Bình dị người xứ Mũi

01/02/2023 - 08:27

Người dân xứ biển của Ngọc Hiển (Cà Mau) chân chất hiền hoà, phóng khoáng, mến khách, chịu chơi... đã tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng đất cực Nam Tổ quốc, khó nơi nào có được.

A A

Ngọc Hiển có 3 cửa biển lớn (Ðất Mũi, Rạch Gốc, Bồ Ðề) và hơn 50 cửa sông thông ra biển, nơi giao nhau giữa nước phù sa vuông tôm với nước biển mặn; được mẹ thiên nhiên ưu đãi về thuỷ hải sản tôm, cá… giúp người dân có cuộc sống khấm khá và làm giàu từ nuôi thuỷ sản với nghề nuôi tôm sú, xem canh với cua, vọp, sò huyết. Dọc theo các ngã sông có nhiều nhà sinh sống để tiện bề mua bán, trao đổi hàng hoá, khai thác thuỷ sản; là nơi để các tiểu thương bày bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống người dân địa phương phục vụ khách du lịch.

Khung cảnh thiên nhiên với rừng đước, quanh năm biển mặn với bức tranh sinh hoạt đời thường, đầm ấm của người dân gắn bó với sông nước bao la.

Nếp ăn, nết ở của người dân vùng sông nước đã hình thành nên những giá trị văn hoá đặc sắc cần được khai thác trong hoạt động du lịch.

Ông Nguyễn Công Trực (Tư Trực), ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, bên tách trà cùng đôi chuyện về văn hoá, con người vùng đất cực Nam, ông Tư Trực kể đến hàng loạt cái chịu chơi, chịu làm của người dân xứ biển, không phải ngày xưa mà cho đến tận hôm nay nó được thể hiện là mỗi khi có tiệc… là cùng hỗ trợ nhau để chiêu đãi khách.

Từ con cá, cọng rau cây nhà lá vườn tạo nên một bữa ăn đãi khách thịnh soạn. Cái tính hào phóng, chịu chơi nó được hình thành từ ngày khai thiên, lập địa của cư dân từ các vùng khác nhau về đây sinh sống. Ngày xưa đất rộng, người thưa nên người dân cần hỗ trợ nhau để cùng phát triển kinh tế. Dần dần mối đoàn kết đó khăn khít giữa tình làng, nghĩa xóm ngày thêm thắt chặt, bền lâu. Ðến hôm nay tình nghĩa xóm làng vẫn còn như trước, bà con gần xóm nhau không chỉ lo kinh tế mà cùng hỗ trợ nhau trong lúc tối lửa, tắt đèn.

Ông Lâm Toàn, ấp Ông Ðịnh, xã Tân Ân Tây, kể, trước có mấy người bạn ở Sài Gòn đến nhà chơi, gia đình đãi những con tôm sú nhảy đành đạch xổ ra từ vuông nhà đem đi luộc, tôm chín chỉ chấm nước mắm chua ngọt ăn kèm với rau sống, uống vài ly rượu trắng thế mà mọi người lại nhớ mãi cho đến hôm nay. Họ nhớ về cái tình, cái nghĩa của người dân xứ biển chiêu đãi khách bằng cả tấm lòng, chơi ra chơi, làm ra làm. Thấm thoát đã hơn chục năm những người bạn ấy vẫn nhớ hoài buổi tiệc nhậu đó. Rồi cũng nhớ món quà cây nhà lá vườn của khô cá ngát, mắm tôm của nhà làm biếu khách.

Chính cuộc sống phóng khoáng đã để lại dấu ấn đẹp trong bạn bè phương xa. Cái chịu chơi còn thể hiện những câu chuyện hàn huyên kể cả đêm, cùng bên tách trà, ly rượu họ chia sẻ nhau về những thành công, khó khăn trong cuộc sống… nhằm thắt chặt thêm cái nghĩa, cái tình với nhau.

Chính cái phóng khoáng, chịu chơi đã làm nên thương hiệu của người dân bản địa mấy chục năm và cả đời gắn bó với cây rừng, con tôm, con cá. Họ chơi tới bến nhưng không phải bỏ bê công việc, thường hậu tiệc mỗi người mỗi việc như người đi biển, người vá lưới, người xổ vuông tôm để làm kinh tế… Năm tháng cứ trôi qua, công việc của họ vẫn gắn bó với quê hương của xứ biển này.

Ông Lâm Toàn chia sẻ, có những bậc tiền bối cũng chịu chơi lắm, chơi là phải tới bến, có khi ói cả mật xanh. Nhiều người ói rồi nói với lòng sẽ không nhậu nữa, nhưng khi có tiệc vẫn nhậu, lai rai vài ly là qua tuôn luôn, nhậu đến nỗi không ai nhậu lại.

Người dân xứ biển của Ngọc Hiển chân chất, hiền hoà, phóng khoáng, mến khách, chịu chơi...

Tính cách văn hoá của vùng đất cực Nam được hình thành trong quá trình khai hoang, mở đất phương Nam. Trong quá trình ấy, môi trường tự nhiên và điều kiện xã hội đã tác động, dần hình thành những đặc điểm riêng mang phong cách văn hoá miền biển. Trong đó, những đặc trưng hình thành từ điều kiện tự nhiên, như đặc trưng của vùng quê sông nước đi lại bằng xuồng, nhà cách nhà rất xa, tình cảm người dân quý mến nhau, tối lửa tắt đèn cùng nhau giúp đỡ và đoàn kết cùng góp sức phát triển kinh tế. Qua đó tạo nên tính nhiệt tình, chất phác, tính bao dung để gắn kết quan hệ xã hội và gia đình.

Tất cả những nét sinh hoạt, nếp ăn, nết ở của người dân vùng sông nước đã hình thành nên những giá trị văn hoá đặc sắc cần được khai thác trong hoạt động du lịch hiện nay ở Ngọc Hiển.

Trưởng phòng Văn hoá, Thông tin huyện Ngọc Hiển, ông Lê Chí Thắng cho rằng, nét đặc trưng văn hoá Ðất Mũi được thể hiện như những phẩm chất đẹp truyền thống không chỉ trong suy nghĩ, hành động cá nhân; mà còn được biểu hiện sâu rộng trong ứng xử văn hoá cộng đồng trên bình diện giao tiếp, trọng nghĩa, trọng tình./.

Theo CHÍ HIẾU (Báo Cà Mau)