Cà Mau: Hướng đến “Kho bạc số”

28/06/2022 - 14:01

Được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong điều hành và hoạt động, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Cà Mau đã và đang từng bước hoàn thiện các điều kiện hạ tầng, tạo nền tảng quan trọng hướng đến “Kho bạc số”, góp phần vào công tác chuyển đổi số của tỉnh.

A A

Với nhiệm vụ kiểm soát thu - chi ngân sách của tỉnh, những năm qua, KBNN tỉnh không ngừng đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong hoạt động, tích cực chuẩn bị cho công tác chuyển đổi số của ngành. Theo đó, tổ chức phối hợp thu với các ngân hàng thương mại trên môi trường điện tử, tạo mọi điều kiện cho khách hàng giao dịch cũng như khách hàng nộp thuế có nhiều sự lựa chọn. Đồng thời, tạo thuận lợi cho các đơn vị, địa phương nộp và sử dụng ngân sách đúng quy định.

Ông Lê Chí Cường, Phó giám đốc KBNN tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hầu hết các chương trình hoạt động của KBNN được tin học hoá, xây dựng chương trình quản lý. Trong đó, có chương trình dịch vụ công cho đơn vị sử dụng ngân sách, chương trình dịch vụ công cho cán bộ giao dịch của KBNN để xử lý nghiệp. Thông qua các ứng dụng này sẽ có các bước chuyển tải qua các chương trình thanh toán, chuyển tiền cho đối tượng khách hàng mở tài khoản tại các ngân hàng trên phạm vi toàn quốc".

Có nhiều chương trình ứng dụng được quản lý và vận hành như: TABMIS (thanh toán song phương điện tử), hệ thống giao diện thanh toán liên ngân hàng, thanh toán điện tử liên ngân hàng (Citad)..., được duy trì hoạt động thông suốt, ổn định.

Đồng thời, KBNN còn thực hiện mô hình “Kho bạc 3 không” (không khách hàng giao dịch - không tiền mặt - không chứng từ). Không tiền mặt nghĩa là thu, chi qua ngân hàng là chủ yếu; không khách hàng là thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử mà kho bạc đã cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Các khách hàng, đơn vị sử dụng ngân sách hoặc các đối tượng mở tài khoản tại kho bạc chỉ cần ngồi tại nhà, trên môi trường máy tính gửi chứng từ đến kho bạc và kho bạc tự động xử lý và chuyển tiền, không cần mang chứng từ đến kho bạc như trước đây. 

Các hoạt động của KBNN được tin học hoá, xây dựng chương trình quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng cũng như đơn vị sử dụng ngân sách.

Cùng với đó, từ cuối năm 2021, hệ thống KBNN thực hiện liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (Dịch vụ công trực tuyến - Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc - Thanh toán song phương điện tử). Kết quả triển khai ban đầu cho thấy, việc liên thông đã kịp thời phục vụ tốt hơn nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.

Việc liên thông các ứng dụng nghiệp vụ cũng giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, hiệu quả, thuận tiện cho các bên liên quan cả người dân, doanh nghiệp và công chức KBNN. Một yếu tố quan trọng khác mà chương trình liên thông đem lại là giúp tránh được các sai sót về con số khi nhập số liệu thủ công; bảo đảm cho các công chức kiểm soát chi có điều kiện, thời gian kiểm tra các khoản chi một cách chặt chẽ, đầy đủ, kỹ càng nhất, tránh các rủi ro xảy ra.

Đến năm 2025, đơn vị đặt mục tiêu cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi NSNN theo hướng kiểm soát theo rủi ro.

“Để đạt mục tiêu đó, một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tăng cường ứng dụng CNTT, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành Kho bạc số. Cụ thể, xây dựng và triển khai kiến trúc CNTT của KBNN phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử. Trong đó, hệ thống thông tin ngân sách và kế toán Nhà nước số đóng vai trò là hệ thống lõi, có sự kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia và các hệ thống khác có liên quan”, ông Lê Chí Cường cho biết thêm.

Bên cạnh đó, số hoá các nghiệp vụ KBNN và cung cấp dữ liệu mở về tài chính - NSNN thông qua việc nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin quản lý ngân sách, kho bạc và các hệ thống liên quan thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán Nhà nước số dựa trên công nghệ hiện đại, cho phép cung cấp các dịch vụ số, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và có khả năng truy cập, khai thác thông tin rộng rãi.

Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng CNTT khác, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hoá KBNN. Ứng dụng hiệu quả các công nghệ số như điện toán đám mây (cloud vomputing), dữ liệu lớn (big data), di động (mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain)... trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Kho bạc số để tối ưu hoá các quy trình quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN.

Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện các hệ thống và giải pháp an toàn bảo mật, dự phòng rủi ro; hệ thống giám sát vận hành và giám sát an toàn bảo mật thông tin, đảm bảo hệ thống CNTT luôn được vận hành an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống.

"Trên nền tảng kết quả đạt được, KBNN Cà Mau sẽ bám sát kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và ngành để xây dựng thành kế hoạch thực hiện của mình để làm sao liên thông tốt với hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh để phục phục tốt hơn nhiệm vụ KBNN tại địa phương. Đồng thời, cập nhật, cung cấp kịp thời và chính xác số liệu thu, chi ngân sách Nhà nước qua KBNN giúp cung cấp thông tin báo cáo đầy đủ cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách", ông Lê Chí Cường nhấn mạnh./.

Theo Báo Cà Mau