Quá tải phòng bảo quản
Khác với các tỉnh, Cà Mau hiện chưa có một toà nhà bảo tàng được xây dựng để lưu trữ, bảo quản… một cách bài bản và nâng cấp hơn với các cổ vật, hiện vật, tư liệu… Hàng năm, công tác sưu tầm và bảo quản thường xuyên được diễn ra trong điều kiện khá hạn chế. Công tác sưu tầm của bảo tàng hiện theo nhiều chủ đề về thiên nhiên, con người, động vật, thực vật… đặc biệt là về 2 cuộc kháng chiến, chống Pháp và Mỹ. Với những bộ sưu tập sẵn có và liên tục phát hiện, tạo ra những bộ sưu tập mới quý giá hơn, Bảo tàng Cà Mau nỗ lực lưu giữ, bảo quản để khi có toà nhà bảo tàng được xây dựng sẽ đem ra trưng bày theo các chủ đề để phục vụ khách tham quan.
Số lượng hiện có ở Bảo tàng tỉnh là 65.961 hiện vật. Theo đánh giá, công tác bảo quản đang trong điều kiện cơ sở vật chất rất khó khăn. Hệ thống kho không đúng theo quy định của chuyên ngành. Các nhân viên tại Bảo tàng Cà Mau đã hết sức cố gắng trong việc sửa chữa, đánh giá hàng năm về không gian kho chứa các hiện vật; công tác bảo quản, kiểm kê được thực hiện đúng với quy trình được quy định nghiêm ngặt. Công tác phân loại cũng được tiến hành hàng ngày bởi có quá nhiều cổ vật thu thập được nhưng lại không đủ thời gian và nhân lực để phân loại ra.
Hiện tại, nhiều cổ vật, hiện vật vẫn chưa thể phân loại hết vì thiếu nhân lực và kho lưu giữ. Ảnh: NHẬT MINH
Công tác sưu tầm cổ vật cũng gặp khó khăn. Trước đây, cán bộ, người dân sưu tầm và sẵn sàng tặng lại cho bảo tàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do sự phát triển kinh tế - xã hội, có những hội nhóm, câu lạc bộ và cá nhân thích sưu tầm đồ cổ để giải trí hoặc trang trí cho quán cà phê, tạo không gian nhà xưa nên họ đã mua với giá cao. Khi nhân viên bảo tàng đi thu thập sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh, và mua bằng tiền là bước cuối cùng.
Ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Cà Mau, cho biết: “Anh em bảo tàng chủ yếu vận động để được người dân hiến tặng, phục vụ cho việc nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày. Bây giờ, gặp một cái ly có giá trị xưa, mình có ý xin hiến tặng nhưng có người khác lại muốn mua nên người ta bán. Như vừa rồi sưu tầm về chủ đề nông cụ, mình tiếp cận, thu thập được một ít. Tuy nhiên, lại phát hiện gần đó có một gia đình sưu tầm rất nhiều, họ đem đi bán mà không tặng cho bảo tàng. Ðó là khó khăn trong công tác sưu tầm hiện nay”.
“Về công tác sưu tầm, cái khó là có những hội nhóm trao đổi, mua bán phục vụ cho sở thích của họ. Tuy nhiên không hẳn ai cũng vậy. Trong năm 2022, Bảo tàng Cà Mau kết hợp với các nhóm sưu tầm đồ cổ ở TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và các huyện tỉnh An Giang, Bình Dương được bảo tàng vận động. Các nhà sưu tập cá nhân tặng bảo tàng hơn 600 hiện vật, chủ yếu về gốm Nam Bộ xưa. Trong hơn 600 hiện vật đó có những hiện vật có giá trị đối với việc nghiên cứu về quá trình người dân miền Tây cũng như Cà Mau đến khai phá vùng đất mới. Năm qua bảo tàng được khá nhiều hiện vật như thế, đây là tiếng vang cho những anh em sưu tầm tiếp tục hiến tặng hiện vật cho bảo tàng trong những năm tới. Chủ yếu về hiện vật công cụ, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, nhất là gốm”, ông Sơn cho biết thêm.
Gặp khó khăn về kho lưu trữ và công tác thu thập nhưng đội ngũ nhân viên Bảo tàng Cà Mau vẫn kiên trì khắc phục từng chút. Hy vọng của họ là chờ đợi ngày có một toà nhà bảo tàng xứng tầm nhằm trưng bày những cổ vật, hiện vật… mà họ hao tốn nhiều tâm sức tìm kiếm và tạo thành những bộ sưu tập quý giá.
