Bồi lở khúc sông Tiền

02/05/2024 - 09:45

Sông quê tôi không thi vị như trong thơ ca, không có cảnh nước trong vắt in hình những làn mây trắng, cá lội nhởn nhơ mà bát ngát đậm màu phù sa vào mùa nước lũ.

A A

Tôi sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà của ngoại. Như bao người dân miền Tây, nhắc đến quê nhà là nhắc đến một dòng sông. Đó là sông Cửu Long với hai dòng Tiền Giang và Hậu Giang. Con sông Tiền khi chảy qua quê tôi Sa Đéc – Đồng Tháp lại tách làm hai nhánh nhỏ bao quanh vùng đất này như một cù lao, trước khi hòa lại thành một dòng đổ ra biển Đông.

Cánh đồng quê tôi được sông Tiền bồi đắp phù sa từ bao đời nên mang lại cuộc sống ấm no sung túc cho bà con nơi đây. Những ngày hè, trẻ con chạy suốt cánh đồng gió lộng, thỏa sức thả diều hay dựa vào các cây rơm ngả mình ngắm mây trời.

bo ke moi doc song tien doan doi dien lang tan hung phuong 4 da lo mat.jpg

Sông Tiền đoạn đối diện làng Tân Hưng, phường 4, thành phố Sa Đéc.

Hơn 50 năm trước, ngày ngày tôi theo ngoại ra bến sông đón những chiếc xuồng tam bản mua từng bó lát về dệt chiếu cùng bà con trong làng. Bến sông đó nằm ở nơi nước ít chảy xiết nhất của dòng sông. Ghe, xuồng từ bờ phía bên kia thuộc địa phận Cao Lãnh - nơi trồng nhiều lác nhất, luôn ghé bờ buôn bán. Bến sông ấy chỉ tầm vài mươi mét vuông nhưng luôn kín chỗ đậu. Người mua trên bờ, kẻ bán dưới sông, qua đôi ba tiếng ngã giá là xong một lần giao dịch… Những bó lác nặng chừng mười ký, được chuyển lên bờ nhanh chóng, tiền trao tay ngay. Việc buôn bán lấy chữ tín làm đầu, không có việc lác kém chất lượng hay dìm giá lẫn nhau.

Con sông quê tôi đầy cá tôm. Nhiều gia đình sống quanh năm nhờ vào đấy. Tôi nhớ nhà ông Hai trong xóm có một chiếc xuồng máy nhỏ, trên có giàn lưới để kéo cá trên sông. Cứ tối khuya, ông và người nhà nổ máy chạy dọc theo sông, chừng vài giờ là cá tôm đầy ắp. Cá bông lau, cá chẽm, cá hô… mỗi con 3 -5 kg là thường. Khi nấu canh, kho mặn, chỉ một khứa cá đã để tràn một đĩa lớn, bốn người ăn chưa hết. Tôm thì không con nào nhỏ hơn cườm tay người lớn. Lúc bấy giờ, bà con quê tôi không nhìn đến con cá linh, cho dù đang mùa nước đổ, chỉ cần vài tay lưới là cá đầy khoang, bởi cá linh giá rẻ, không ngon bằng các loài cá đánh được trên sông, nên chỉ ủ làm mắm.

Cũng trên bến sông ấy, tôi có một kỷ niệm nhớ mãi đến giờ. Một tối, tôi theo ba má qua thăm nhà hàng xóm. Khi ba má vào nhà chuyện trò, tôi lẻn xuống bến sông nghịch nước. Nào ngờ, sóng to lôi tôi ra ngoài. Tôi chới với, bị dòng nước cuốn đi. May mắn, tôi được một cô giáo nhà kề bến sông, đang gội đầu gần đấy nhìn thấy. Cô lao xuống dòng nước nắm lấy áo, đưa tôi vào bờ. 

cac co giao den truong o que toi.jpg

Các cô giáo đến trường ở quê tôi. Ảnh: Tư liệu

Sông quê tôi lớn, ghe, tàu qua lại suốt ngày, tiếng máy rền vang từ sáng sớm tới khuya. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi rõ bến tàu Sa Đéc là nơi tấp nập ghe thương hồ vận chuyển hàng hóa đi Nam Vang, tức Phnom Penh ngày nay. Dân gian lưu truyền câu ca dao: Nam Vang đi dễ khó về, trai đi có vợ, gái về có con, là có liên quan tới sông quê tôi.

Những năm kháng chiến chống Pháp, mọi sự di chuyển của bà con trên con sông này bị kiểm soát nghiêm ngặt. Mọi hoạt động đánh bắt cá tôm bị dừng lại. Máy bay Pháp phát hiện có chuyển động trên sông là bắn phá ngay. Bà tôi mới ngoài hai mươi tuổi, bị bệnh nặng. Gia đình đưa bà lên một chiếc ghe tam bản tìm thầy lang chữa bệnh, bơi vừa một đoạn, bị máy bay Pháp phát hiện, bắn xối xả. Mọi người phải ráng hết sức mới lui vào bờ. 

