Ông Ðỗ Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết, tổng nguồn vốn QHTND tỉnh Cà Mau trên 70 tỷ đồng, đang thực hiện được 407 dự án cho 3.787 hộ vay. Thông qua nguồn vốn cho vay giúp nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, liên doanh, liên kết phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình giá trị kinh tế cao; tập hợp được nông dân, phát triển mới các chi hội và tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX).
Những mô hình hiệu quả từ nguồn vốn QHTND được chọn làm điểm chỉ đạo và nhân rộng như: HTX dèo cua con Ngọc Hà tại ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển; HTX sản xuất nước mắm Ngọc Trân tại Khóm 5, thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân; HTX nuôi tôm sạch tại xã Hoà Tân, TP Cà Mau; mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến sử dụng chế phẩm sinh học của Chi hội Nông dân nghề nghiệp Ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau; mô hình trồng bồn bồn kết hợp với nuôi cá đồng tại Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh; mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng tại khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển...
Từ nguồn vốn QHTND, nhiều hội viên nông dân đầu tư vào sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần xây dựng nông thôn mới. (Ảnh minh hoạ)
Qua nguồn vốn QHTND đã tập hợp được nhóm hộ tham gia vào tổ nhóm liên kết sản xuất, kịp thời chia sẻ thông tin, giá cả thị trường để nhóm hộ áp dụng trực tiếp tại mô hình, nên sản xuất hiệu quả và tiêu thụ tốt hơn. QHTND đang trở thành điểm tựa giúp hội viên nông dân đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM.
Qua các dự án vay vốn QHTND, các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân có kinh nghiệm, tay nghề cao làm nòng cốt, tạo điều kiện giúp đỡ các hộ cùng tham gia dự án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất thông qua việc chia sẻ, truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, hướng dẫn các kỹ năng thực hành dễ hiểu, dễ làm, dễ nhớ, dễ áp dụng.
“Thông qua xây dựng các dự án từ QHTND, các cấp hội trực tiếp thành lập được 77 tổ hợp tác, 11 HTX; luỹ kế đến nay, hội thành lập được 432 tổ hợp tác, 113 HTX, 745 tổ hội và 36 chi hội nông dân nghề nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 287 HTX, với 4.426 thành viên và 990 tổ hợp tác, với 14.507 tổ viên. Năm 2023, có 64 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 1.545 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh”, ông Tuấn cho biết thêm.
Theo ông Phạm Văn Dự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, từ nguồn vốn QHTND xây dựng các dự án nên thuận lợi hơn trong việc tập hợp hội viên, nông dân để sinh hoạt chi, tổ hội, làm tốt hơn công tác tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...; phát động các chương trình, phần việc cụ thể ở địa phương, đặc biệt là thực hiện chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Mặt khác, nguồn phí được trích cũng tạo điều kiện “hoạt động kép” phục vụ hoạt động quản lý dự án, gắn với hoạt động công tác hội và phong trào nông dân.
“Những năm qua, trên địa bàn xã đã thực hiện 13 dự án, hiện có 4 dự án đang hoạt động. Riêng Ấp 4 xây dựng được chi hội nông dân nghề nghiệp, hướng tới xây dựng tổ hợp tác và HTX nuôi cá bổi; 1 dự án nuôi heo an toàn sinh học và 1 dự án đầu tư cải tạo vườn tạp trồng hoa màu luân canh kết hợp với mô hình nuôi cá rô. Từ nguồn vốn QHTND đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên nông dân vay phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”, ông Phạm Văn Dự cho biết.
Sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay 40 triệu đồng từ QHTND, hộ ông Huỳnh Văn Bền, ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, đầu tư nuôi 2 ao cá bổi, thu hoạch trên 5 tấn cá thương phẩm, lợi nhuận hàng chục triệu đồng.
Ông Trần Văn Hoán, Ấp 4, xã Khánh Bình, cho biết: “Khi được tiếp cận vốn QHTND huyện, gia đình tôi rất phấn khởi. Nguồn vốn ưu đãi này đã giúp gia đình tôi mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống. Theo tôi, nguồn vốn QHTND dễ tiếp cận, thủ tục vay đơn giản, tiến độ giải ngân nhanh, không bắt buộc thế chấp tài sản. Tuy nhiên, với lãi suất cho vay 0,7% là còn cao, cần xem xét hạ lãi suất xuống mức hợp lý 0,5%, để nguồn vốn này thật sự là điểm tựa của nông dân”.
Theo ông Ðoàn Tấn Thuận, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, nguồn vốn QHTND đã và đang đồng hành cùng hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của hội, góp sức làm chuyển biến bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Ðể nguồn vốn QHTND ngày càng hiệu quả hơn, Nhà nước cần quan tâm mở rộng quy mô các dự án đầu tư và hạ lãi suất vốn vay để các hội viên nông dân được tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn./.
Theo TRUNG ĐỈNH - DANH ĐIỆP (Báo Cà Mau)