghi nhớ (MOU) giữa tỉnh và các đối tác chiến lược. Hiện nay đã có hơn 10 MOU được ký kết trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đang nghiên cứu để biến ý tưởng thành dự án đầu tư. Trong các dự án nguồn xã hội hóa, tập trung vào nhóm các dự án đô thị đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương. Hiện nay, trong số 36 chủ trương đã được thông qua, tỉnh lựa chọn các dự án đủ điều kiện về quy hoạch (chung, phân khu), kế hoạch sử dụng đất, hạ tầng, dân cư gắn với nâng chất hạ tầng đô thị (trung tâm đô thị loại II, IV...) để triển khai trước (như lựa chọn nhà đầu tư, quy hoạch chi tiết, tái định cư…).

Trong năm 2023, tập trung khởi động các dự án khu vực TP. Bến Tre (như Mỹ Hóa, Mỹ An, Đông Bắc Phú Khương, An Thuận…) làm điểm để triển khai cho các trung tâm huyện. Trong quá trình triển khai, chú ý hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Công tác tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo dự án được triển khai nhanh, đủ về pháp lý và đáp ứng lợi ích của các bên. Kinh tế đô thị là động lực cho sự phát triển, đóng góp 60 - 75% GRDP nên phải được xem là trụ cột và phải kiên trì trong chỉ đạo, điều hành theo Nghị quyết của Trung ương và địa phương.

Nhóm thứ ba: Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại phục vụ xuất khẩu

Năm 2022, tỉnh tập trung cho công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tiếp xúc, xúc tiến đầu tư - thương mại vào thị trường các quốc gia trên thế giới cho 3 nhóm hàng chủ lực là thủy sản, dừa, trái cây; ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác với các nước châu Á như Nhật Bản, Bỉ và châu Âu; trực tiếp tiếp xúc giới thiệu cho 25 đại sứ, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước và hơn 40 nước qua kênh trực tuyến; gặp gỡ các đại sứ, tổ chức quốc tế như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Áo, Thái Lan… để trao đổi về đầu tư, thương mại và lần đầu tiên sau 6 năm, trái bưởi da xanh của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và đang đàm phán thêm để vào thị trường New Zealand, Trung Quốc. Với các hoạt động này, tỉnh đặt mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu (năm 2022 là 1,5 tỷ USD và kế hoạch năm 2023 là 1,7 tỷ USD), riêng ngành dừa định hướng xuất khẩu 1 tỷ USD vào năm 2030 (hiện ước năm 2022 là 420 triệu USD). Với quỹ đất Khu công nghiệp Giao Long (Long Phước) và sắp tới là Khu công nghiệp Phú Thuận, năng lực sản xuất mới của tỉnh chắc chắn sẽ gia tăng, góp phần mở rộng xuất khẩu, đóng góp cho tăng trưởng GRDP trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Với khát vọng phát triển tỉnh ngang bằng khu vực vào năm 2025, tỉnh phải đi nhanh, vững chắc với quyết tâm, quyết liệt hơn nữa. Muốn vậy, phải thay đổi phương thức lãnh đạo, điều hành, biết chọn trọng tâm, then chốt để tập trung thực hiện, đoàn kết, hành động cao nhất bằng kết quả cụ thể, hành động thực tiễn, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, vừa giải quyết các vướng mắc còn tồn đọng, vừa phải làm nhanh những dự án đã xác lập nguồn lực, trên dưới đồng lòng hành động. Người đứng đầu các ngành, các cấp, địa phương phải hiểu sự chậm trễ, không làm hết trách nhiệm của mình chính là nguyên nhân không hoàn thành mục tiêu và làm cho tỉnh tụt hậu ngày càng xa hơn khu vực và cả nước.

Theo Báo Đồng Khởi