Bà tôi mất để lại 3 đứa con thơ. Ông tôi sau đó gởi con cho người thân tìm lên Sài Gòn kiếm sống. Ông vào làm trong một hãng tàu chạy tuyến Sài Gòn - Nam Vang. Mỗi lần tàu qua sông Sa Đéc, ông nhờ chủ tàu cho súp-lê ba tiếng còi báo tin cho người nhà biết. Người thân đưa 3 đứa con lên xuồng nhỏ, bơi gấp rút ra đón. Ông tôi cho quà, tiền vào trong một túi nhựa rồi ném xuống sông. Người thân đợi tàu ngang qua, đón tìm vớt lên. Cứ thế mà ông nuôi các con đến lớn. Người con cả đó chính là ba tôi.

Rồi má tôi cũng theo bà ngoại bơi xuồng vượt sông vào căn cứ thăm ông ngoại. Má kể hồi ấy phải tính toán ngày giờ cho kỹ, để tránh máy bay của giặc. Khi bơi xuồng trên sông, bao giờ cũng mang theo đầy khoang những bụi lục bình. Nghe tiếng máy bay nếu nhắm vào bờ không kịp, má và ngoại liền lật xuồng, lặn xuống nước, đám lục bình đó nổi lên trên, che khuất, bảo vệ cho mình. Lục bình trên sông quê tôi dày đặc, nhất là mùa lũ nên khó mà phát hiện có người phía dưới. Bao giờ máy bay đi xa, má và ngoại lại trồi lên, lật xuồng lại, bơi tiếp, cho đến khi gặp được ông ngoại tôi. Chuyến về cũng vậy.

Mùa lũ năm 1978, con sông Sa Đéc quê tôi đã cuốn theo dòng nước cả nửa ngôi làng Tân Hưng, cuốn phăng cả cái nghề truyền thống của bà con là nghề dệt chiếu. Khu vườn của bà ngoại tôi rộng tầm 2 công đất với nhiều cây ăn trái, chỉ trong một đêm là biến mất. Đình làng to bậc nhất miền Tây có đến chục ngàn mét vuông cùng chung số phận. Ngôi trường tiểu học mà ba tôi làm hiệu trưởng ngay trên quê hương mình cũng bị cuốn trôi. Ba huy động thầy cô, cha mẹ học sinh di dời tài sản của trường đến từng viên gạch lát nền, tấm tôn che nắng, từng chiếc bàn học, từng tấm bảng đen… đến nơi an toàn, chờ xây dựng lại trường mới. 

Từ 2004 đến nay, bằng các nguồn vốn của trung ương và địa phương, Đồng Tháp đã xây dựng bờ kè sông Tiền dài 5km. Dự án này tạo nên một diện mạo mới cho TP Sa Đéc, mở ra tiềm năng và lợi thế để địa phương kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch. Tuyến đường sông cũng được chú ý khai thác. Du khách có thể đến thăm Sa Đéc với Làng hoa nổi tiếng và nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cùng chùa Kiến An Cung bằng tàu du lịch.

duong vao lang hoa sa dec.jpg

Đường vào làng hoa Sa Đéc.

Chưa hết một đời người mà người dân ở đây đã chứng kiến quá nhiều thay đổi. Tôi nhiều lần ra đứng chỗ bờ kè mới xây, nhìn về quê cũ giờ đã chìm dưới làn nước không để lại dấu tích, lòng bồi hồi vì không còn quê để về thăm như những người khác, nhưng lòng cũng vui vì đời sống bà con khấm khá hơn. Chuyện nửa đêm khuân vác của cải chạy lở đất đã đi vào quá khứ. Trường học, khu dân cư, trạm y tế khang trang hơn xưa. 

bo ke chan song song tien o phuong 3 tpsd.jpg

Bờ kè chắn sóng sông Tiền ở phường 3, thành phố Sa Đéc.

Dòng nước ngọt của sông quê là món quà của thiên nhiên góp phần làm nên tên tuổi của Làng hoa Sa Đéc, bánh phồng tôm, hủ tiếu… nức tiếng trong và ngoài nước. Những hộ dân nuôi cá bè, nuôi tôm và cả trồng cây lác được quy hoạch lại để vừa giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống vừa hạn chế những tác hại cho môi trường. 

Người dân từng bước thay đổi tập quán bỏ rác xuống sông, từ bỏ thói quen đánh bắt thủy sản bằng xung điện, tạo điều kiện cho đàn cá con phát triển lâu dài, nâng cao nhận thức về một dòng sông sạch, đẹp trên quê hương mình. Hàng năm ngành thủy sản tổ chức nhiều đợt thả cá con và các loài thủy sinh xuống sông Tiền. Những nỗ lực đó của chính quyền và nhân dân đã và đang góp phần khắc phục hậu quả lở đất, dịch chuyển dòng chảy của con sông quê tôi. 

Theo NGUYỄN HỰU NHÂN (VietNamNet)