Các nhân viên tại Bảo tàng Cà Mau đều mong mỏi một toà nhà bảo tàng tại Cà Mau được sớm xây dựng để trưng bày cho xứng tầm những giá trị văn hoá lịch sử mà họ lưu giữ. Ảnh: NHẬT MINH
Mong mỏi của cán bộ và Nhân dân
Do chưa có một toà nhà bảo tàng thực sự được xây dựng nên hiện tại, Bảo tàng Cà Mau chỉ có thể phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện các chương trình dịp lễ hội trong phạm vi hạn hẹp và trong điều kiện cơ sở vật chất giới hạn. Ðiển hình như, các trường học muốn có những giờ ngoại khoá cho học sinh thì chỉ loay hoay ở Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sân vườn được phục dựng… Các em chưa thực sự được chiêm ngưỡng những giá trị gắn liền với lịch sử và văn hoá của Cà Mau từ xa xưa đến nay.
Chị Trần Thị Lụa, ngụ Phường 4, TP Cà Mau, cho biết: “Tôi rất muốn cho con tham gia ngoại khoá ở những nơi nhiều ý nghĩa, như bảo tàng, thư viện… sẽ giúp con được học lịch sử một cách sinh động và dễ nhớ hơn. Nhưng hơi tiếc là chỉ tham quan ở Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu có những hiện vật, cổ vật được bày biện thì từ lời thuyết trình của hướng dẫn viên, con mình sẽ nghe và hiểu nhiều hơn, tiếp thu kiến thức văn hoá xã hội lịch sử tốt hơn”.
Em Trần Văn Vũ, lớp 6E, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP Cà Mau), chia sẻ: “Em rất muốn xem và học kiến thức nhiều khi tham quan bảo tàng, nhưng ở Cà Mau hình như chưa có. Lịch sử học chữ trong sách thì khó để lại ấn tượng. Nếu có cách dạy sinh động, như được ngắm các vật dụng của người xưa hay nhìn tận mắt các đồ dùng của cha ông mình xưa thì hấp dẫn chúng em hơn, nghe cũng nhớ lâu hơn là cặm cụi học từng chữ”.
Nhân viên Bảo tàng Cà Mau miệt mài phân loại các hiện vật, cổ vật sưu tầm được. Ảnh: NHẬT MINH
Thực tế, dự án xây bảo tàng ở Cà Mau đã được lên kế hoạch từ khá lâu nhưng do điều kiện quy hoạch, đất đai, kinh phí nên trong năm nay Bảo tàng đã tham mưu cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất UBND tỉnh tiếp tục triển khai dự án xây trụ sở bảo tàng. Ðề xuất này phù hợp với nghị quyết của Tỉnh uỷ, HÐND tỉnh trong việc xây dựng bảo tàng. Ðây là niềm mong mỏi của đa số nhân viên công tác tại Bảo tàng, đồng thời cũng là hy vọng của những người từng tham gia kháng chiến nay đã lớn tuổi muốn thấy nơi trưng bày và lưu giữ những giá trị lịch sử hào hùng một thời.
Ông Lê Minh Sơn cho biết: “Những công việc hiện nay các anh em bảo tàng làm để phục vụ cho trưng bày ở toà nhà bảo tàng trong tương lai. Số lượng hiện vật hiện khá phong phú theo các chủ đề về kháng chiến, tự nhiên, thực vật, động vật, phản ánh quá trình cư dân đi mở cõi, khẳng định vùng đất của Cà Mau từ xưa đến nay, cũng như hiện vật khai quật từ chiếc tàu đắm trên vùng biển Cà Mau. Số lượng hiện vật hiện nay khá nhiều, trên 65.900 hiện vật. Hiện nay bảo tàng tiếp tục điều chỉnh thông tin, cập nhật phần mềm quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số để phục vụ công tác tra cứu".
Cà Mau là một trong số ít tỉnh không có toà nhà bảo tàng. Kế hoạch xây một toà nhà bảo tàng phụ thuộc lớn vào nguồn lực của tỉnh cũng như điều kiện đất đai. Tuy nhiên, ai nấy vẫn mong mỏi và kỳ vọng sẽ sớm hiện thực hoá ước mơ chứng kiến toà nhà bảo tàng thực thụ trong tương lai không xa./.
Theo LAM KHÁNH (Báo Cà Mau)