Cà Mau: Giảm nghèo ở xã đặc biệt khó khăn

19/03/2024 - 14:51

Ðầu năm 2023, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, có 426 hộ nghèo, đến thời điểm này, số hộ nghèo giảm còn 282 hộ, chiếm 8%. Tuy vẫn ở mức khá cao nhưng đó là nỗ lực đáng ghi nhận.

A A

Khánh Lâm là 1 trong 6 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của tỉnh. Với xuất phát điểm thấp, kinh tế - xã hội khó khăn nên địa phương luôn quan tâm thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Ông Lê Thanh Mãi, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Các cấp, ban, ngành, chính quyền xã luôn quan tâm thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Người dân đa phần từ nhiều nơi về đây sinh sống, ít đất sản xuất, làm nghề đi biển hoặc lao động tự do, trình độ dân trí thấp, đông con, bệnh tật... nên thu nhập bấp bênh. Từ nguồn lực Nhà nước hỗ trợ thông qua các dự án, chương trình giảm nghèo, đời sống nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn từng bước ổn định”.

Nhờ những nguồn lực hỗ trợ, người dân phát triển kinh tế, số hộ nghèo tại xã Khánh Lâm giảm dần qua từng năm.

Gia đình bà Nguyễn Kim Cương, Ấp 5, trước đây thuộc diện hộ nghèo, nghề nghiệp không ổn định và không đất sản xuất. Thấy được sự quyết tâm, mong muốn thoát nghèo của gia đình, địa phương xét duyệt hỗ trợ cất căn nhà 44 triệu đồng, tạo điều kiện cho gia đình vay vốn chính sách 30 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ 4 con heo giống, 20 bao thức ăn, trị giá hơn 20 triệu đồng.

 Từ các nguồn vốn hỗ trợ kịp thời giúp gia đình bà Nguyễn Kim Cương an tâm sản xuất, tăng thu nhập.

“Trước đây, kinh tế chỉ dựa vào tiền làm thuê của chồng tôi. Nhờ được hỗ trợ cất nhà, cho vay vốn để làm ăn, lại còn cho con giống chăn nuôi, gia đình tôi có cơ hội phát triển kinh tế. Tôi rất mừng, cảm ơn chính quyền địa phương”, bà Nguyễn Kim Cương cho biết.

Theo đó, gia đình tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo vào cuối năm 2023. Từ thu nhập của chồng và thêm phần tích luỹ nhờ nuôi heo, bà Nguyễn Kim Cương sửa chữa lại chuồng trại, tái đàn, hy vọng thoát nghèo bền vững.

Cùng ở Ấp 5, gia đình ông Trương Văn Thống cũng tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo vào đầu năm nay, sau khi được trợ lực từ nguồn vốn đa dạng hoá sinh kế thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ðược hỗ trợ kinh phí 20 triệu đồng từ heo giống, thức ăn, vắc xin, gia đình ông chăn nuôi hiệu quả.

Ông Trương Văn Thống chia sẻ: “Không đất sản xuất, gia đình thuê đất làm vuông ở Ngọc Hiển, nhưng mấy năm nay giá tôm bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ðược hỗ trợ vốn chăn nuôi, tôi mừng lắm, vì có cơ hội làm ăn. Gia đình tôi ráng phấn đấu chăn nuôi, tích luỹ dần để cất lại căn nhà, ổn định cuộc sống”.

  Vui mừng khi được Nhà nước hỗ trợ con giống, hiện tại gia đình ông Trương Văn Thống đã tái đàn, phát triển mô hình chăn nuôi.

Ông Huỳnh Công Khang, Bí thư Chi bộ Ấp 5, chia sẻ: “Ðời sống bà con vùng này trước đây khó khăn lắm, đa phần là dân di cư đến đây làm thuê, không nghề nghiệp ổn định. Nhờ áp dụng các mô hình kinh tế phù hợp, cùng với nguồn vốn hỗ trợ kịp thời mà đời sống người dân dần khởi sắc hơn. Mong rằng các nguồn vốn giảm nghèo phát huy hiệu quả, góp phần cùng địa phương giúp hộ khó khăn thoát nghèo bền vững”.

Giai đoạn 2022-2023, với nguồn vốn gần 14 tỷ đồng được Trung ương hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (2021-2025), UBND xã triển khai thực hiện 10 công trình xây mới và sửa chữa lộ giao thông và 6 mô hình, dự án phát triển kinh tế.

“Thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt, sự linh hoạt, tận dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, xã hội hoá của địa phương, tin rằng số hộ nghèo, hộ khó khăn sẽ dần ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững”, ông Lê Thanh Mãi kỳ vọng./.

Theo HẰNG MY - PHƯƠNG DU (Báo Cà Mau)