Cà Mau: Gỡ khó để phát triển kinh tế rừng bên vững

14/03/2022 - 13:51

LTS: Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và việc phát triển kinh tế, nhất là nâng cao đời sống người dân trong lâm phần là hai nhiệm vụ song song luôn được tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Dù đã được sự chỉ đạo rất quyết liệt của các cấp, các ngành, cũng như chính quyền địa phương; song, do nhiều yếu tố khách quan từ các chính sách liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, cũng như sự chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện của các chủ rừng đã phát sinh nhiều mâu thuẫn, khó khăn cần tháo gỡ.

A A

Bài 1- Khó từ chính sách          

Nếu nhìn vào thực tại so với cách đây hơn 10 năm, điều dễ dàng nhận thấy là công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đạt nhiều kết quả khả quan. Cùng với đó, đời sống người dân trong lâm phần được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng “rừng vàng” như kỳ vọng của nhiều người, nguyên nhân xuất phát từ các quy định có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp.

Theo Quyết định số 2357/QĐ-UBND ngày 3/11/2021 về việc công nhận số liệu rừng và đất lâm nghiệp, toàn tỉnh hiện có 94.091 ha có rừng. Bên cạnh đó, tổng diện tích giao khoán là 77.578 ha với hàng chục ngàn hộ dân. Diện tích và số hộ được nhận khoán đất rừng lớn nên các chính sách, quy định liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp có tác động rất lớn đến đời sống người dân. 

Mâu thuẫn trong quy định

Đầu tư kết cấu hạ tầng cũng như mời gọi đầu tư các công trình dự án là lĩnh vực vô cùng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Thế nhưng, thời gian qua có không ít công trình, dự án không thể triển khai hay triển khai chậm tiến độ do các quy định còn thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong các chính sách có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trong Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai là một điển hình.

Giá thành gỗ đước giảm khiến không ít hộ dân gặp khó khăn

Các dự án đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội thực hiện thời gian qua phần lớn là theo sự lựa chọn vị trí của các nhà đầu tư và được phát sinh sau khi quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp được phê duyệt. Do đó, việc thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng để phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, sử dụng rừng theo quy định của pháp luật còn gặp nhiều bất cập.

Luật Lâm nghiệp quy định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có quy định: “HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha, rừng sản xuất dưới 50 ha”. Theo quy định này, HĐND cấp tỉnh không có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng; nhưng đối chiếu Điểm b, Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai thì HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng dưới 20 ha.

10 năm qua, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh mất gần 5.000 ha do tình trạng sạt lở ven biển

Cũng theo quy định tại Khoản 3, Điều 20, Luật Lâm nghiệp, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất của HĐND cấp tỉnh là dưới 50 ha; nhưng tại Điểm b, Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai lại không quy định phải thông qua chủ trương của HĐND tỉnh khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất. Vì vậy, khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc triển khai thực hiện dự án đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

 Bất cập trong thực tế

Xây dựng nhà ở là vấn đề được nhiều người dân trong lâm phần đặt ra tại hầu hết các buổi tiếp xúc cử tri. Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh, câu chuyện này tiếp tục được nêu ra.

Ông Trần Ẩn, ấp Mai Vinh, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, bộc bạch: "Sau mấy mươi năm bám đất, bám rừng dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đời sống người dân được nâng lên đáng kể so với trước. Từ cái chòi, lán trại ban đầu thì nay không ít hộ đủ điều kiện xây dựng nhà kiên cố để ở, tiếp tục giữ đất, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật là không được xây nhà khiến nhiều người hoang mang. Nếu không cho bà con cất nhà kiên cố thì làm sao thực hiện và hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương".

Quy định này không chỉ khiến người dân gặp khó khăn mà chính quyền địa phương cũng lúng túng. Ông Huỳnh Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông, chia sẻ: "Trong khi chính quyền ra sức vận động bà con hoàn thiện tiêu chí nhà ở theo chuẩn NTM thì lại vận động không cho xây dựng nhà kiên cố trên đất lâm nghiệp. Khi bà con xây dựng nhà, nếu không ảnh hưởng đến rừng thì xã cũng... ngó lơ cho bà con”.

Căn nhà tạm của người dân xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển ven đất rừng phòng hộ

Phớt lờ để người dân xây dựng nhà trước mắt là để bà con ổn định cuộc sống, sau đó là để hoàn thành mục tiêu tiến tới xã NTM là cách mà hầu như các xã trong lâm phần đang áp dụng. Ông Nguyễn Hồng Biên, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, huyện U Minh cũng thừa nhận: “Không biết xử lý như thế nào đối với các trường hợp này”.

Không riêng việc xây dựng nhà để ở mà việc sang bán, chuyển nhượng thành quả lao động trên đất rừng nhận khoán cũng đã gây ra không ít khó khăn cho người dân, dù vấn đề này vẫn đang diễn ra thực tế trong khu vực lâm phần. “Nếu không cho chuyển nhượng thì phải có giải pháp gì cho dân. Bởi có không ít người dân không còn khả năng canh tác trên phần đất được nhận giao khoán”, ông Trần Ẩn kiến nghị.

Nói về quy định không được sang nhượng trên phần đất nhận khoán, ông Nguyễn Văn Rồi, ấp Mai Hoa, xã Tam Giang Đông, bộc bạch: “Dù là nhận khoán đất rừng nhưng đây là tài sản duy nhất và lớn nhất của người dân nên cần có quyền chuyển nhượng thành quả lao động khi không còn khả năng canh tác”.

Theo quy định, đất lâm nghiệp thuộc diện hợp đồng giao khoán, người dân không được phép chuyển nhượng Ảnh: Huỳnh Lâm

Liên quan đến tình trạng sang nhượng hợp đồng giao khoán, ông Nguyễn Quốc Em, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang, cho biết: “Từ tháng 7/2020 đến nay, chúng tôi không ký cho sang nhượng bất cứ hợp đồng nào. Tuy nhiên, qua nắm tình hình thực tế trong dân vẫn diễn ra tình trạng sang nhượng”.

Ông Nguyễn Như Độ, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, lý giải, hợp đồng giao khoán là hợp đồng dân sự giữa chủ rừng và người dân. Do đó, theo quy định thì hợp đồng này không được chuyển nhượng. Cũng theo quy định, nếu người dân nhận khoán không còn nhu cầu sử dụng phải tiến hành thanh lý hợp đồng và trả lại cho chủ rừng; chủ rừng sẽ bồi hoàn thành quả lao động cho bên nhận khoán.

Đó là hai trong số rất nhiều bất cập mà trong các quy định, nghị định và cả luật khiến không ít hộ trong lâm phần gặp khó khăn, chính quyền địa phương thì lúng túng trong thực hiện.

Từ ngày 1/1/2019 đến ngày hết năm 2021, toàn tỉnh có 14 công trình, dự án được HĐND tỉnh Cà Mau cho chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, với tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 59,02 ha. Trong đó, rừng phòng hộ 35,9 ha, rừng sản xuất 23,12 ha.

Theo Báo Cà Mau